Người thầy giống nghệ sĩ trên bục giảng, phải có sức hút học sinh mới đam mê

26/04/2019 06:43
Đỗ Thơm
(GDVN) - Sức hút của một người thầy đến từ đạo đức của chính giáo viên, từ chuyên môn, phương pháp giảng dạy để làm sao học sinh muốn đến lớp, muốn học, lắng nghe giảng

Trong hành trình hơn 20 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, trường Trung học phổ thông Phương Xá (huyện Cẩm Khê - tỉnh Phú Thọ) đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng.

Đặc biệt, năm học 2015-2016, 2016-2017, nhà trường đã khẳng định được chất lượng giáo dục mũi nhọn. Theo đó, năm học 2016-2017, trường đã có 6 học sinh đỗ đại học đạt từ 27 điểm trở lên, cũng trong năm này đội tuyển tham dự kỳ thi chọn Học sinh giỏi quốc gia cấp Tỉnh đã đứng ở vị trí số 1 trong các trường Trung học phổ thông tham dự kỳ thi.

Có được những thành tích trên phải kể đến sự nỗ lực của ban giám hiệu, thầy cô và học sinh nhà trường qua nhiều thế hệ.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên nhân chuyến công tác tại trường, cô Cẩm Anh – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ với chúng tôi về một thầy giáo dạy Địa lý. 

Một người đã gắn bó với ngôi trường từ những ngày còn mới thành lập và đã đóng góp nhiều vào thành tích chung này. Sự gắn bó, gần gũi với học trò của thầy được học sinh yên mến gọi là “bố Khánh”.

Thầy Nguyễn Gia Khánh trong một giờ lên lớp. Ảnh: Giáo viên cung cấp
Thầy Nguyễn Gia Khánh trong một giờ lên lớp. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Ấn tượng đầu tiên của phóng viên khi gặp thầy Nguyễn Gia Khánh - giáo viên môn Địa lý của trường Trung học phổ thông Phương Xá là sự khiêm tốn và giản dị.

Mỗi lời chia sẻ của thầy đều hướng đến làm gì để tốt cho học sinh của mình. Dù lãnh đạo nhà trường giới thiệu về thành tích dạy và học rất tốt của thầy nhưng thầy Khánh ít nhắc đến thành tích mà mình làm được.

Người thầy giáo môn Địa lý chủ yếu chia sẽ những quan điểm làm kim chỉ nam cho mỗi ngày đứng lớp của mình.

“Bố Khánh” của nhiều thế hệ học sinh trường Trung học phổ thông Phương Xá không đổ lỗi cho học sinh nếu các em không thích môn Địa, môn Sử…Thay vào đó, thầy Khánh đi tìm hướng giải quyết từ phía mình.

“Quan điểm của tôi, đầu tiên người thầy phải tạo được sức hút với học trò. Sức hút ở đây đến từ rất nhiều yếu tố.

Đã là thầy, thì đầu tiên thầy phải có đạo đức. Người thầy thực sự phải là tấm gương đạo đức cho học sinh noi theo, các em nhìn vào.

Thứ hai là chuyên môn. Người thầy phải vững chuyên môn, phải không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực cho chính bản thân.

Thứ ba là về phương pháp giảng dạy. Chúng tôi hay quan niệm vui một chút rằng “người thầy giống như nghệ sĩ trên bục giảng”, phải tạo được sức hấp dẫn với các em khi đứng trên lớp giảng bài.

Từ ăn mặc, phong cách, ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy được thầy cô sử dụng, hòa đồng, lắng nghe các em. Tất cả đều phải làm sao để các em muốn đến lớp, muốn ngồi nghe và nghe lọt được kiến thức.

Khi giáo viên đã tạo được sức hấp dẫn với học sinh, nó sẽ tạo là động lực để các em phấn đấu, đam mê môn học.

Đây là mục tiêu và cũng là đích để tôi cố gắng phấn đấu giúp học trò thích môn Địa lý”, thầy Khánh tâm sự.

Theo thầy Khánh, trong quá trình giảng dạy để nâng cao được chất lượng, giáo viên cũng phải “phân loại” được đối tượng học sinh.

Ở đây không chỉ là phân loại dựa vào năng lực học tập của các em mà còn cả về ý thức học tập. Từ đó giáo viên có tác động phù hợp với từng nhóm học sinh một cách hợp lý nhất.

