Nhiều bài học lớn từ chuyện kêu cứu của giáo viên hợp đồng tại Hà Nội

16/06/2019 06:34
Vũ Ninh
(GDVN) - Câu chuyện hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Nội kêu cứu để lại nhiều bài học cho các cấp lãnh đạo, nhà trường và cho chính các thầy cô.

Nghịch lý giáo viên dạy giỏi và giáo viên biên chế

Có một nghịch lý tồn tại đã nhiều năm qua: Giáo viên được biên chế chưa chắc đã là giáo viên dạy giỏi hơn giáo viên hợp đồng, giáo viên giỏi chưa chắc đã được vào biên chế.

Chỉ trả lương 1,2 triệu đồng mỗi tháng mà họ gọi là thương chúng tôi sao?
Chỉ trả lương 1,2 triệu đồng mỗi tháng mà họ gọi là thương chúng tôi sao?

Tất nhiên đây chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng thực tế điều này vẫn đang diễn ra.

Nghịch lý này có lý do một phần xuất phát từ hình thức thi tuyển viên chức như hiện nay.  

Theo đó giáo viên muốn được vào biên chế phải trải qua 2 vòng thi.

Vòng thi thứ nhất gồm 3 phần thi: Thi kiến thức chung 60 câu hỏi, thi ngoại ngữ 30 câu và thi tin học 30 câu.

Vòng thi thứ hai gồm 2 phần. Phần phỏng vấn 30 phút, phần thi viết 180 phút.

Việc yêu cầu viên chức phải có trình độ ngoại ngữ và tin học là một chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao chất lượng của giáo viên.

Tuy nhiên quy định này có thể sẽ bỏ sót một số lượng không hề nhỏ các giáo viên giỏi và có chuyên môn cao.

Nhiều thầy cô cho rằng: Một giáo viên thi đỗ vào biên chế chưa chắc đã phải là giáo viên giỏi. Một giáo viên giỏi cũng chưa chắc sẽ đỗ vào biên chế.

Nhiều giáo viên hợp đồng có năng lực chuyên môn và thành tích cao nhưng không thể vào biên chế (Ảnh: Vũ Ninh)
Nhiều giáo viên hợp đồng có năng lực chuyên môn và thành tích cao nhưng không thể vào biên chế (Ảnh: Vũ Ninh)

Tại sao lại như vậy? Thầy cô cho rằng: Thước đo của giáo viên được thể hiện thông qua các yếu tố:

Thứ nhất, giáo viên giỏi phải vững vàng về chuyên môn, giỏi về kiến thức.

Thứ hai, giáo viên giỏi phải có nghiệp vụ sư phạm và khả năng truyền đạt tốt đối với học sinh.

Thứ ba, giáo viên giỏi phải có kết quả lao động tốt thể hiện qua thành tích cá nhân và đặc biệt là kết quả học tập của học sinh.

Nếu chiếu theo quy định của kỳ thi viên chức nhiều giáo viên giỏi, có thành tích tốt, đào tạo học sinh giỏi, được công nhận của ngành Giáo dục, của Nhà nước... sẽ không được tiếp tục giảng dạy bởi những rào cản về tiếng Anh và tin học.

Cô Nguyễn Thị Mùi - giáo viên dạy Lịch Sử bày tỏ: “Tôi rất ủng hộ chủ trương thi viên chức và nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên tôi cho rằng không nên áp dụng cứng ngắc đối với tất cả các môn.

Những môn học khác nhau sẽ có những tiêu chí khác nhau. Chúng ta đang lấy chung một thước đo dành cho tất cả các môn và các thầy cô tôi nghĩ không hợp lý.

Lấy ví dụ những môn như Lịch Sử, Ngữ Văn, thể chất, âm nhạc, hội họa, Giáo dục công dân...có cần thiết phải đánh giá ngoại ngữ của các thầy cô hay không trong khi chúng tôi chưa bao giờ sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy những môn này”.

Nhiều giáo viên là minh chứng sống cho câu: Cho dù có dạy giỏi nhưng cũng khó được vào biên chế.

Lấy trường hợp của cô giáo Đào Thị Nga (huyện Sóc Sơn) nhiều năm đạt danh hiệu thi đua, có năng lực chuyên môn cốt cán của trường, có nhóm học sinh có giải quốc gia... thế nhưng 18 năm vẫn phải dạy hợp đồng.

Trường hợp của cô Đặng Thị Ngọc (huyện Mỹ Đức), được nhận kỷ niệm chương: Vì sự nghiệp giáo dục nhưng vẫn dạy hợp đồng 23 năm.

Trong khi đó cũng có rất nhiều giáo viên biên chế lại không có được năng lực chuyên môn tốt như các giáo viên hợp đồng.

Kỷ niệm chương của một giáo viên hợp đồng công tác 23 năm (Ảnh: Vũ Ninh)
Kỷ niệm chương của một giáo viên hợp đồng công tác 23 năm (Ảnh: Vũ Ninh)

Cô N.T.M (Đông Anh) kể: “Trường tôi thi thoảng vẫn giao cho tôi phụ trách một số em biên chế mới vào và giao cho tôi kèm cặp các em đấy.

Tôi chỉ muốn nói rằng việc dạy học là một quá trình tổng hợp nhiều yếu tố.

Kiến thức chỉ là một phần, còn kỹ năng truyền đạt, kinh nghiệm, chuyên môn cũng rất quan trọng.

Cho nên những bài thi 180 phút hay 60 phút rất khó để đánh giá năng lực của một giáo viên”.

Bên cạnh đó việc yêu cầu các thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh, tin học còn nảy sinh một “vấn nạn” vô cùng lớn đó chính là tệ nạn mua bán bằng cấp, chứng chỉ.

Hiện nay có rất nhiều trung tâm tổ chức các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh, tin học 3 không: Không cần ôn thi, không cần học và không lo về mặt kết quả.

Như vậy nếu các thí sinh được cấp chứng chỉ với hình thức như trên thì chẳng khác nào khuyến khích tệ nạn mua bán bằng cấp trong khi chất lượng của giáo viên không được nâng lên là bao lại còn đẩy họ vào con đường gian dối.

Những lo ngại về kỳ thi viên chức diễn ra không minh bạch

Một trong những nỗi lo của các thầy cô đó là kỳ thi viên chức tổ chức không minh bạch.

Chúng tôi đã từng nhận được nhiều phản ánh của các thầy cô khi được chào mời vào biên chế với giá hàng trăm triệu đồng.

Giáo viên hợp đồng ở Thủ đô: Cực chẳng đã chúng tôi mới phải lên đây!
Giáo viên hợp đồng ở Thủ đô: Cực chẳng đã chúng tôi mới phải lên đây!

Bên cạnh đó nhiều trường hợp được phản ánh lại: Có năng lực kém, trình độ yếu nhưng vẫn ung dung thi đỗ viên chức.

Trong khi đó có thầy cô chuyên môn và trình độ giỏi, hoàn thành bài thi tốt nhưng vẫn bị trượt “một cách khó hiểu”.

Theo phản ánh của cô N.T.P.A – giáo viên hợp đồng tại Thường Tín (Hà Nội): Ngay sau khi có chỉ tiêu, cô P.A đã được chào mời chạy viên chức với cái giá vài trăm triệu đồng.

Cô P.A. nói: “Sau khi có thông tin về kỳ thi viên chức có người gọi điện cho tôi. Họ bảo muốn chạy viên chức thì họ mách cửa cho.

Nếu mình có thiện chí chạy thì đặt tiền cọc trước ít nhất một nửa còn nếu gia đình nào có kinh tế thì có thể đưa tất”.

Cũng theo cô P.A. và nhiều giáo viên khác, hiện tượng bỏ tiền chạy một suất vào biên chế là có thật: “Có đứa bảo với tôi: Chị năm nay mà chạy thì phải hết 300 triệu. Tôi cũng nghe nói một số thí sinh sẵn sàng bỏ tiền để chạy viên chức.

Người này tiết lộ số tiền để chạy viên chức là 300 triệu đồng. Nhưng với điều kiện phải tự thi qua được vòng 1. Còn nếu bao tất cả 2 vòng thì hết 400 triệu đồng".

Nhiều lo ngại về tính minh bạch và nghiêm túc của kỳ thi viên chức (Ảnh: Vũ Ninh)
Nhiều lo ngại về tính minh bạch và nghiêm túc của kỳ thi viên chức (Ảnh: Vũ Ninh)

Mong muốn của nhiều giáo viên trên cả nước: Sẽ có một kỳ thi viên chức được tổ chức công bằng và minh bạch.

Thầy Đào Minh Anh (Hải Phòng) bày tỏ: “Mong muốn của chúng tôi là sẽ có một kỳ thi viên chức được tổ chức minh bạch và công bằng.

Là những người trong cuộc chúng tôi cũng hiểu được nhiều vấn đề và khuất tất trong các kỳ thi.

Chính vì thế nguyện vọng của chúng tôi là thi vẫn cứ thi. Nhưng nếu thi thì thực sự phải công bằng, minh bạch”.

