Những giáo viên nào hay thuê người học thay bồi dưỡng chương trình mới?

28/04/2021 06:30
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên nhờ người khác học hộ quả là không chấp nhận được, nhờ người khác học hộ bồi dưỡng chương trình mới phải chính là tệ nạn học đường.

Cùng với thay đổi chương trình giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời triển khai bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để chuẩn bị dạy chương trình mới.

Để dạy chương trình mới, mỗi giáo viên phải tham gia học bồi dưỡng vừa trực tuyến và trực tiếp 9 mô đun, cụ thể như sau:

Mô đun 1 “Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018” gồm 6 nội dung.

Mô đun 2 “Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông” gồm 3 nội dung.

Mô đun 3 “Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực” gồm 4 nội dung.

Mô đun 4 “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông” 3 nội dung.

Mô đun 5 “Tư vấn và hỗ trợ học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông trong hoạt động giáo dục và dạy học” gồm 3 nội dung.

Mô đun 6 “Xây dựng văn hóa nhà trường tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông” gồm 3 nội dung.

Mô đun 7 “Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường ở trường tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông” gồm 3 nội dung.

Mô đun 8 “Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông” gồm 3 nội dung.

Mô đun 9 “Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông” gồm 3 nội dung. [1]

Để hoàn thành, giáo viên bắt buộc phải “học thật”, vừa đọc tài liệu, vừa xem băng hình, vừa trả lời câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, vì thế mất thời gian, tốn công sức.

Với giáo viên yêu nghề, muốn học để thực hiện dạy tốt chương trình mới, thế nhưng với một số giáo viên, bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cả một “gánh nặng”.

Giáo viên nào... không muốn học bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018?

Thứ nhất, phải kể đến đối tượng giáo viên cận tuổi hưu. Với giáo viên đối tượng này ngồi học với cái máy tính là cả một cực hình, mắt mờ, tay chậm, tư tưởng sắp về rồi, nên không muốn học.

Thứ hai, những giáo viên “có nghề phụ là nghề dạy học”. Nghề giáo là nghề phụ, nghề thu nhập chính là nghề tay trái như bán hàng online, làm rẫy, chạy xe công nghệ... Vì vậy, bồi dưỡng chương trình mới với họ không còn hứng thú.

Thứ ba, giáo viên thu nhập “khủng” nhờ nghề giáo, đó là giáo viên dạy thêm được. Việc ngồi học, mất thời gian, không dạy thêm được, nên họ không muốn học, học hay không học, họ vẫn... dạy thêm được.

Nhưng không học bồi dưỡng chương trình mới lại không được, vì lãnh đạo nhà trường nhắc nhở, giáo viên cốt cán của nhóm nhắc nhở, thế là phát sinh nhu cầu ... học hộ.

Quảng cáo dịch vụ học hộ trên mạng Facebook. (Ảnh chụp màn hình)

Quảng cáo dịch vụ học hộ trên mạng Facebook. (Ảnh chụp màn hình)

Có cầu... ắt có cung.

Nắm bắt có nhu cầu... học hộ, nên giáo viên có thêm nghề phụ... nghề học hộ. Những người tham gia học hộ phần lớn là giáo viên cùng bộ môn với người nhờ học hộ, có thể họ quen biết nhau, nên nhờ. Có người còn đăng hẳn lên mạng xã hội để làm... dịch vụ học hộ dưới mĩ từ “hỗ trợ”.

Phần trực tiếp thì giáo viên phải lo, còn phần trực tuyến đã có... dịch vụ. Dịch vụ học hộ đã giải quyết được “nhu cầu” cho giáo viên ngại... học.

Làm sao ngăn chặn tệ nạn... học hộ?

Mỗi giáo viên là tấm gương tự học, giáo viên nhờ người khác học hộ quả là không chấp nhận được, nhờ người khác học hộ bồi dưỡng chương trình mới phải khẳng định là tệ nạn học đường.

Việc nhờ học hộ quá đơn giản, chỉ cần gửi địa chỉ mail, mật khẩu cho người học hộ, khi có kết quả đạt yêu cầu, người học hộ chụp ảnh màn hình gửi người nhở học, người nhờ học hộ chuyển kinh phí, coi như xong.

Việc quản lý học bồi dưỡng không biết có phải “chính chủ” học hay ai đang học hộ, nên không thể kiểm soát được việc học hộ xảy ra. Vì thế, ngăn chặn học hộ chỉ từ lương tâm, trách nhiệm, lòng tự trọng của nhà giáo.

Không học bồi dưỡng chương trình mới thì không nắm bắt được nội dung, phương pháp, giáo viên đã tự tách mình ra khỏi vị trí nhà giáo, sớm hay muộn cũng tự đào thải mình.

Vì vậy, ngành giáo dục cần truyền thông để giáo viên nhận thức được, học bồi dưỡng chương trình mới là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://etep.moet.gov.vn/

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai