Nhiều trường thờ ơ với việc quy đổi tiết dạy online của giáo viên

10/05/2020 07:23
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Mặc dù Bộ Giáo dục đã chỉ đạo nhà trường xác định số tiết dạy online của giáo viên để quy đổi ra tiết dạy thực tế nhưng nhiều trường còn thờ ơ, lúng túng.

Giáo viên đã dạy online thế nào?

Nếu tính mốc từ ngày 4/5 học sinh đi học trở lại thì giáo viên có khoảng 3 tháng dạy học online (trực tuyến).

Trong khoảng thời gian này, thầy cô đã linh hoạt dạy học online bằng nhiều hình thức khác nhau, tùy theo sự chỉ đạo của lãnh đạo từng trường.

Có thể nhận thấy, vào thời điểm tháng 2, chủ yếu giáo viên ôn tập kiến thức cũ bằng cách giao bài cho học sinh tự làm, sau đó yêu cầu các em nộp bài qua e-mail để thầy cô chấm điểm.

Sở dĩ nhiều trường chọn hình thức này vì ai cũng nghĩ rằng, thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19 chỉ kéo dài vài ba tuần là cùng.

Đến khi dịch lan rộng ra nhiều tỉnh thành trên cả nước thì việc dạy học online mới được từng trường tính toán kĩ càng và lựa chọn cách thức dạy online sao cho hợp lí.

Cụ thể, vào tháng 4, đa số các trường chọn dạy Zoom Cloud Meetings (gọi tắt là Zoom), bởi đây là ứng dụng miễn phí, tương tác tốt với học sinh và còn nhiều tiện ích khác đảm bảo cho việc dạy học trực tuyến.

Cùng với đó, nhiều giáo viên cũng lập nhóm học sinh dạy qua mạng xã hội Facebook bằng cách livestream (phát trực tiếp) bài học.

Ngoài ra, nhiều trường yêu cầu giáo viên quay video bài giảng và gửi cho học sinh để các em tự học ở nhà.

Giáo viên tham gia dạy học online. (Ảnh minh họa: Baoquangninh.com.vn)
Giáo viên tham gia dạy học online. (Ảnh minh họa: Baoquangninh.com.vn)

Tuy vậy, không phải trường nào, địa phương nào cũng gặp thuận lợi trong dạy học online vì học sinh thiếu phương tiện học tập, không có Internet, việc quản lí người học chưa chặt chẽ, giáo viên còn lúng túng với công nghệ thông tin.

Để giải quyết khó khăn này, nhiều tỉnh thành đã triển khai dạy học qua truyền hình cho học sinh cuối cấp – lớp 9 và 12 – để giúp các em vừa ôn tập, vừa học được bài mới để thi tuyển sinh và thi tốt nghiệp.

Một số địa phương có điều kiện thì dạy đại trà từ lớp 1 đến lớp 12 qua truyền hình – hình thức này còn duy trì đến tháng 5.

Đáng chú ý, ở Thành phố Hồ Chí Minh, vào thời điểm này (tháng 5) nhiều trường vừa kết hợp dạy trực tiếp vừa dạy online vì yêu cầu tách lớp để giãn cách học sinh theo quy định.

Vì vậy, việc học online vẫn chưa thể kết thúc “sứ mệnh lịch sử” của mình, ít nhất cho đến lúc địa phương được công bố hết dịch.

Nhìn chung, sau một thời gian dài dạy online có tương tác với học sinh – khoảng 2 tháng – hầu như giáo viên đã dạy xong chương trình học kì 2 của tất cả các cấp, sau khi đã được Bộ tinh giảm một lượng lớn nội dung chương trình khó, chồng chéo hoặc chưa cần thiết.

Theo thống kê ban đầu, nhiều tỉnh thành có số lượng học sinh tham gia học online khá cao, đặc biệt là học sinh lớp 9 và 12.

Chẳng hạn như ở Thành phố Hồ Chí Minh, riêng bậc trung học, tính đến ngày 5/4 có 461/483 (95,45%) trường trung học thực hiện dạy trực tuyến.

Số học sinh tham gia học trực tuyến cao nhất là khối 12: 88,31%, kế đó là khối 11: 81,88%, khối 10: 77,29%, khối 9: 70,15%; khối 8: 57,59%; khối 7: 56,2%, khối 6: 55,4%. [2]

Như thế, công lao và tâm huyết của thầy cô trong việc dạy online là rất lớn – cho dù theo nhận định, mức độ tiếp thu bài của học sinh chỉ đạt khoảng 50-60% yêu cầu.

Thấu hiểu được công việc dạy online của giáo viên, ngày 24/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã ký công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số nội dung về chế độ làm việc của giáo viên, trong đó có dạy học online.