Chế độ lương và bảo hiểm của nhiều giáo viên chưa được đảm bảo

Nếu không có những lá đơn cầu cứu của giáo viên huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Mỹ Đức, Ba Vì, thị xã Sơn Tây...thì xã hội sẽ không biết đến mức lương thực sự của giáo viên hợp đồng.

Tại huyện Mỹ Đức, giáo viên hợp đồng chỉ nhận được mức lương thấp hơn mức lương cơ bản và không được đóng bảo hiểm.

Hiện nay, lương giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức là 1.210.000 đồng và không được đóng bảo hiểm.

Lương giáo viên hợp đồng tại Ba Vì đang được hưởng bằng với mức lương cơ bản sau khi trừ bảo hiểm thực lĩnh: 1.244.000 đồng.

Với mức lương như thế này thầy cô phải vất vả để xoay sở với cuộc sống. Luật sư Quách Thành Lực phân tích theo điều 90 của Bộ luật Lao động năm 2012:

"Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định".

Lương thấp nhiều giáo viên hợp đồng phải làm đủ thứ nghề để duy trì cuộc sống (Ảnh: Vũ Ninh)
Lương thấp nhiều giáo viên hợp đồng phải làm đủ thứ nghề để duy trì cuộc sống (Ảnh: Vũ Ninh)

Như vậy việc Huyện Mỹ Đức đang trả mức lương cho các giáo viên hợp đồng là 1.210.000 đồng đang thấp hơn mức lương tối thiểu của Chính phủ.

Huyện Mỹ Đức thuộc vùng II cho nên mức lương tối thiểu đang được hưởng (tính từ ngày 1/1/2019) là 3.710.000 đồng.

Căn cứ theo Bộ Luật lao động việc Huyện trả lương như hiện nay là sai quy định của pháp luật.

Bên cạnh việc đảm bảo công việc cho các giáo viên hợp đồng thì chính sách về tiền lương, bảo hiểm của các thầy cô cũng phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Cô Nguyễn Thị Quy bày tỏ mong muốn: Được trả lương và đối xử bình đẳng như một người lao động.

Cô Quy cho biết: “Chỉ đến ngày hôm nay chúng tôi mới tìm hiểu các bản hợp đồng và chính sách lương, bảo hiểm của mình.

Chúng tôi mới biết mình bị đối xử thiếu công bằng từng ấy năm nhưng chưa một lần đòi hỏi quyền lợi”.

Bài học lớn dành cho các giáo viên hợp đồng

Trước khi trông chờ vào sự giải quyết của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí và sự đồng cảm của dư luận xã hội, giáo viên phải học cách bảo vệ mình.

Theo đó các thầy cô cần phải biết những quyền lợi mà mình được hưởng ít nhất phải biết mình đang ký vào bản hợp đồng như thế nào?

Nhiều thầy cô công tác đến 20, 22 năm mới bắt đầu tìm hiểu hợp đồng của mình là loại hợp đồng gì, chế độ lương và bảo hiểm ra làm sao.

Để đến khi đối diện với nguy cơ mất việc lại rơi vào tình trạng tình ngay, lý gian.

Điều này đúng với tâm sự của thầy Nguyễn Viết Tiến – giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây.

Thầy nói: “Đây cũng là một bài học cho chúng tôi. Đúng thật là khi xảy ra việc này anh em mới bắt đầu tìm hiểu về hợp đồng của mình, mới biết được nhiều quy định pháp luật và những quyền lợi mà mình xứng đáng được hưởng”.

Nhiều bài học lớn từ chuyện kêu cứu của giáo viên hợp đồng (Ảnh: Vũ Ninh)
Nhiều bài học lớn từ chuyện kêu cứu của giáo viên hợp đồng (Ảnh: Vũ Ninh)

Cô Nguyễn Thị Hồng, sau gần 20 năm công tác mới ngỡ ngàng mình bị trả lương thấp và không được đóng bảo hiểm là sai quy định:

“Trước đây tôi chỉ đúng 1 lần được nhận quyết định công tác từ đó đến nay chưa một lần nào được ký hợp đồng lại.

Bây giờ thông qua báo chí và các luật sư tôi mới biết mình bị trả lương như thế là sai.

Nhưng trước đây chẳng mấy ai để ý, họ trả như thế nào thì trả mình cũng có biết đâu”.

Như vậy thông qua câu chuyện giáo viên hợp đồng tại Hà Nội có thể thấy nhiều bất cập trong việc ký, tuyển dụng giáo viên hợp đồng.

Hy vọng rằng sau câu chuyện này các cơ quan quản lý, nhà trường và các thầy cô sẽ rút ra được nhiều bài học lớn cho mình để không còn tình trạng này tiếp diễn trong tương lai.

Vũ Ninh