Để có thể vận động được một đứa trẻ vùng cao đi học và học lên cao là cả một nỗ lực không nhỏ của thầy cô.
Có những xã, huyện, thôn bản người ta mổ lợn, mổ bò ăn mừng một học sinh thi đỗ Đại học hoặc cấp Trung học phổ thông.
Có những nơi cả một xã heo hút chỉ có một vài em được học trường nội trú. Những học sinh như thế đều là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, của trường và thậm chí là của thôn bản, xã huyện.
Nhân văn với kẻ gian lận điểm thi là dung túng để cái xấu có đất sống |
Việc đào tạo và dạy dỗ một đứa trẻ vùng cao đi học vô cùng cực nhọc.
Nhiều thầy cô phải lội suối, băng rừng đến tận nhà các em vận động đi học.
Các em chịu đi học rồi, thầy cô phải chăm bẵm, nuôi nấng như con.
Trong những lứa học sinh đó có những em trở về với núi rừng, có những em quyết tâm thi cấp 3, thi Đại học.
Nói như thế để thấy rằng việc người ta chỉ mất 6 giây để có thể sửa một bài thi thì thực sự không công bằng với những mầm xanh trong giáo dục vùng cao.
Xin được kể những câu chuyện về thầy và trò trên cả nước. Có những người thầy vất vả như thế nào để dạy dỗ, nuôi nấng một học sinh vùng cao. Có những em khao khát được đi học, được thi Đại học.
Soi chiếu vào đó chúng ta tự hỏi: Nếu ở đâu đó có những người chỉ mất 6 giây dùng tiền và quyền lực có thể đổi trắng thay đen thì công bằng ở đâu với những em học sinh, giáo viên kể trên?
Nghịch lý này thật trớ trêu, người đổ mồ hôi sôi nước mắt để giành giật con chữ, kẻ chỉ cần búng tay quyền lực lại ung dung đỗ thủ khoa.
Câu chuyện của thầy cô giáo vùng cao vận động trẻ em đi học
Thầy tên là Nguyễn Đức Thành, hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Nậm Búng (Văn Chấn, Yên Bái).
Trong "bữa chuyện" chốc chốc thầy Thành lại lôi cái điện thoại ra quẹt quẹt một loạt tin nhắn mà các học sinh gửi cho thầy.
Đứa thì kêu nghỉ hè về nhớ trường, đứa thì muốn đi học, đứa thì xin ở nhà qua tháng 10 vì "ở bản em có tục lệ kiêng".
Người Dao kiêng thì ghê lắm. Họ kiêng gió, kiêng nắng, kiêng cây, kiêng lá...đặc biệt là kiêng Hổ.
Vào những ngày kiêng Hổ, người Dao không ai bước chân ra khỏi nhà. Họ kiêng như thế cho đến rằm. Trẻ con muốn đi học thì cũng phải kiêng đã.
Thầy Thành mang câu chuyện này ra giữa chi bộ thôn, xã và nhất quyết trẻ con phải được đi học. Gia đình không nghe, 30 thầy cô của trường đốt đuốc lên từng bản vận động.
Để dạy dỗ một đứa trẻ vùng cao nên người cần cả tấm lòng và trái tim (Ảnh: Vũ Ninh) |
Lần 1 gia đình họ tiếp, lần 2 họ khó chịu ra mặt, lần 3 họ đuổi thằng: "Thôi thằng thầy Thành nghe tao về đi tao không cho con đi học đâu.
Nó ở nhà còn đỡ đần được tao và làm ra tiền, cho nó đi học chẳng được gì mà còn mất tiền xăng xe máy chở đi".
Thầy Thành buồn nhưng không nản tiếp tục vận động. Mưa dầm thì thấm lâu, ngày cứ đều đều 40km cả ra cả vào bản. Có khi nghe tin học sinh bỏ học đốt đuốc đi ngay trong đêm.
Năm thầy về là năm 2011 tại trường Nậm Búng chỉ có khoảng 2% con em trong xã đi học, đến nay gần hai nhiệm kỳ con số đó là 87%.
Những ngày đầu thầy đi xe máy đến chai cả tay, rụt cả cổ vì lạnh vào tận trong bản phổ cập giáo dục cho những học sinh đặc biệt. Những học sinh đấy đều 40,50 thậm chí 70 tuổi.
Họ là những người Dao một chữ cắn 7,8,9 cũng không biết. Vậy mà bây giờ, thầy cười khoe: "Tối nào cũng vài bác gọi điện cho anh bảo là thằng thầy Thành lên zalo chém gió cho vui.
Bây giờ nhận thức của bà con cũng đá khá rất nhiều, họ cho con đi học, muốn có học giỏi và đỗ vào trường nội trú".
