Những điểm còn thiếu ở dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới

13/08/2015 07:49
Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm
(GDVN) - Chương trình giáo dục phổ thông tổng thế cần có một đội ngũ thầy cô giáo đủ năng lực để đảm nhiệm được mục tiêu truyền thụ kiến thức, kĩ năng tới học trò.

LTS: Có thể khẳng định, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông lần này được thiết kế rất tốt, đã quán triệt Nghị quyết số 29 T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, giảm bớt kiến thức hàn lâm, không gây áp lực và chú trọng bồi dưỡng, phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. 

Cách tiếp cận nói trên đã theo xu thế phát triển của giáo dục thế giới, phù hợp tâm lý lứa tuổi, phát huy năng lực, sở trường của từng học sinh. Tránh được tình trạng giáo dục nhồi nhét kiến thức cho đồng loạt mọi học sinh. 

Trong bài viết dưới đây của TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội sẽ phác họa thêm những nét còn thiếu ở bản Dự thảo lần này.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Những nội dung tiến bộ

Đây là những định hướng rất quan trọng mà chương trình mới đã thể hiện. Phương pháp tiếp cận cũng đã chú trọng việc dạy học tích hợp, phân hóa, phù hợp với định hướng phát triển nghề nghiệp cho người học, gắn việc học của học sinh với thực tế đời sống.

Bên cạnh những yêu cầu chung về giáo dục đạo đức, lối sống, chương trình mới đã cụ thể hóa “Ba phẩm chất” đối với người học, gồm: Sống yêu thương, sống tự chủ, sống trách nhiệm. 

Cùng với đó là “Tám năng lực”: Năng lực tự học; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực thẩm mỹ; năng lực thể chất; năng lực giao tiếp; năng lực hợp tác; năng lực tính toán; năng lực công nghệ thông tin và truyền thông. 

Đây là cách làm rất khoa học và phù hợp với yêu cầu mới. Chương trình lần này cũng đặt ra yêu cầu bảo đảm giáo dục toàn diện nhưng được cụ thể hóa để giáo viên các nhà trường dễ dàng tiến hành giáo dục học sinh theo những năng lực phẩm chất cụ thể. 

Việc tích hợp các môn học cũng giúp cho học sinh lựa chọn môn học (từ cấp tiểu học đến THPT) theo khả năng, định hướng nghề nghiệp. Đây là cách làm mới để phục vụ cho nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu bức thiết của xã hội. 

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

Với cấp THCS và THPT, nhiều môn học được tích hợp lại với nhau và có sự phân hóa mạnh bắt đầu từ sau năm lớp 10. Tên gọi một số môn học cũng được thay đổi, phù hợp với từng cấp học. 

Môn học cốt lõi của lĩnh vực giáo dục Đạo đức - Công dân ở cấp tiểu học sẽ được gọi là Giáo dục lối sống, Giáo dục công dân (THCS), Công dân với Tổ quốc (THPT). 

Việc cụ thể hóa từng cấp học phải học gì, làm gì của chương trình giáo dục phổ thông mới theo tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường và học sinh trong việc đánh giá các hoạt động giáo dục. Thời gian học về cơ bản vẫn như trước, chỉ khác là học sinh được lựa chọn môn học, có thêm phần trải nghiệm, sáng tạo rất hay.

Đấy là những mặt được, những mặt mà chương trình giáo dục phổ thông mới thật sự đổi mới, từ giáo dục hàn lâm xa rời thực tế đã chuyển hẳn sang tập trung cung cấp tri thức và tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường để hướng tới phát triển năng lực, phẩm chấy người học so với những dự thảo Bộ GD&ĐT chuẩn bị từ tháng 7/2014 đến tháng 5/2015. Dự thảo lần này thật sự đã có tính khả thi cao.

Sống có hoài bão và chính kiến

Tuy vậy, chúng tôi xin đóng góp thêm một số ý kiến, mong ban soạn thảo quan tâm xem xét: 

Trước hết bản dự thảo đã đưa ra 3 phẩm chất và đã cụ thể hóa thêm nhiều tiêu chí khá đầy đủ, thể hiện những giá trị cốt lõi cần hình thành cho người học trong quá trình học tập. Chúng tôi đánh giá cao những nội dung soạn thảo này.

Tuy nhiên phẩm chất “Sống tự chủ”, các tác giả có đưa ra các tiêu chí phải sống trung thực, tự trọng, tự lực, chăm chỉ vượt khó, tự hoàn thiện. Tuy vậy theo nghiên cứu, chúng tôi thấy muốn giáo dục ý thức sống tự chủ cho học sinh thì trước hết người học phải có đủ các phẩm chất, có thể cụ thể hóa với học sinh THPT như sau:

Sống có hoài bão, ước mơ, lẽ sống, nguyên tắc sống riêng phù hợp với bản thân, chuẩn mực xã hội.

Có kế hoạch chương trình hành động, kiên trì thực hiện hoài bão ước mơ của bản thân và thực hiện đầy đủ các trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân với gia đình, nhà trường, xã hội. Luôn có ý thức tìm những việc làm cụ thể cống hiến cho gia đình, trường lớp, xã hội.

Luôn có chính kiến và có ý thức bảo vệ chính kiến bản thân nhưng không bảo thủ cố chấp, luôn có ý thức học hỏi để tiến bộ.

Thứ nữa trong dự thảo về phẩm chất chưa đề cập đến một phẩm chất chúng ta cần giáo dục để học sinh có được khi đi vào cuộc sống, nhất là trong thời kỳ hội nhập đó là “Sống tự tin” trong chương trình bồi dưỡng phẩm chất của học sinh Singapore. 

