Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các sở giáo dục đều có những hướng dẫn khá cụ thể về các khoản mà nhà trường không được vận động phụ huynh đóng góp trong năm học. Thế nhưng, thực tế vẫn tồn tại hiện tượng lạm thu núp dưới danh nghĩa tự nguyện, không bắt buộc.
Nhiều phụ huynh khi nghe nhà trường vận động thì nhiệt liệt ủng hộ nhưng cũng có nhiều phụ huynh phải bấm bụng để theo. Không ủng hộ tự nhiên cảm thấy lẻ loi trong một cuộc họp mà phụ huynh cứ lần lượt lên ủng hộ, đóng góp.
Rất nhiều khoản thu được nhà trường triển khai trong buổi họp phụ huynh đầu năm (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn). |
Chúng tôi vừa tham dự buổi họp phụ huynh cho con mà thấy ngán ngẩm với cách vận động phụ huynh đóng góp từ giáo viên chủ nhiệm lớp.
Vẫn biết, giáo viên chủ nhiệm thì cũng chỉ là người thực hiện mệnh lệnh của hiệu trưởng nhà trường, nhưng sao thấy cách vận động, cách thu tiền phụ huynh nó…lộ liễu quá.
Đầu buổi họp, giáo viên chủ nhiệm thông qua tình hình lớp học, thông qua một số nội quy của nhà trường để nhắn nhủ với phụ huynh về việc quan tâm đến con em mình.
Sau đó thì tiến hành giới thiệu ban đại diện cha mẹ học sinh. Tất cả những công việc này độ khoảng 15 phút là xong tất cả. Thế nhưng, đến phần vận động tiền của phụ huynh thì rất lâu và mất rất nhiều thời gian bởi có quá nhiều các khoản.
Các phụ huynh trong lớp được giáo viên chủ nhiệm thông qua kế hoạch của nhà trường về việc vận động tự nguyện đóng góp nhưng lại không nói cụ thể số tiền cần vận động là bao nhiêu.
Thầy chỉ nói là các phụ huynh cũng thấy trong lớp mình đang ngồi hệ thống đường điện quá cũ, bóng điện mờ, mấy cây quạt thì cái chạy, cái không. Vì thế, rất mong các phụ huynh chung tay bởi đây là quyền lợi thiết thực của con em mình.
Tiếp theo, giáo viên chủ nhiệm nói đến việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do lớp không có màn hình ti vi để giáo viên dạy các tiết công nghệ thông tin.
Chưa vào năm học, phụ huynh phải lắp điều hòa “tặng” trường Hoàng Động |
Vì vậy, nhà trường vận động phụ huynh chung tay mua ti vi để các em học tập được tốt hơn đối với tất cả các môn học.
Tiếp đến, thầy chủ nhiệm tiếp tục nói lớp mình được nhà trường giao chỉ tiêu là vận động để mua bảo hiểm y tế cho 6 học sinh nghèo trong trường.
Các em không có bảo hiểm y tế cũng tội lắm, hơn nữa trường mình cam kết với bên bảo hiểm y tế là sẽ mua 100% số lượng học sinh trong 3 năm thì họ sẽ tài trợ cho hệ thống nước sạch. Khi có hệ thống nước sạch rồi thì học sinh trong trường không phải mua nước ở căng tin và không phải đem nước từ nhà đi để uống.
Cuối cùng là nhà trường có kế hoạch dạy buổi 2 cho học sinh đối với 3 môn học là Toán, Anh, Văn ngoài giờ chính khóa. Có điều là sẽ lấy biểu quyết, nếu mà đa số lớp đồng ý thì nhà trường sẽ triển khai…
Nghe giáo viên chủ nhiệm liệt kê một loạt loại tiền cần ủng hộ, kế hoạch dạy thêm và cần sự chung tay, cần sự đồng thuận biểu quyết của phụ huynh mà thấy chóng cả mặt.
Dù có một vài ý kiến muốn thảo luận số tiền đóng góp là việc lớp học có 2 lớp (sáng, chiều) thì 2 lớp sẽ góp tiền mua chung sẽ giảm được sự đóng góp của mỗi lớp. Thế nhưng, một vài ý kiến đó chẳng giải quyết được bởi trong lớp đã có nhiều cánh tay của phụ huynh giơ lên xin đóng góp.
Người 2 triệu, người 1 triệu, người 500 ngàn…Thấy nhiều phụ huynh nhiệt tình quá nên giáo viên chủ nhiệm yêu cầu là cũng gần tối rồi nên phụ huynh nào đóng tiền xong thì ra về luôn.
Thế là phụ huynh cứ lần lượt móc túi và đóng tiền. Đa phần các phụ huynh đều đóng góp từ 500 ngàn đồng trở lên. Với sĩ số lớp 52 học sinh thì chỉ cần một buổi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm lớp cũng thu được vài chục triệu đồng.
Số tiền thừa sức để mua được ti vi, sửa điện, mua quạt, ủng hộ mua bảo hiểm y tế cho học trò…
Thực tế, nhiều phụ huynh ở các thành phố bây giờ họ không thiếu tiền, việc ủng hộ nhà trường một vài triệu đồng bạc không phải là vấn đề quá lớn đối với họ.
Vì thế, chỉ cần nhà trường lên tiếng mà họ cảm thấy phù hợp là sẵn sàng đóng góp.
Tuy nhiên, việc đóng góp cho nhà trường liệu đã phù hợp chưa? Bởi nhiều danh mục vận động phụ huynh nằm trong các khoản chi của nhà trường.
Việc sửa đường điện, mua, sửa vài cái quạt hay sắm mỗi trường vài cái ti vi cho giáo viên dạy công nghệ thông tin đều là những danh mục được phép mua sắm.
Những học sinh nghèo, cận nghèo đều được nhà nước hỗ trợ về bảo hiểm y tế. Nhất là các hướng dẫn của ngành trong đầu năm học đều hướng tới việc tránh lạm thu đối với phụ huynh. Thế nhưng, nhà trường vẫn vận động bình thường...
Khi mà nhà trường không có một kế hoạch rõ ràng, cụ thể, khi mà năm nào cũng vận động phụ huynh đóng góp để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học liệu có phù hợp không? Bởi điện đóm, máy móc được vận hành dù có hư hao nhưng đâu phải năm nào cũng phải mua sắm mới?
Vì thế, dù phụ huynh học sinh dù có dư dả về kinh tế cũng cần kỹ lưỡng trong bàn bạc để thấy được cái nào phù hợp, cái nào đúng mục đích thì mới chung tay với nhà trường.
Cái nào còn khuất tất, chưa minh bạch thì cũng cần đắn đo có nên đóng góp hay không. Những đồng tiền đến đúng địa chỉ, đúng người cần hỗ trợ sẽ ý nghĩa và thiết thực.
Ngược lại, đồng tiền của phụ huynh đến sai địa chỉ, nhà trường sử dụng không đúng mục đích thì nó lãng phí mà sẽ tạo một tiền đề cho việc lạm thu của các năm tiếp theo.