Những quy định cứng nhắc có thể gây ra hệ lụy lớn cho tương lai

06/08/2017 07:51
Giáo sư Lê Ngọc Thành
(GDVN) - Giáo sư-Tiến sĩ Lê Ngọc Thành: "Luật được làm ra là để phục vụ nhân dân, đất nước và đã là luật thì phải đảm bảo được sự công bằng".

LTS: Giáo sư Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E Hà Nội, Chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam; Ủy viên Ban chấp hành Hội Phẫu thuật viên tim mạch và lồng ngực châu Á, là người rất tâm huyết với công tác giáo dục đào tạo của nước nhà.

Qua theo dõi thông tin về công tác tuyển sinh những năm qua, ông nêu ra hai vấn đề bất hợp lý trong công tác tuyển sinh – đào tạo mà dư luận đang hết sức quan tâm đó là “ưu tiên cộng điểm với nguyện vọng 1” và “bác sĩ nội trú không được dự thi tuyển đào tạo trình độ Tiến sĩ”. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng gửi tới quý độc giả bài viết tâm huyết của Giáo sư Lê Ngọc Thành.

Giáo sư-Tiến sĩ Lê Ngọc Thành cho biết, một số quy định trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo rất bất cập và cần phải sớm sửa đổi phù hợp với thực tế. ảnh: Ngọc Quang.
Giáo sư-Tiến sĩ Lê Ngọc Thành cho biết, một số quy định trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo rất bất cập và cần phải sớm sửa đổi phù hợp với thực tế. ảnh: Ngọc Quang.

Chính sách cộng điểm ưu tiên đang bộc lộ nhiều hạn chế

Trong những năm qua ngành giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong năm vừa qua, giáo dục nước nhà đã gặt hái thành công rực rỡ từ các kỳ thi Toán quốc tế, Lý quốc tế… đồng thời đổi mới về công tác tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2017 cũng đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, giải quyết được áp lực cho xã hội trong những năm gần đây.

Dù vậy, công tác tuyển sinh và đào tạo vẫn đang tồn tại một số bất cập bất cập, đầu tiên là quy định cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển sinh đại học nguyện vọng 1.

Theo quy chế tuyển sinh Đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nhiều năm qua, thí sinh có thể được cộng đến 3,5 điểm ưu tiên đối tượng, khu vực. Dù chính sách cộng điểm ưu tiên là cần thiết, nhưng đã bộc lộ bất cập, hạn chế cần ngay lập tức nghiên cứu sửa đổi và điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Nếu không làm như vậy thì quy định cộng điểm ưu tiên sẽ không phát huy được ý nghĩa tốt đẹp, đồng thời cũng sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới nguồn nhân lực trong tương lai, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực ở các ngành đặc thù.

Xin nêu ra thí dụ cụ thể là hàng năm những trường như Đại học y Hà Nội, Học viện Quân y, Đại học An ninh Nhân dân… đều có điểm đầu vào rất cao. Năm nay, Ngành “Y đa khoa” Đại học Y Hà Nội lấy 29,25 điểm;Tại Học viện an ninh nhân dân: Ngành Ngôn ngữ Anh (Nam) lấy 27,25 điểm; Ngôn ngữ Anh (Nữ) lấy 30,5 điểm; Học viện Quân y: Tổ hợp khối A với thí sinh nữ miền Nam lấy 30 điểm; tổ hợp khối B với nữ thí sinh miền Bắc lấy 30 điểm.

Những quy định cứng nhắc có thể gây ra hệ lụy lớn cho tương lai ảnh 2

Ưu tiên và làm tròn điểm, mặt sau của tấm huy chương

Với điểm đầu vào như vậy, nhiều thí sinh ở nội thành Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… vẫn có thể buộc phải “tạm biệt” giấc mơ trở thành bác sĩ, công an, bộ đội... bởi vì dù học giỏi, thi đạt điểm đầu vào, nhưng không được cộng điểm ưu tiên.

Trong khi đó nhiều thí sinh có điểm thi thấp hơn chuẩn nhưng vì được cộng điểm ưu tiên nên tổng số điểm lại vượt lên và nghiễm nhiên trúng tuyển.

Đó là một bất cập rất lớn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai mà chúng tôi gọi đó là “ưu tiên ngược”.

Chính sách an sinh xã hội vùng miền của Đảng và Nhà nước rất tốt và ngày càng tốt hơn nữa, nhưng cũng cần có những lưu ý để lựa chọn sinh viên thực chất, lấy được những em giỏi; đồng thời chính sách cộng điểm ưu tiên cũng đúng đối tượng, đảm bảo sự công bằng.

Luật được làm ra là để phục vụ nhân dân, đất nước và đã là luật thì phải đảm bảo được sự công bằng, dù thí sinh có được ưu tiên cộng điểm hay không được cộng điểm.

Để giải quyết vấn đề này, tôi xin góp ý cho ngành giáo dục là đối với những trường đặc thù như Sư phạm, An ninh, Quân đội, Y, Dược… cần phải lấy được các thí sinh có điểm thi cứng đạt yêu cầu đầu vào. Như vậy, sẽ không bỏ sót các em học giỏi tại các thành phố lớn.

Bên cạnh đó cần dành một tỷ lệ nhất định để tuyển các em "vì được cộng điểm ưu tiên nên mới đủ điểm vào trường theo nguyện vọng 1", nhưng kèm theo điều kiện là sau khi tốt nghiệp thì phải trở về địa phương làm việc, cống hiến cho quê nhà trong một khoảng thời gian nhất định. Sau thời gian này, nếu các em có điều kiện phát triển thì luân chuyển công tác, tùy thuộc vào năng lực và hoàn cảnh sống của từng người.

Chúng ta biết rằng những năm qua cả xã hội hô hào giáo viên, bác sĩ… từ các miền đồng bằng đi làm việc tại miền núi, vùng sâu vùng xa, và cũng đã có chính sách để thúc đẩy vấn đề này. Nhưng đó là chính sách tạm thời và không bền vững. Vì vậy chính sách cộng điểm ưu tiên kèm theo điều kiện về làm việc tại địa phương sẽ giải quyết được một phần vấn đề này. Lẽ đương nhiên trước khi áp dụng thì phải thông báo công khai trên toàn quốc để thí sinh và các gia đình cân nhắc, lựa chọn.

Còn đối với các em ở các "vùng, miền" hoàn toàn đủ điểm đầu vào (không phải cộng điểm ưu tiên) thì có quyền lựa chọn và tùy ý chọn nơi công tác sau này. Đồng thời, các em ngay từ đầu xác định không trở về làm việc tại quê nhà thì không được cộng điểm ưu tiên, nếu không đủ điểm vào trường "nguyện vọng 1" thì vào trường "nguyện vọng 2" và tùy ý chọn nơi công tác khi đã tốt nghiệp.

Trong những năm qua thử hỏi có bao nhiêu em được ưu tiên cộng điểm để vào được đại học nhưng sau khi ra trường thì bỏ luôn ngành học đó, đi làm một công việc khác? Thử hỏi có bao nhiêu em đã được ưu tiên cộng điểm vào đại học và sau này trở về quê hương làm việc?

Đó là những câu hỏi mà ngành giáo dục cần xem xét, đánh giá, và đó cũng là vấn đề rất lớn mà các bộ, ngành, địa phương cần phải có ý kiến để điều chỉnh chính sách.

Trở thành "Bác sĩ nội trú" là niềm tự hào của mỗi bác sĩ. ảnh: bacsinoitru.
Trở thành "Bác sĩ nội trú" là niềm tự hào của mỗi bác sĩ. ảnh: bacsinoitru.

Không cho bác sĩ nội trú thi nghiên cứu sinh Tiến sĩ là một sai lầm

Theo Thông tư 08 ra ngày 4/4/0217 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì bác sĩ nội trú đã tốt nghiệp đang làm việc tại các bệnh viện, làm công tác giảng dạy, nghiên cứu tại các trường không được dự thi nghiên cứu sinh Tiến sĩ (do nhiều trường Đại học Y dược đào tạo hệ bác sĩ nội trú trong nhiều năm vừa qua nhưng không được cấp bằng thạc sĩ của do Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Đây là quy định hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn, nếu không muốn nói là còn gây hại cho ngành y. Vì sao?

Tôi là người đã gắn bó cả đời với ngành y, dành mọi tâm huyết cho y học nước nhà và chính bản thân tôi, cùng với nhiều Giáo sư đầu ngành trong nước, thậm chí có cả các lãnh đạo trong ngành y tế hiện nay cũng xuất phát từ Bác sĩ nội trú.

Chương trình học Bác sĩ nội trú rất khó, rất nặng. Sau 6 năm học, tốt nghiệp loại khá trở lên thì mới được thi tiếp lên Cao học, Chuyên khoa I hoặc thi Bác sĩ nội trú. Tuy nhiên thi được vào “Bác sĩ nội trú” rất khó, đó phải là những bác sĩ xuất sắc, và cũng chỉ được dự thi một lần duy nhất, mà không phải ai cũng có được.

Trong lịch sử y học Việt Nam thì “Bác sĩ nội trú” là một thương hiệu vô cùng tự hào của những người làm công tác y học. Họ vừa giỏi lý thuyết, lại vừa giỏi tay nghề – đó là một thực tế không thể chối bỏ, và thời lượng học lớn hơn hẳn so với các Thạc sĩ. Hầu hết các Bác sĩ hàng đầu Việt Nam đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân đều có niềm tự hào là đã tốt nghiệp "Bác sĩ nội trú".

Chính vì vậy, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định này. Chẳng lẽ sau khi vượt qua nhiều thử thách để trở thành “Bác sĩ nội trú”, họ phải quay lại thi Cao học (Thạc sĩ) để đáp ứng quy định mang tính “thủ tục” của Bộ Giáo dục?

Nếu cứ áp dụng quy định này thì chắc chắn sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho bản thân những người đã rất vất vả nhiều năm tháng mới vào được “Bác sĩ nội trú”, xa hơn nữa là gây ra hệ lụy rất lớn cho nền y học nước nhà.

Cá nhân tôi thiết nghĩ nếu luật đưa ra chưa phù hợp thì nên chỉnh sửa cho phù hợp, không nên áp dụng một cách máy móc.

Giáo sư Lê Ngọc Thành