"Chỉ trả lương 1,2 triệu đồng mỗi tháng mà họ gọi là thương chúng tôi sao?"

06/06/2019 06:07
Vũ Ninh
(GDVN) - “Từng đấy năm tôi đào tạo nhiều học sinh thành đạt. Ngồi quán nước có đứa nói nửa đùa, nửa thật : Vậy là hè này thầy mất dạy rồi à? Tôi nghe đau xót lắm!".

“Chúng tôi cống hiến chưa bao giờ đòi hỏi gì?”

Ngay cả trong những giấc mơ, thầy cô cũng không dám nói thú nhận về mức lương của mình: 1.210.000 đồng là mức lương của giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức; 1.244.000 đồng là lương giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì.

Chúng tôi mong lãnh đạo ở Thủ đô nói là làm, đừng hứa suông!

Hiện nay, nếu thống kê thì có bao nhiêu nghề trong xã hội có mức thu nhập như trên?

Thậm chí người đi phục vụ ở các hàng quán: Làm nửa buổi/ ngày thì mỗi tháng cũng được trả khoảng 2 triệu đồng/ tháng.

Trong khi đó những giáo viên hợp đồng được xã hội gọi là nghề cao quý. Hằng ngày lên lớp đều đặn, đào tạo bao thế hệ học sinh, nhiều nhân tài cho đất nước chỉ có vỏn vẹn 1,2 triệu đồng/ tháng.

Với mức lương đó thì sống như thế nào? Bao nhiêu người can đảm dám nhận công việc với mức lương như trên không chỉ 1 tháng, 1 năm mà 20 năm.

Thế nhưng từng đấy năm hơn 340 giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì vẫn chưa từng đòi hỏi, lên tiếng yêu cầu bất kỳ một quyền lợi nào.

Giáo viên hợp đồng 3 huyện và thị xã Sơn Tây xuống Hà Nội để kêu cứu (Ảnh: Vũ Ninh)
Giáo viên hợp đồng 3 huyện và thị xã Sơn Tây xuống Hà Nội để kêu cứu (Ảnh: Vũ Ninh)

Đúng như lời của thầy Phùng Đức Tăng, trường Trung học Cơ sở Phú Sơn nhận định: “Giáo viên là tầng lớp hiền lành, cam chịu nhất”.

Thầy Tăng công tác trong ngành giáo dục được 18 năm. Từng đấy năm công tác nỗi ám ảnh của thầy và nhiều giáo viên hợp đồng chính là cái thẻ ATM và ngày nhận lương.

Thầy Tăng tâm sự: “Trước đây chưa có trả lương qua thẻ đến tháng nhìn đồng nghiệp nhận vài triệu đồng trong khi đó mình chỉ có hơn 1,2 triệu đồng thấy ngượng lắm.

Thi thoảng đi họp lớp, bạn bè cứ hỏi lương của mày được bao nhiêu? Tôi nói cái đấy làm gì gọi là lương, chỉ gọi là tiền công thôi. Mà các ông hỏi lương tôi làm gì?”.

Mới đây khi câu chuyện giáo viên hợp đồng các huyện xôn xao dư luận. Học trò, bạn bè mới vỡ lẽ về mức lương thật của giáo viên hợp đồng.

Nhiều học trò còn nửa đùa, nửa thật hỏi thầy Tăng: “Thầy ơi, thế từ hè này là thầy mất dạy thật à?”.

Thầy Tăng chua xót: “Nghe chúng nó nói vậy tôi cảm thấy đau đớn lắm, uất nghẹn. Có cái gì đó vừa chua xót vừa tủi thân.

Trong khi đó dạy ở trường mình chuyên môn hay công việc mình hoàn thành có thua kém ai đâu.

Nhiều thế hệ học trò tôi đào tạo có nhiều em rất xuất sắc”.

Nỗi ám ảnh cái cây ATM của thầy Tăng cũng là nỗi ám ảnh của cô Nguyễn Thị Quy (Mỹ Đức).

Cô Quy tâm sự: “Mỗi tháng nhận lương tôi đều phải đợi mọi người rút xong thì mình mới vào rút. Cầm có 1,2 triệu đồng/ 1 tháng mà thấy ngại lắm.

Chắc mọi người ai cũng nghĩ giáo viên là nghề cao quý nhưng có ai biết được rằng đấy là mức lương thật của chúng tôi”.

Giáo viên hợp đồng vẫn chờ đợi một câu trả lời chính thức của thành phố (Ảnh: Vũ Ninh)
Giáo viên hợp đồng vẫn chờ đợi một câu trả lời chính thức của thành phố (Ảnh: Vũ Ninh)

Ngược dòng thời gian, năm 2001, thầy Tăng được Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì ký hợp đồng 1 năm.

Từ đó đến nay hợp đồng của thầy cũng chỉ được gia hạn từng năm 1. Tình trạng này cũng diễn ra đối với tất cả các giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì.

Về mức lương: Các giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì chỉ nhận được mức lương tối thiểu kể từ khi đi làm.

Chẳng hạn đối với trường hợp của thầy Tăng: Lương ban đầu của thầy là 160.000 đồng tăng dần theo mức tăng của lương cơ bản và hiện nay là 1.244.000 đồng. Bảo hiểm các thầy cô được đóng từ ngày 1/1/2006.

Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của luật sư Quách Thành Lực, đoàn luật sư thành phố Hà Nội về hợp đồng của một số giáo viên.

Theo luật sư Lực: “Trong trường hợp người lao động được ký hợp đồng 1 năm trong 3 năm liên tiếp thì hợp đồng đó sẽ được chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn theo tinh thần của bộ luật lao động”.

Trong khi đó hợp đồng của thầy Tăng và nhiều giáo viên hợp đồng khác đều đủ điều kiện trên tức là hợp đồng không xác định thời hạn nhưng lại không được hưởng các chế độ tương xứng.

Giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn đã nhiều lần ra thành phố để kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết (Ảnh: Vũ Ninh)
Giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn đã nhiều lần ra thành phố để kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết (Ảnh: Vũ Ninh)

Đến thời điểm này nhiều giáo viên mới vỡ lẽ về hợp đồng của mình. Thầy Tăng cho biết: “Quả thực chúng tôi không để ý gì vấn đề hợp đồng của mình. Từng đấy năm cống hiến, đi dạy cũng không có bất cứ yêu cầu gì.

Đến nay sự việc vỡ lở thì mới biết đến chuyện hợp đồng 1 năm được ký 3 năm liên tiếp sẽ chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn.

Chúng tôi cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục nhưng bây giờ họ có nghĩ gì cho chúng tôi đâu”.

Những số phận bị “bỏ quên”

Chuyện giáo viên hợp đồng tại Hà Nội ngày hôm nay là hậu quả của một cuộc “bỏ quên” lịch sử mà theo như các giáo viên họ gọi mình là: nạn nhân của lịch sử.

Hàng trăm giáo viên hợp đồng ở Hà Nội kêu cứu lãnh đạo thành phố

Theo đó năm 2012, nghị định 29/2012/NĐ-CP: Về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có quy định về xét đặc cách viên chức cho hợp đồng thâm niên và đủ điều kiện. Cụ thể:

“Điều 14. Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức

1. Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức quy định tại Điều 4 Nghị định này và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp sau:

a) Các trường hợp có ít nhất 03 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), gồm:

Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập;

Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu;

Cán bộ, công chức cấp xã;

Người đang làm việc tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

b) Người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực: Văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các ngành nghề truyền thống.

c) Trường hợp đã là cán bộ, công chức, viên chức, sau đó được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.".

Theo thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây không hề biết về đợt xét đặc cách viên chức năm 2013 (Ảnh: Vũ Ninh)
Theo thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây không hề biết về đợt xét đặc cách viên chức năm 2013 (Ảnh: Vũ Ninh)

Tuy nhiên theo phản ánh của nhiều giáo viên hợp đồng: Năm 2013, nhiều huyện tại Hà Nội đã "bỏ quên" giáo viên hợp đồng tiểu học và trung học cơ sở. Các thầy cô đều không biết có đợt xét đặc cách này mà chỉ mới biết gần đây.

Theo thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây cho biết: “Năm 2013 chỉ xét đặc cách cho giáo viên mầm non hoàn toàn không nhắc gì đến giáo viên tiểu học và trung học cơ sở.

