Những lớp học thêm ở Tương Dương, không tiền bạc thầy cô vẫn vui

03/07/2020 05:52
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Được ghi nhận dù chỉ ở khía cạnh tinh thần nhưng các thầy cô giáo nơi đây luôn giữ trong mình bầu nhiệt huyết trồng người đúng nghĩa.

Từ trước đến nay nói đến dạy thêm, học thêm nhiều người thường nghĩ ngay đến vấn nạn, nhất là ở các thành phố, đô thị lớn. Người ta dị ứng với từ dạy thêm, học thêm bởi có quá nhiều góc khuất.

Học sinh đang được dạy kèm tại trường (Ảnh nhà trường cung cấp)

Học sinh đang được dạy kèm tại trường (Ảnh nhà trường cung cấp)

Ví như việc, thầy cô dùng thủ thuật để ép học sinh đến lớp dạy thêm thu tiền, giáo viên gà bài, mớm bài trong lớp dạy thêm để em nào học thêm điểm thi kiểm tra sẽ cao, và ngược lại không chịu đi học thêm nhà thầy cô điểm thi kiểm tra sẽ thấp.

Học sinh được kèm tận tình (Ảnh nhà trường cung cấp)

Học sinh được kèm tận tình (Ảnh nhà trường cung cấp)

Vậy mà có một nơi, người dân lại rất hồ hởi cho con đi học thêm và nhờ có dạy thêm, học thêm mà lực học của học sinh đã tiến bộ từng ngày.

Học sinh được kèm học miễn phí (Ảnh nhà trường cung cấp)

Học sinh được kèm học miễn phí (Ảnh nhà trường cung cấp)

Dạy thêm không thu tiền học sinh cũng chẳng có thù lao từ nhà trường

Người ta nói: “Có thực mới vực được đạo” thế mà vẫn còn những nơi thầy cô tình nguyện dạy thêm hoàn toàn miễn phí chỉ với mong muốn duy nhất học trò của mình mau tiến bộ.

Nơi chúng tôi nói đến là Trường Tiểu học Tam Hợp (một ngôi trường nằm sát biên giới) của huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Thầy Nguyễn Đình Mận, Hiệu trưởng nhà trường cho chúng tôi biết, Trường Tiểu học Tam Hợp hiện có 3 điểm trường với gần 300 em học sinh chủ yếu là người H’Mông.

Nhiều em nơi đây yếu tiếng Việt do những nguyên nhân như làng xã ở xa trung tâm, đường đi lại vô cùng khó khăn.

Phụ huynh nơi rẻo cao này cũng ít quan tâm đến con cái, nhiều trẻ tinh thần hiếu học không cao như những học sinh miền xuôi.

Bởi thế, việc học của các em nếu không nhờ sự nhiệt tình của Ban giám hiệu nhà trường, của các thầy cô giáo sẽ rất khó có kết quả tốt.

Theo thầy Mận, ngoài việc dạy học nhiệt tâm, tận tình của giáo viên trên lớp thì nhà trường thường xuyên duy trì tổ chức dạy thêm cho các em học sinh vào mỗi buổi tối trong các điểm trường.

Hình thức tổ chức dạy thêm, học thêm được mang tên khá ấn tượng “Tiếng trống học bài”.

Vào khoảng 7 giờ tối các ngày, khi tiếng trống trường vang lên, học sinh đã tập trung đông đủ vào các lớp. Thời gian học kéo dài đến 9 giờ đêm mới xong.

Trước đó, thầy cô đã sát hạch, theo dõi và phân loại học sinh theo từng nhóm đối tượng để dễ giảng dạy và kèm cặp. Có những em sẽ ôn kiến thức lớp dưới và học kiến thức cơ bản, có em ngoài việc củng cố kiến thức cơ bản sẽ được tập trung ôn thêm kiến thức nâng cao…

Giáo viên sẽ trực tiếp kèm cặp cho các em ôn bài đã học và chuẩn bị cho bài học hôm sau. Đảm nhiệm việc dạy kèm chủ yếu là các giáo viên chủ nhiệm.

Những thầy cô giáo dạy tiết chuyên sẽ được tăng cường vào các lớp 1 để hỗ trợ các cô kèm những học sinh còn yếu, kém.

Tranh thủ khi học sinh làm bài, thầy cô cũng soạn bài, chuẩn bị đồ dùng cho ngày dạy hôm sau. Thầy Mận cho biết, thương học sinh nên giáo viên tình nguyện hy sinh chứ không thu tiền dạy thêm hay có tiền bồi dưỡng từ nhà trường.

Vậy mà thầy cô cứ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng kia cần mẫn với đám học trò lớp mình mà không hề ca thán. Niềm vui lớn nhất chính là sự tiến bộ của học sinh.

Chất lượng học tập được nâng lên hàng ngày

Được biết đầu năm vào học, có những học sinh không thể giao tiếp được tiếng Việt. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc học các môn của các em.

Thế mà, bằng sự nỗ lực, tận tình của thầy cô, Trường Tiểu học Tam Hợp, huyện Tương Dương chất lượng học sinh của trường đã được cải thiện rõ rệt.

Khuyến khích và động viên tinh thần hy sinh công sức cho học sinh, nhà trường cũng có chế độ thưởng nóng (phần thưởng cũng khoảng 500 ngàn đồng) cho những lớp có chất lượng học tập được nâng lên so với lúc ban đầu.

Bên cạnh đó, việc xếp loại giáo viên cũng công tâm, ghi nhận những đóng góp thiết thực của các thầy cô giáo.

Được ghi nhận dù chỉ nặng về tinh thần nhưng các thầy cô giáo nơi đây luôn giữ trong mình bầu nhiệt huyết trồng người đúng nghĩa.

Phan Tuyết