“Vết nhơ giáo dục” - người Việt hôm nay chẳng lẽ không ai phải chịu trách nhiệm? |
Mỗi năm xã Nậm Búng có được 2 chỉ tiêu vào Trường nội trú Văn Chấn.
Trường nội trú cấp 2 tại các tỉnh miền núi tương đương như trường chuẩn ở dưới xuôi vậy.
Ở đó người ta gọi là những tinh hoa của người dân tộc.
Các em học giỏi, vẽ đẹp và hát hay, thể dục thể thao cái gì cũng giỏi.
Ngày đó những người đàn bà Dao, Mông, Tày đi bộ từ trong bản ra, họ ngồi chờ ở Ủy ban Xã và nộp hồ sơ cho con cháu thi vào trường nội trú.
Năm nay bản nào có con em được vào trường nội trú thôn sẽ tổ chức ăn mừng to như sinh nhật (đối với người Dao ngày sinh nhật là ngày quan trọng nhất. Họ làm lễ, cỗ bàn to hơn cả ngày cưới).
Thầy Thành đúc kết: "Thực ra trẻ con miền núi rất thông minh và có nhu cầu được đi học. Đi học và học giỏi để đổi đời".
"Nhưng trước mắt họ cho con đi học để lấy tiền trợ cấp đã, mỗi tháng là 400.000 đồng/ học sinh" - cô Phương, giáo viên điểm lẻ tại Mù Cang Chải lập luận.
Đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được hình ảnh của cô Phương trong bộ quần áo mưa, mũi đỏ hoe vì lạnh đón chúng tôi ở con đèo Khau Phạ.
Các điểm trường dựng lên thô sơ và tạm bợ. Các lớp học gió lùa vào cả cô cả trò ngồi co ro.
Những đứa bé người Mông, người Thái đi chân đất, đôi bàn chân sưng lên vì cước, đau nhức và đang mong đến giờ cơm.
Buổi học kết thúc cũng là lúc từ các lớp học trẻ con ùa ra như đàn chim vỡ tổ, ríu rít đi tìm những cặp lồng cơm do cha mẹ chuẩn bị. Bữa ăn “nhạt nhẽo” đến mức chỉ có mì tôm chan nước suối, đứa khá khẩm thì có ít măng cay.
Trong những đôi mắt trẻ thơ chúng chưa nghĩ đến việc học có ý nghĩa như nào chỉ có chăng là cha mẹ các em đang mong mỏi khoản trợ cấp 400.000 đồng/ tháng.
Nhưng một vài đứa đã biết ước mơ và cái ước mơ gần gũi và chân thật nhất là sau này trở thành cô giáo như cô Phương.
Cách cô Phương đúng một con đèo, cô Hoa và chồng đang giảng bài cho các em học sinh tại trường Trung học cơ sở Búng Luông.
Cô Hoa là người Quảng Ninh, “bỏ trốn” cùng anh thầy giáo nghèo lên Tây Bắc dạy học trong sự phản đối của gia đình.
Đôi vợ chồng, bạn học đại học, đồng nghiệp cùng nhau lên Tây Bắc và đã gắn bó được 7 năm.
Điều gì thôi thúc cô Hoa bỏ mảnh đất Quảng Ninh màu mỡ lên cái xứ sở này nếu không phải là tình yêu con trẻ, yêu nghề.
Quả thực sự thay đổi của bức tranh giáo dục vùng cao có sự đóng góp rất lớn của các thầy cô giáo.
Mà trong đó chỉ tính riêng chuyện đến bản vận động học sinh đi học là cả một thử thách.
Ước mơ được đi học, được đến trường của trẻ em vùng cao (Ảnh: Vũ Ninh) |
Cô Hoa nói với phóng viên rằng: "Chăm một đứa học sinh còn khó gấp 10 lần chăm con của mình.
Phải để ý chúng nó không bỏ học, cả chuyện chúng nó đến tuổi yêu đương nhiều đứa bỏ học về nhà lấy chồng, lấy vợ, rồi ăn uống sinh hoạt.
Đối với đồng bào dân tộc không nói cương được với họ mà phải nói nhẹ nhàng, họ phải thấy được cái lợi trước mắt và mình phải thể hiện được mình thực sự là người yêu nghề, yêu con trẻ.
Tình yêu nghê, yêu con trẻ quả thật là động lực để các cô giáo cắm bản có thể vượt qua nhiều khó khăn. Nuôi dạy một đứa trẻ vùng cao đi học thực sự vất vả lắm!".
Khao khát sự học của nhiều trẻ em nghèo
Cách Yên Bái khoảng 1000km, các thầy cô mặc dù rất yêu nghề, thương học sinh nhưng cũng đành chịu cảnh “lệ rơi Suối Phèn”.