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh Xuân Trung
Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh Xuân Trung

Bộ Giáo dục Singapore đã bổ sung 4 phẩm chất của học sinh Singapore phải có từ sau 2012 là: con người tự tin; Người học tự định hướng; Có đóng góp tích cực vì là công dân có trách nhiệm. 

Chúng tôi nêu thế không phải để ta phải theo họ, mà để ta tham khảo, liệu đó có phải là nhu cầu phát triển của công dân thế kỷ 21 không. Đây cũng là mặt rất yếu của số đông học sinh hiện nay. Nếu học sinh có được phẩm chất “Sống tự tin”, các em trước hết phải biết rèn luyện để mình có năng lực thật.

Sống tự tin sẽ đem lại cho học sinh chúng ta những phẩm chất cụ thể nào?
Đây là những tiêu chí giành cho học sinh THPT.

Luôn có ý thức tự giác tham gia các hoạt động thực tiễn để phát triển năng lực bản thân. Đánh giá đúng khả năng vốn có của bản thân (cả mặt mạnh, mặt hạn chế) và luôn tin tưởng vào những khả năng đó sẽ được phát huy tốt nhất khi bản thân có quyết tâm vượt khó.

Không chủ quan, không ngạo mạn hoặc mặc cảm tự ti; mạnh dạn quyết đoán trước mọi công việc.

Chú ý rèn luyện tác phong, ăn mặc, đi lại, nói năng đĩnh đạc, đàng hoàng và luôn cẩn trọng mọi lúc mọi nơi.

Tiếp theo trong phần điều kiện thực hiện chương trình bản dự thảo chưa làm rõ tầm quan trọng và các mục tiêu cần đạt khi chương trình phổ thông mới được thực hiện?

Những điểm còn thiếu ở dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới ảnh 3

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã bắt đầu “chạm” tới xu thế quốc tế

(GDVN) - Bộ GD&ĐT để ít môn bắt buộc cho học sinh và tăng các môn tự chọn, đó cũng là một điểm cập nhật với xu thế quốc tế.

Ngoài vấn đề về cơ sở vật chất của các trường học, chúng tôi mong muốn Bộ GD&ĐT phải làm rõ yêu cầu về đội ngũ nhà giáo phải đủ phẩm chất năng lực thế nào? Và quan trọng phải trao cho các nhà trường cơ chế dân chủ và tự chủ, các trường học mới chủ động trong công cuộc đổi mới này.

Thí dụ để thực hiện tốt chương trình, trước hết Bộ GD&ĐT nên có kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo, bồi dưỡng tuyển chọn giáo viên như thế nào để họ cũng có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục.

Có thể Bộ GD&ĐT sẽ có đề án riêng về bồi dưỡng đội ngũ, nhưng trong đề án này, chúng tôi nghĩ Bộ đã phải đưa ra những định hướng, cách làm và thời hạn làm trước năm 2018; Phải bồi dưỡng tay nghề cho nhà giáo và cán bộ quản lý; còn nếu chú trọng bằng cấp đào tạo như hiện nay là chưa đủ. 

Theo tôi, giáo viên cần phải được đào tào, bồi dưỡng theo chuẩn nghề nghiệp, theo hướng giáo viên phải đủ năng lực để dạy tích hợp, liên môn dạy trải nghiệm sáng tạo… để phù hợp với chương trình đổi mới. 

Bộ GD&ĐT cần có “thước đo” đánh giá để biết được những giáo viên nào đáp ứng yêu cầu và những giáo viên cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng thì mới có tác động đến chất lượng dạy và học. Việc làm này Bộ GD&ĐT cần làm sớm, có thời hạn để khi có chương trình, sách giáo khoa mới chúng ta có thể thực hiện được ngay.

Một vấn đề trong dự thảo chưa nói đến điều kiện để đổi mới giáo dục hiện nay là phải có cơ chế dân chủ, và tự chủ trong nhà trường. Bởi vì, nghề dạy học cần phải được sáng tạo, được đối xử trân trọng, đặc biệt là tính tự chủ của mỗi nhà trường. Các trường cần được trao quyền tuyển chọn, sử dụng giáo viên như thế nào, sử dụng tiền lương ra sao? Đây là những vấn đề đang còn vướng mắc. 

Hiện nay, Bộ GD&ĐT mới cho một số trường đại học có cơ chế tự chủ. Trong khi đó, nếu hiểu đúng bản chất thì các cơ sở giáo dục từ mầm non trở lên cũng được quyền tự chủ để bảo vệ “thương hiệu”, nâng cao chất lượng giáo dục. 

Tự chủ như thế nào phải có quy chế, hướng dẫn. Thực tế, hiệu trưởng cũng không được tuyển chọn giáo viên trong khi chương trình mới lại đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục thì đó là khó khăn, bất cập. 

Một điểm đáng lưu ý, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, cấp tiểu học, THCS và THPT đều có môn học bắt buộc và môn học tự chọn. Và thực tế, sự lựa chọn của học sinh trong học tập và thi cử sẽ rất đa dạng, môn chọn nhiều môn chọn ít. 

Tỷ lệ môn học tự chọn hoặc nội dung học tự chọn sẽ tăng dần từ lớp dưới lên lớp trên. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cũng cần tính toán khâu tổ chức, bố trí giáo viên, lớp học cho phù hợp, để các nhà trường có sự chuẩn bị giáo viên, sắp xếp lại trường, lớp học…

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm