Những “sân sau” của hiệu trưởng

13/12/2019 09:07
TRẦN THẢO DÂN
(GDVN) - Đừng nghĩ rằng chỉ có các vị “quyền cao chức trọng” mới có “sân sau” mà không ít hiệu trưởng nhà trường cũng có những “sân sau” nhờ những chiêu trò của mình.

LTS: Thẳng thắn cho rằng, những “sân sau” mang lại nhiều lợi lộc cho một số hiệu trưởng, tác giả Trần Thảo Dân đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Đừng nghĩ rằng chỉ có các vị “quyền cao chức trọng” mới có “sân sau” mà không ít hiệu trưởng nhà trường cũng có những “sân sau” nhờ những chiêu trò “độc đáo” của mình.

“Sân sau” mang lại nhiều lợi lộc cho một số hiệu trưởng (Ảnh minh họa: DAD 18).
“Sân sau” mang lại nhiều lợi lộc cho một số hiệu trưởng (Ảnh minh họa: DAD 18).

Trước hết, đó là dịch vụ căn-tin trong trường học. Hầu hết các em học sinh bây giờ được gia đình cho tiền ăn sáng, ăn vặt giữa buổi nên căn-tin là nơi “đáp ứng nhu cầu” của các em.

Giờ ra chơi được hiệu trưởng quy định là 20 phút để các em có thời gian vào ăn ở căn-tin. Cổng trường được đóng lại để “không cho chúng nó thoát”, các em không được ra ăn ở bên ngoài.

Có khi hiệu trưởng “nhờ” Đoàn thanh niên cùng đội “Cờ đỏ” trực, sẵn sàng ghi tên những học sinh ra ngoài.

Vì thế, giá cả căn-tin bán bao nhiêu, cao hơn giá ngoài cũng đành phải mua; không mua thì lấy gì ăn vì còn những hai, ba tiết học nữa mới nghỉ.

Đây là “thời cơ” hốt bạc của căn-tin vì có trường chỉ duy nhất một căn-tin, không có căn-tin thứ hai để cạnh tranh, chia sẻ bớt học sinh…

Điều đáng nói ở đây là hợp đồng bán căn-tin do hiệu trưởng trực tiếp đàm phán và ký hợp đồng, không có đấu giá, không có sự bàn bạc của công đoàn cơ sở.

Vì thế, khi thay hiệu trưởng dưới sức ép của giáo viên, của công đoàn thì mới đưa ra đấu giá bán căn-tin. Căn-tin cũ, theo hợp đồng ký với hiệu trưởng cũ thì mỗi tháng đóng lại cho nhà trường khoảng vài triệu đồng. Nay sau khi đấu giá xong thì con số vọt lên rất nhiều.

Lạm thu là do...lòng tham của vài Hiệu trưởng chưa tốt
Lạm thu là do...lòng tham của vài Hiệu trưởng chưa tốt

Bên cạnh đó, “sân sau” còn là dịch vụ giữ xe cho học sinh. Xe vào trường không ai giữ miễn phí cả mà phải trả tiền giữ xe với giá mềm vì gởi xe hàng ngày (xe máy: 2 ngàn đồng/ chiếc/ lần; xe đạp điện, xe đạp: 1 ngàn đồng/ chiếc/ lần).

Tương tự như trên, hiệu trưởng ký hợp đồng với “thỏa thuận” cho nhà trường. Sau khi hiệu trưởng mới chấp thuận đấu giá dịch vụ giữ xe, số tiền tăng lên hàng chục triệu đồng/ tháng. Thế là sau hai nhiệm kỳ của hiệu trưởng (10 năm), con số tiền chênh lệch đó đi vào túi ai thì mọi người đều biết.

Chưa hết, “sân sau” của hiệu trưởng còn là những khoảng trống xung quanh trường, phía ngoài hàng rào. Theo quy định thì không ai được phép sử dụng vỉa hè phía ngoài để buôn bán, mở cửa hàng buôn bán hàng tiêu dùng…

Nhưng có những vị hiệu trưởng hết sức “linh hoạt” đã tự ý cho người ngoài buôn bán dọc tường rào vì trường nằm giữa trung tâm thành phố, thị xã nên viện buôn bán này khá thuận lợi.

Đâu phải cho họ buôn bán “miễn phí” mà chắc chắn phải có “phí ngầm” lót tay cho hiệu trưởng.

Vì thế, sau gần hai nhiệm kỳ có vị hiệu trưởng đã đủ tiền mua nhà, mua xe bốn bánh, mua đất… Các vị này sống cách biệt với giáo viên, nhân viên với những chiếc xe máy đắt tiền, ăn mặc hàng hiệu trong khi nhiều giáo viên, nhân viên của mình sống bươn chải khá vất vả.

Quả là những “sân sau” mang lại nhiều lợi lộc cho một số hiệu trưởng!

TRẦN THẢO DÂN