LTS: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT nhằm ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học.
Đặt ra câu hỏi "Thông tư 16 về chống lạm thu có phát huy được hiệu quả?", tác giả Nhật Duy đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngay từ những ngày đầu năm học 2018-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về việc tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Trong đó, nhấn mạnh tới các khoản đóng góp, hỗ trợ tự nguyện bằng tiền, hiện vật hoặc phi vật chất từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các cơ sở giáo dục.
Khi Thông tư này ra đời, đã có nhiều người thể hiện sự lạc quan về một viễn cảnh sẽ chống được lạm thu trong các nhà trường hiện nay.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế lúc ban hành Thông tư 16 đến nay, mọi việc cũng chưa có những tiến triển tích cực.
Thông tư 16 về chống lạm thu có phát huy được hiệu quả? (Ảnh minh họa: NOP 16). |
Tình trạng lạm thu, núp bóng các chiêu thức khác nhau để thu tiền phụ huynh vẫn liên tục xảy ra ở nhiều nơi
Mấy ngày nay, báo chí lại đưa tin về trường hợp Trường trung học cơ sở Đông Thọ (thành phố Thanh Hóa) có nhiều những khoản thu bất minh.
Như thu “chi vặt” của nhà trường lên đến 160 triệu đồng, thu tiền học thêm trong một năm học lên đến 35 tuần…
Các khoản thu khác cũng vô tội vạ và đặt lên nhiều câu hỏi như: Mỗi em thu đồng phục 300 nghìn đồng, khuyến học 100 nghìn đồng trở lên, tiền đề cương ôn tập 60 nghìn đồng, tiền xã hội hóa 500 nghìn đồng…
Với rất nhiều khoản thu như vậy nên tổng số tiền mà phụ huynh phải đóng lên đến 5.200.000 đồng.
Không chỉ Trường trung học cơ sở Đông Thọ (Thanh Hóa) đang lạm thu mà chúng ta bắt gặp rất nhiều địa phương cũng trong trường hợp tương tự như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin trong mấy ngày gần đây: Học sinh lớp 6 Trường trung học cơ sở Lê Lợi (quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội) mỗi lớp đóng gần 63 triệu đồng cho 2 cái máy điều hòa nhiệt độ trong lớp học.
Trường mầm Non Ninh Mỹ (Ninh Mỹ, Hoa Lư, Ninh Bình) năm học 2017 – 2018 kêu gọi phụ huynh học sinh ủng hộ 400.000 đồng/cháu để vẽ tranh tường và may rèm cửa lớp học, phụ huynh đã đóng đầy đủ số tiền trên.
Thông tư 16 đã tác động mạnh đến lạm thu, từ nay muốn "ăn" cũng khó |
Tuy nhiên, trong năm 2018 – 2019 nhà trường tiếp tục thu là 400.000 đồng/cháu cũng với các khoản thu bao gồm:
Mành rèm: 100.000 đồng/cháu; loa đài 100.000 đồng/cháu; Váy: 100.000 đồng/cháu; Tranh vẽ tường: 100.000 đồng/cháu. Tổng các khoản khoản đóng là 3.020.000 đồng/cháu đến 3.460.000 đồng/cháu.
Nói thật, khi tiếp cận những thông tin về các nguồn thu, chúng ta thấy vô cùng bất mãn với các kiểu làm tiền trắng trợn của một số nhà trường.
Và, có lẽ những trường hợp lạm thu như chúng tôi đã đề cập ở trên thì chúng ta vẫn thấy hàng ngày trên các mặt báo.
Tuy nhiên, đó có lẽ cũng chỉ là phần nổi cho tảng băng chìm của tình trạng lạm thu hiện nay của một số trường học.
Thực tế, nhiều trường học ở các địa phương vẫn âm thầm triển khai các khoản thu với rất nhiều những chiêu thức núp bóng khác nhau như gửi thư ngỏ, bật đèn xanh cho Hội cha mẹ học sinh âm thầm vận động phụ huynh đóng góp để mua sắm trang thiết bị dạy học, đầu tư cơ sở hạ tầng, thậm chí là quà cáp cho nhà trường, giáo viên trong các dịp lễ tết.
Điều mà một số hiệu trưởng hiện nay đang áp dụng là họ hay “đứng ngoài cuộc chơi” và không ban hành văn bản, lời kêu gọi nào bởi làm như vậy rất thường bị phụ huynh lên tiếng và chụp hình rồi chia sẻ lên mạng xã hội.
Họ chỉ cần đưa những người “tâm phúc” vào trong Hội cha mẹ học sinh là có thể mọi mục đích mà họ đưa ra có thể đều đạt được mà họ vẫn là người liêm chính, trong sạch.
Chính từ thực tế như vậy, điều chúng ta không phủ nhận là việc ban hành Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT là cần thiết.
Phú Thọ tức tốc dừng vận động tài trợ chờ hướng dẫn Thông tư 16 |
Nhưng, song hành với văn bản thì các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát thường xuyên và cụ thể hơn.
Đừng để mỗi khi sự việc bị dư luận đưa lên thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc để trấn an dư luận. Muốn loại trừ vấn nạn lạm thu là phải “diệt” từ trong trứng nước.
Bây giờ và cũng chưa biết đến bao giờ thì tình trạng lạm thu mới chấm dứt. Chính sách, chủ trương xã hội hóa giáo dục là đúng với bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn trong đầu tư cho giáo dục.
Nhưng, một số cán bộ quản lý các trường học lại lợi dụng chính sách này để trục lợi cho riêng mình và một số người.
Những sai phạm của hiệu trưởng được phát hiện nhưng đa phần xử lý qua loa thì bao giờ hiệu trưởng “biết sợ”.
Vì thế, dư luận mong chờ là phải kỷ luật thật nghiêm minh, đúng người, đúng tội thì mới chống được lạm thu.
Nếu chỉ dừng lại ở rút kinh nghiệm hay thuyên chuyển công tác cán bộ quản lý nhà trường thì e rằng Thông tư 16 chứ đến 10 Thông tư nữa vẫn không chống được lạm thu.