Nghiên cứu khoa học của học sinh tầm vóc thật hay bị thổi phồng?

02/04/2021 06:48
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh tốn thời gian, tiền bạc nếu chỉ lấy thành tích, nhận bằng khen, không ứng dụng được thì nên xem xét lại.

Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020 – 2021 vừa diễn ra tại Thừa Thiên - Huế có 91 dự án đạt giải thưởng, trong đó có 12 giải nhất, 19 giải nhì, 26 giải ba và 34 giải tư.

Điều đáng nói, nhiều đề tài tại cuộc thi được vinh danh khiến không ít người choáng váng khi nghe đến tên đề tài. Không ít ý kiến cho rằng, cuộc thi là cuộc chạy đua của thầy cô và học trò đứng tên hơn là khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh.

Nhiều người cho rằng, cuộc thi này đã đi xa mục tiêu giáo dục phổ thông.

Ông Lê Văn Vỵ, nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Lê Văn Vỵ, nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Vỵ, nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết:

“Giáo dục phổ thông có mục tiêu và nhiệm vụ cung cấp cho học sinh hệ thống kiến thức phổ thông căn bản nhất.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Quyết định 522 ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025.

Theo đó, đến năm 2025 phấn đấu 100% trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất kinh doanh của địa phương, và có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

Do vậy, nghiên cứu khoa học không phải nhiệm vụ chủ yếu của bậc học phổ thông”.

Khi nhìn vào 12 dự án đạt giải nhất của Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021, nhiều người không khỏi kinh ngạc bởi tất cả các dự án này đều rất cao siêu, vượt qua tầm hiểu biết của học sinh phổ thông.

Có nhiều dự án rất hóc búa như: “Nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ và hoạt hóa eNOS trên tế bào ECV304 từ một số bài làm thuốc thuộc chi Polygonum L. định hướng phòng và điều trị xơ vỡ động mạch” (Trung học phổ thông Ngô Quyền và Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, Hải Phòng); “Cải tiến peptit polybia-mpl để ứng dụng trong điều trị ung thư” (Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn và Trung học phổ thông Hàm Rồng, Thanh Hóa); “Nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc trong Alginate chứa nano oxit sắt từ” (Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, Đại học Sư Phạm Hà Nội),…Ông Lê Văn Vỵ cho rằng, điều này là “vô cùng bất thường và khác thường”.

“Thứ nhất, ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, kể cả các trường chuẩn quốc gia, các phòng chức năng và các dụng cụ thí nghiệm trong các phòng chức năng đó không đủ đáp ứng được nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, kinh phí cho các hạng mục tại bậc phổ thông cũng không đủ để phục vụ cho nghiên cứu khoa học.

Vì vậy cho nên, là một trong những người gắn liền với thực tiễn giáo dục ở địa phương, tôi thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật vừa rồi, để các cơ sở có được những đề tài, những sản phẩm đi dự thi hóc búa như thế kia là đáng kinh ngạc.

Thứ hai, hiện nay, ở các trường đại học, các viện nghiên cứu có tất cả các điều kiện để tổ chức cho sinh viên nghiên cứu khoa học vì ở đó có các nhà khoa học, họ có giáo sư, tiến sĩ; họ có điều kiện cơ sở vật chất; có nguồn lực đầu tư của nhà nước; có sự liên kết, phối kết hợp nghiên cứu khoa học cả trong nước và nước ngoài. Không những vậy, họ còn có điều kiện để liên kết với với các doanh nghiệp, thị trường lao động.

Tuy nhiên, chúng ta thấy, những thành tựu của nghiên cứu khoa học, những phát minh sáng chế ở các viện, các trường đại học cũng rất khiêm tốn.

Thế nên, ở trường phổ thông, một nơi không có điều kiện mà họ lại làm được những điều mà ở các trường đại học còn khó làm thì nó như là một hiện tượng bất thường, khác thường”.

Chính vì có sự bất thường như vậy nên theo ông Lê Văn Vỵ, chúng ta phải xem xét, đánh giá lại một cách công bằng, khách quan.

“Nếu quả thật có thành tựu lớn lao như vậy thì phải nhân rộng nó ra, phải đầu tư, phát triển nó, nếu có những thành tựu giá trị thì đưa vào ứng dụng thực tiễn và phải thưởng một cách xứng đáng.

Để làm được điều đó thì phải thay đổi mục tiêu của giáo dục phổ thông, phải đầu tư cho họ kinh phí, cơ sở vật chất chứ không phải là như lâu nay.

Nếu không phải có thành tựu đúng như vậy mà chỉ do bệnh thành tích mà họ thổi phồng lên thì là đi quá xa mục tiêu của giáo dục phổ thông. Nếu vậy cần phải được điều chỉnh”.

Để nghiên cứu một đề tài khoa học không phải là chuyện đơn giản, bên cạnh kinh phí, cơ sở vật chất còn phải phụ thuộc vào sự đam mê tìm tòi, sáng tạo của chính học sinh:

“Thứ nhất, chính bản thân học sinh phải có cảm hứng, say mê nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, bây giờ, học sinh các cấp phổ thông học nhiều, thi nhiều, để có thời gian mà say mê khoa học thì thực sự hiếm. Lâu nay, cảm hứng nghiên cứu khoa học của học sinh chỉ bắt nguồn từ phong trào, từ bên ngoài, từ trường rồi mới tác động đến học sinh.

Bên cạnh đó, với kiến thức căn bản của học sinh, để đi sâu vào nghiên cứu chuyên ngành là rất khó.

Các phòng thực hành ở trường phổ thông chủ yếu phục vụ minh họa lý thuyết trong sách giáo khoa, còn phục vụ nghiên cứu khoa học quá bất cập. Về kinh phí cũng vô cùng hạn hẹp. Cho nên, các cơ sở giáo dục hiện nay chạy đua nghiên cứu khoa học theo kiểu “giật đầu cá vá đầu tôm”, ông Lê Văn Vỵ nhấn mạnh.

Niềm đam mê không xuất phát từ bản thân mà xuất phát từ phong trào đã khiến cho những đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh tiềm ẩn căn bệnh thành tích. Đề tài tuy “đao to búa lớn” nhưng tính ứng dụng vào thực tế còn bỏ ngỏ.

“Điều đáng nói nhất là hàng chục đề tài giải Vàng, Bạc được vinh danh ồn ào, rầm rộ nhưng sau khi trao giải xong thì thảm thương “nằm đắp chiếu” chẳng thấy được ứng dụng ở đâu cả. Nếu là những sáng tạo khoa học kỹ thuật đích thực sao không áp dụng vào đời sống? Đây là yếu tố then chốt khiến cho niềm tin về thành quả của nghiên cứu khoa học mong manh và lung lay. Nghiên cứu khoa học kỹ thuật tốn thời gian, tiền bạc, cuối cùng chỉ lấy thành tích, nhận bằng khen thì nên xem xét lại.

Nguy hiểm hơn, tốn thời gian, tiền tạc đã đành, nhưng hệ lụy lớn nhất là phản tác dụng giáo dục”, ông Lê Văn Vỵ nhấn mạnh.

Đình Hùng