Có một nơi gọi là bản Suối Phèn (Quảng Nam). Nơi đó học sinh học đến lớp 9, thi vào lớp 10, học xong cấp 3 thì phải về nhà.
Lý do là các em không có đủ điều kiện thi đại học do gia đình không có hộ khẩu.
Bốn trăm nhân khẩu ở nơi đây, trong đó có Cư Seo Vọc rơi nước mắt không biết bao nhiêu lần vì cánh cửa đại học đóng lại.
Vọc học giỏi, hát hay và ước mơ lớn nhất của em là thi vào Học viện âm nhạc Quốc gia và trở thành một ca sĩ có thể đem âm nhạc của người Mông, người Tày đến với mọi người.
Nhưng sau 4 năm kể từ ngày không được thi đại học, em chỉ còn biết cất tiếng hát trong nỗi tuyệt vọng và những giọt nước về một ước mơ dang dở.
Cũng là cái khát đấy, chị Sáu (Sài Gòn) dồn hết vốn liếng cho con đi học. Ba đứa con của chị sáng ở nhà, chiều đi học, tối theo chị diễn xiếc phun lửa ở phố Tây Bùi Viện.
Mỗi ngày chị thổi bỏng cả miệng chỉ được 50.000 đồng, 100000 đồng...Ba giờ sáng, 3 mẹ con lần hồi trong những quán xá mua vui cho các du khách ta, tây, tàu đủ kiểu.
Chiều đến chị Sáu lại chở con đến trường tình thương học. Ở đấy người ta cho học miễn phí lại phát cả đồng phục.
Chị Sáu đang lo năm sau đứa con cả sang cấp 2, không được học trường tình thương nữa, lại một mớ tiền.
Nhưng người đàn bà với cái dáng vẻ nhom nhem này hằng ngày vẫn đi thổi lửa, đến bữa vẫn xin gạo, mắm của hàng xóm...không một ngày nào không đưa con đến trường.
Cái nghèo cùng cực của chị đến mức chị chấp nhận đứng nắng đợi con học đến 5h chiều rồi đón về chứ không về nhà vì chị...tiếc tiền xăng.
Ơn giời mấy đứa nhỏ đều học giỏi, thông minh và ấp ủ những ước mơ có thể thay đổi được số phận của ba mẹ con!
Tấm lòng của người mẹ dù vất vả nuôi con nhưng vẫn hi vọng sự học là con đường duy nhất thắp lên ánh sáng cho cuộc đời họ (Ảnh: Vũ Ninh) |
Bức tranh giáo dục trên đây chỉ là một phần rất nhỏ nhưng để thấy ước mơ được đi học, ước mơ đổi đời từ việc học là ước mơ nguyên thủy, cơ bản và thánh thiện nhất của con người.
Giáo dục vùng cao đang dần khởi sắc nhờ công sức của cả thầy trò, gia đình, chính quyền địa phương...Nhưng để đào tạo được một nhân tài, một em học sinh giỏi là cả một quá trình và sự đầu tư, công sức rất lớn.
Những đứa trẻ ở Văn Chấn, những học sinh ở Suối Phèn hay những đứa trẻ trong trường tình thương ở thành phố Hồ Chí Minh đều có khát vọng đổi đời và có một tương lai tươi sáng nhờ sự học.
Thiết nghĩ giáo dục là công bằng khi phải bỏ công sức rèn luyện, học tập mới nhận lại được thành quả.
Biết bao đứa trẻ vùng cao đang hằng ngày cắp sách, vượt đèo đến trường, đến với con chữ.
Việc học đâu phải là đơn giản, đâu phải chỉ cần một cái gõ chuột máy tính là xong. Có những nơi để đi học phải đánh đổi cả bằng máu, mồ hôi và nước mắt.
Ấy vậy mà chỉ với 6 giây người ta có thể đổi trắng thay đen, đạp đổ công sức của rất nhiều em học sinh khác và đưa lên những người không có năng lực.
Nhiều phụ huynh có con được nâng điểm đang run lên vì lo sợ. Nhiều em học sinh làm theo sự sắp đặt của cha mẹ và cả những tham nhũng trong giáo dục đang giết chết ước mơ được học đại học, được đến trường và đổi đời của rất nhiều học sinh khác.
Tôi mong một lần họ lên vùng núi cao Yên Bái, đến Quảng Nam nghe Cư Seo Vọc hát, vào thành phố Hồ Chí Minh xem mẹ con chị Sáu thổi lửa để thấy rằng họ đã đánh cắp giấc mơ và niềm tin của nhiều đứa trẻ.