Người từ chức ở Bộ GD&ĐT: Hạnh phúc nhất được làm giáo dục lành mạnh

20/11/2013 07:28
Xuân Trung
(GDVN) - Hơn 10 năm từ ông từ chức Vụ trưởng Vụ GD tiểu học (Bộ GD&ĐT), cuộc sống sẽ khó khăn hơn nhưng về tinh thần ông rất thoải mái, thoải mái vì được nói ra những điều thật từ đáy lòng, tránh cho con trẻ và sự nghiệp giáo dục một “dấu chấm” không đáng có.
PGS. TS. Nguyễn Kế Hào được mọi người biết đến khi ông quyết định từ chức ở Bộ GD&ĐT năm 2001 để phản đối mộ chủ trương lớn là đổi mới chương trình và SGK năm đó, nói với báo chí thời điểm đó rằng, ông từ chức cũng chỉ vì không ngăn được cấp trên dừng chủ trương đó lại do chưa chuẩn bị kỹ. Nhân ngày 20/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả cuộc nói chuyện với PGS. TS. Nguyễn Kế Hào về cuộc sống cũng như những  trăn trở trong sự nghiệp làm giáo dục của ông.
Làm giáo dục không được sai lầm

PV: Mỗi lần đến ngày 20/11 thầy có bồi hồi không?

PGS. Nguyễn Kế Hào: Tôi rất vui, rất mừng vì xã hội đã cởi mở, dân chủ hơn, dân trí cao hơn, người ta được tham gia nhiều hơn. Lãnh đạo phải biết sợ dân, không được để cho dân khổ.

Nhớ lại quãng thời gian làm giáo dục trong kháng chiến, thầy có chia sẻ gì về người thầy trong kháng chiến?
PGS. Nguyễn Kế Hào: Tôi đi làm giáo dục từ năm 1961 thời đó đẹp lắm, Hồ Chủ Tịch phát động dạy tốt, học tốt, hồi đó tôi dạy trên Bến Then, Vĩnh Phúc. Năm 1968 Mỹ tuyên bố đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá thì Bác Hồ bảo rằng, dù có khó khăn tới đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt, đó là triết lý. 

Về sau này nhiều khi chúng ta quên mất, tới khi có chủ trương hai không là tôi buồn lắm. 

Những ngày vinh danh nhà giáo thầy thường có quà gì?

Mỗi ngày 20/11 địa phương thường tụ tập mổ một con lợn làm bữa lên hoan. Học sinh tình cảm có gì tặng thứ đó, là bó hoa, là khoai lang, là ngô. Người ta chưa quy ra vật chất. Chủ yếu là tình cảm, còn vật chất thì vô cùng. Thậm chí mình hướng dẫn các em làm luận văn, luận án, học trò từ quê ra không có gì thường biếu mình 10kg gạo, cũng không cần chai rượu mấy triệu, chủ yếu là tình cảm. 

PGS. TS. Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ GD tiểu học (Bộ GD&ĐT). Ảnh Xuân Trung
PGS. TS. Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ GD tiểu học (Bộ GD&ĐT). Ảnh Xuân Trung

Đến thăm thầy học trò thậm chí là lấy hoa phượng tặng thầy, nhưng thời này càng văn minh bao nhiêu thì càng tội ác bấy nhiêu.

Thầy có nghĩ giờ chúng ta có nhiều biện pháp thực hiện gây nên giáo dục bị mất phương hướng?

Dù có biện pháp nào thì cuối cùng  giáo dục cũng phải hướng tới văn minh, chất lượng, có hiệu quả và phải phục vụ cho đất nước. 

Theo thầy giáo dục có nên để tự nhiên cho phát triển?

Giáo dục phải có định hướng, không thể tự nhiên được, giáo dục còn là thể chế xã hội, phục vụ cho chế độ nào. Nhưng chế độ nào cũng phải hướng tới Chân – Thiện - Mỹ. 

Thưa thầy, điều tệ hại nhất đối với một người thầy là gì?

Người thầy không được sai lầm, phải chuẩn mực. Học trò phải theo thầy, nếu học trò không theo thầy thì thôi rồi, để cho học trò theo thầy thì thầy phải chuẩn mực, đừng có làm sai. 

Cho nên  thời tôi từ chức một loạt báo hỏi tôi, tôi bảo làm giáo dục sợ nhất là làm sai, đó là nỗi sợ lớn nhất. Vì làm sai thì khó sửa và cứ theo cái sai đó. 

Tôi đi công tác địa phương thấy trẻ con, học sinh nô đùa thấy thích lắm, ở địa phương là thế nhưng trên thường là không thật, càng lớn lên càng không thật. Càng về nông thôn càng vui hơn vì rất thật.

Thầy thấy giáo dục miền núi những năm qua thế nào?

Được đầu tư khá hơn, trẻ con được đi học tốt hơn, đi đến những chỗ như thế mới thấy hạnh phúc, trẻ con tự nhiên lắm. Còn miền xuôi thật giả không biết thế nào được.
Viết sách: Phải tin vào người mới

Thầy suy nghĩ như thế nào về việc sắp triển khai viết sách SGK tới?

Nếu mà vẫn lực lượng cũ thì sách vẫn như cũ thôi, phải mới, phải tin vào những người mới, phải cho người trẻ tham gia còn những người kia (có kinh nghiệm –pv) chỉ cầm trịch thôi, người trẻ hiểu được cuộc sống, họ đang cần gì và họ sống như thế nào. Nên phải kế thừa, nếu cho người cũ làm thì họ vẫn làm như cũ, họ lại xào xáo cái cũ và chủ yếu để tiêu tiền mà thôi.

Có thể viết sách tốn nhưng chất lượng phải đạt, đừng làm vất cho người khác, mà nếu làm không được thì cứ dùng cái cũ cũng được. Ngôi nhà mới cảm thấy cần thì nâng cấp lên, còn chưa có điều kiện thì cứ ở nhà cũ. 

Thầy nghĩ lực lượng viết sách hiện nay cho chương trình đổi mới có thiếu không?

Không thiếu, chỉ thiếu cái đầu chỉ huy thôi. Nếu chỉ huy mà bảo anh làm theo cái này anh không làm theo thì mất việc.

Nhưng trong kỳ mới này thầy có nghĩ sẽ thay đổi tư duy viết không?

Không phải là tư duy mà phải là dân chủ hóa, không một cái duy nhất. Tôi đã từng từ chức để phản đối cái đó, tôi từ chức năm 2001 từ Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), vì tư duy đưa ra không đồng nhất, một người không hiểu gì cả, chỉ làm theo cấp trên thì không được. 

Có tiền thì cứ tiêu, tiêu xong thì bỏ chạy và không ai chịu trách nhiệm, rồi hậu quả để lại cho mọi người chịu, anh chịu, tôi chịu, mọi nhà chịu. Bộ sách đó từ ngày ấy đến bây giờ mới thay đổi.

Vậy lỗi này ở đâu ra?

Khó lắm, nhưng cuối cùng không có ai cụ thể. 

Vậy xã hội có được tham gia viết sách để tránh độc quyền không thưa thầy?

Không được, không thể như Trung Quốc cả nhân dân tham gia làm gang thép được. Nói thế nhưng viết sách đâu có dễ, không độc quyền nhưng có các tập thể theo những tiêu chí này để cho dân chọn. Phải có tiêu chí để tập thể hay tác giả mới được viết và đương nhiên phải có thẩm định.

Tôi xin nói thẩm định là một khâu quan trọng, nhưng từ trước tới nay là giả vờ cả, tôi từ chức cũng vì thế. Đã quyết định như vậy nếu anh phản đối sẽ bị loại và tôi không chịu được nên tôi từ chức.

“Từ chức tôi mới nói được sự thật”

Với hành động của mình, đến bây giờ cuộc sống thầy có gặp khó khăn gì không?

Đáng mừng là bạn bè vẫn quý  tôi, không loại trừ tôi và cuối cùng người ta nhìn thấy hành động của tôi là đúng, do đó vẫn mời tôi tham gia bàn luận. 

Trước khi biết tin thầy sẽ từ chức để phản đối một chủ trương lớn như vậy thì lãnh đạo có gặp riêng thầy không?

Nhiều lần chứ, nhiều lần ngồi với nhau bàn nhưng họ không nghe mình thì mới chịu, đầu tiên là báo cáo bằng văn bản, sau là trình nhưng khuyên mãi không được thì tôi mới từ chức. 

Ngay lúc đó thầy xác định từ chức như thế thì sự nghiệp của mình với giáo dục sẽ hết không?

Không, không hết. Phải từ chức tôi mới nói được sự thật, thì ở ngoài mới biết được. Và sự thật đó có lợi cho nhân dân, cho trẻ con. Sau đó TƯ có Nghị quyết cương quyết giảm nội dung chương trình học. 

Một người thầy hạnh phúc nhất là khi nào?

PGS. Nguyễn Kế Hào: Hạnh phúc nhất là được làm giáo dục và giáo dục lành mạnh, giáo dục lành mạnh là xã hội lành mạnh. Lành mạnh theo nghĩa cơ thể lành mạnh, cũng có lúc thế này thế khác, nhưng nhìn chung là theo hướng tích cực.

Xin cảm ơn thầy, chúc thầy sức khỏe.
Xuân Trung