Bộ yêu cầu các Sở lưu ý hiệu trưởng các trường phải trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (bao gồm cả tiết quy đổi) để hưởng lương. [1]

Mặc dù Bộ Giáo dục đã chỉ đạo như thế nhưng thầy cô ở một số tỉnh thành phía Nam cho biết, lãnh đạo nhiều trường còn thờ ơ, lúng túng trong việc tính toán tiết dạy online cho giáo viên.

Cần tính sòng phẳng tiết dạy online

Trở lại việc dạy học online, nếu lãnh đạo không tính tiết dạy online để quy đổi ra tiết dạy thực tế thì giáo viên sẽ thiệt thòi rất nhiều.

Thứ nhất, giáo viên chủ nhiệm phải hỗ trợ giáo viên bộ môn và thay mặt nhà trường kết nối với phụ huynh, học sinh để quản lí, dặn dò và hướng dẫn các em học bài sao cho hiệu quả nhất – những công việc này thầy cô phải làm hàng ngày.

Trăm hoa đua nở khi quy đổi tiết dạy trực tuyến ra trực tiếp?
Trăm hoa đua nở khi quy đổi tiết dạy trực tuyến ra trực tiếp?

Lớp nào có học sinh tham gia học online đầy đủ cũng nhờ một phần lớn công lao của giáo viên chủ nhiệm.

Vậy nên, nên tính số tiết cho giáo viên chủ nhiệm gấp rưỡi so với thời gian làm việc trên lớp – 6 tiết/tuần là hợp lí.

Thứ hai, giáo viên bộ môn dạy qua ứng dụng Zoom (hoặc qua các ứng dụng khác) mất rất nhiều thời gian để học một số tính năng cơ bản như: tạo tài khoản, chia sẻ màn hình, phát biểu ảo, thăm dò ý kiến, tắt tiếng học sinh…

Hoặc giáo viên cũng phải chuẩn bị các khâu để làm ra sản phẩm là các video bài giảng có chất lượng về nội dung, chuẩn âm thanh, hình ảnh…

Lãnh đạo có thể tính 1 tiết dạy online bằng 3 tiết dạy trên lớp cho giáo viên là hợp lí, đồng thời động viên khích lệ tinh thần làm việc của thầy cô vào thời gian tới.

Thứ ba, từ ngày 4/5 sau khi học sinh cả nước đồng loạt đi học trở lại, đa số các trường phải dạy lại bài mới (cho dù học sinh đã được học online từ trước đó) thì các em mới có thể nắm vững bài để kiểm tra học kì 2 và thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp.

Ước tính, cuối tháng 6 mới có thể tổ chức cho học sinh kiểm tra học kì 2 và hoàn tất các khâu có liên quan để kết thúc năm học vào 15/7.

Sau ngày 15/7, giáo viên còn hoàn tất các loại hồ sơ sổ sách, tham gia coi thi và chấm thi tuyền sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp, tập huấn chuyên môn… là bắt đầu vào năm học mới 2020-2021.

Chính vì giáo viên phải dạy liên tục như thế nên không có thời gian nghỉ hè theo quy định (8 tuần).

Cho nên, việc tính sòng phẳng tiết dạy online cũng là một cách giúp giáo viên có thêm tiết phụ trội – đồng nghĩa với thầy cô được nhận thêm một khoản tiền, hoàn toàn xứng đáng với công sức trí tuệ đã bỏ ra.

Được biết, một số trường tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chi trả tiết dạy online cho giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên quản lí và nhân viên – theo cách quy ra số tiết thực tế đã đề cập ở trên.

Vừa qua, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cần phải tính đủ tiết nghĩa vụ và tiết phụ trội nếu giáo viên dạy tăng giờ (trong đó có dạy online – tác giả). 

“Đầu năm học, sở cấp phát nguồn ổn định kinh phí hằng năm về các trường, ngân sách ở đâu để tính tiết phụ trội cho giáo viên thì hiệu trưởng nào cũng luôn biết “trong túi” của trường có bao nhiêu.

Với việc thiếu nguồn chi thù lao tiết phụ trội cho giáo viên khi thực hiện dạy tách lớp, hiệu trưởng các trường báo cáo về phòng kế hoạch - tài chính để cân đối ngân sách”, Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông tin. [3]

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tiet-day-truc-tuyen-bang-bao-nhieu-tiet-day-binh-thuong-post208821.gd

[2] //tuoitre.vn/20-50-hoc-sinh-o-tp-hcm-khong-hoc-truc-tuyen-20200425175732414.htm?

[3] //tuoitre.vn/so-gd-dt-tphcm-tach-lop-la-khong-dam-bao-chuyen-mon-20200505165403699.htm

Cao Nguyên