Bởi áp dụng một cách chung cho tất cả học sinh thì khó có thể phát huy được hiệu quả.

Thầy Khánh ví dụ, với các em đội tuyển, phần lớn thầy khơi gợi vấn đề để tự các em tìm hiểu. Giáo viên đảm bảo nó là sân chơi để các trò tìm hiểu, nghiên cứu và sau đó các em sẽ báo cáo trình bày sản phẩm mà chính cách em làm được.

"Tôi nói nó giống như sân chơi vì ở đó có tính cạnh tranh. Tôi có lời động viên đúng lúc với các em làm tốt hơn.

Đối với các em làm chưa tốt bằng, quan điểm của tôi không phê bình hay chê ngay lập tức mà nói làm sao để động viên, khích lệ các em làm tốt hơn ở lần sau.

Đối với học sinh yếu hơn thì giáo viên lại phải quan tâm rất cụ thể.

Ví dụ, tôi đang dạy ôn cho các em chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia sắp diễn ra.

Có một lớp mà một số em qua những lần khảo sát thi thử, điểm các em chưa tốt lắm.

Vì vậy, mỗi buổi dạy, tôi thường xuyên quan tâm xem các em có tập trung học không, có vướng mắc gì trong quá trình học không, phần nào các em còn yếu.

Thực tế, thời gian dành cho các em này lớn hơn rất nhiều các bạn học khá. Tôi muốn hỗ trợ các em để đạt được ngưỡng làm bài tốt nhất với sức học của các em, có kết quả thuận lợi trong kỳ thi tới", thầy Khánh dẫn chứng.

Vì thế, khi giao công việc, thầy thường có mặt cùng các em để biết chúng vướng gì. Sau đó, thầy sẽ hướng dẫn để các em làm việc hiệu quả nhất. 

Học sinh của trường mạnh dạn trao đổi về những băn khoăn trước ngưỡng cửa chọn trường, chọn nghề sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Ảnh: Đỗ Thơm
Học sinh của trường mạnh dạn trao đổi về những băn khoăn trước ngưỡng cửa chọn trường, chọn nghề sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Ảnh: Đỗ Thơm

Thầy Khánh cũng nói về thực tế là nhiều em sợ học môn xã hội, các em bảo các môn đó tạo ra cho các em sự mệt mỏi vì bài dài. Thầy cô nói nhiều, học sinh phải ghi chép, nên nhiều em không muốn, không hứng thú học.

"Đối với bản thân tôi, thời gian vừa qua cũng áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới để các em làm việc, tương tác với nhau, với giáo viên. Các em được chủ động đưa ra quan điểm của chính mình 

Tôi khuyến khích mỗi em đưa ra quan điểm của mình về các vấn đề thảo luận trong buổi học. Từ đó, mình cùng các em phân tích, thảo luận để đưa ra kết luận hợp lý nhất.

Khi làm như vậy, các nội dung giáo viên truyền đạt cũng trở nên nhẹ nhàng, các em cũng hứng thú hơn vì các em là phần quan trọng của bài giảng.

Đặc biệt là tạo được hứng thú khi các trò được nêu ra quan điểm cá nhân của mình. Tự các em tìm hiểu nên nắm rõ được bản chất vấn đề, các em sẽ nhớ, hiểu lâu hơn thay vì ghi chép máy móc", thầy Khánh nhận định.

Có lẽ nhờ có quan điểm, định hướng rõ ràng nên thầy Khánh đã gặt được nhiều trái ngọt từ chính việc reo những cách học, cách dạy hiệu quả.

Khóa học 2013-2016, đội tuyển ôn thi học sinh giỏi môn Địa lý của trường có 9 em đạt học sinh giỏi cấp Tỉnh, trong đó có 3 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba, 2 giải khuyến khích.

Năm 2018-2019, thầy Gia Khánh cũng bồi dưỡng đội tuyển. Kết quả có 9 em đạt giỏi học sinh giỏi cấp Tỉnh. Trong đó, có 3 giải nhất, 2 nhì, 1 ba, 3 giải khuyến khích. Kết quả đó là sự động viên khích lệ rất nhiều tinh thần của thầy và trò.

Không chỉ ở kỳ thi học sinh giỏi, ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, điểm thi môn Địa lý của trường cũng luôn nằm trong top các trường có kết quả tốt nhất của Tỉnh.

Đỗ Thơm