Hệ quả là từ đó đến nay chúng tôi vẫn không được giải quyết vấn đề hợp đồng.

Trong khi đó năm 2013 có đợt xét đặc cách cho giáo viên các khối mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Nhưng chúng tôi không được thông báo”.

Câu chuyện trên cũng xảy ra ở các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Đông Anh...

Cô giáo Nguyễn Thị Quy, giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức nói: “Năm 2013 chúng tôi cũng không hề được thông báo về đợt đặc cách dành cho giáo viên.

Năm đó ở huyện cũng chỉ đặc cách cho các giáo viên hợp đồng mầm non. Từ đó đến nay chúng tôi hoàn toàn không biết gì về chuyện này”.

Giáo viên hợp đồng vẫn tiếp tục chờ đợi trong sự mệt mỏi, vô vọng (Ảnh: Vũ Ninh)
Giáo viên hợp đồng vẫn tiếp tục chờ đợi trong sự mệt mỏi, vô vọng (Ảnh: Vũ Ninh)

Những“nạn nhân lịch sử” khác đó là các thầy cô hợp đồng huyện Ba Vì.

Thầy Phùng Đức Tăng: “Năm 2013 có đợt xét đặc cách giáo viên hợp đồng thâm niên thành giáo viên biên chế.

Chúng tôi cũng không được thông báo gì. Sau này chúng tôi mới biết là có đợt xét đặc cách đấy.

Một số giáo viên mầm non được xét đặc cách. Nhưng giáo viên hợp đồng tiểu học, trung học cơ sở lại không hay biết gì về chuyện trên.

Thành ra lãnh đạo vẫn gọi chúng tôi là nạn nhân của lịch sử để lại”.

Nói về “tình thương”, sự “nhân đạo” mà lãnh đạo Huyện hay nói. Cô N.T.T, giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức bình luận:

“Lãnh đạo nói vì thương chúng tôi, vì nhân đạo nên không cắt hợp đồng.

Nhưng thương kiểu gì mà bao nhiêu năm nay trả lương chúng tôi sai quy định, sử dụng hợp đồng của chúng tôi không đúng luật.

Thương kiểu gì mà việc đóng bảo hiểm được chăng hay chớ. Thương kiểu gì mà năm 2013 lại quên mất chúng tôi. Tôi nghĩ họ không quên đâu.

Vì nếu quên tại sao khối mầm non lại được xét đặc cách còn chúng tôi lại không hề hay biết gì.

Cuối cùng chỉ có giáo viên hợp đồng là khổ nhất. Nên đừng nói là vì thương hay vì nhân đạo để bây giờ đá chúng tôi không thương tiếc”.

Trong khi đó theo thầy Nguyễn Viết Tiến, tại thị xã Sơn Tây  hơn 20 năm qua các bộ môn cơ bản về văn hóa như Ngữ Văn, Toán, tiếng Anh không có một kỳ thi tuyển viên chức nào.

Đó cũng là lý do vì sao nhiều giáo viên hợp đồng không có cơ hội để thi viên chức.

Đằng sau chuyện kêu cứu của giáo viên hợp đồng tại các huyện (Hà Nội) có rất nhiều vấn đề: Vấn đề về tiền lương, bảo hiểm, chế độ. Vấn đề về sử dụng lao động. Vấn đề về kỳ thi tuyển viên chức. Vấn đề bỏ quên xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng thâm niên theo nghị định 29.

Để giải quyết triệt để việc giáo viên hợp đồng không chỉ cần đảm bảo các thầy cô có thể tiếp tục công tác mà còn phải đảm bảo cả chế độ lương, bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật.

Thầy N.M.T, giáo viên Ba Vì bày tỏ: “Chúng tôi là nạn nhân của lịch sử. Nhưng điều ấy không đồng nghĩa lịch sử thì không thể sửa sai.

Tất nhiên không ai có thể quay về lịch sử để sửa sai nhưng những người đương thời vẫn có thể sửa sai và bù đắp cho thanh xuân của chúng tôi.

Chúng tôi rất mong câu trả lời của lãnh đạo thành phố”.

Vũ Ninh