Ở các bậc học phổ cập không thể không giao biên chế giáo viên!

29/09/2019 07:29
Trinh Phúc
(GDVN) - "không một lý do nào có thể biên minh cho việc thiếu giáo viên và trông chờ vào việc xã hội hóa giáo dục ở bậc học phổ cập".

Năm học mới đã đến nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang trở thành bài toán nan giải cho giáo dục ở nhiều địa phương.

Riêng tỉnh Nghệ An thiếu đến gần 3.000 giáo viên. Trong đó, bậc mầm non thiếu 2.500 giáo viên.

Tại tỉnh Thanh Hóa, so với quy định còn thiếu 2.783 giáo viên mầm non, 1.753 giáo viên tiểu học, dư 948 giáo viên Trung học Cơ sở; khối Trung học phổ thông, thiếu 280 giáo viên và hơn 200 nhân viên hành chính…

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhiều tỉnh đã xin trung ương bổ sung biên chế.

Tuy nhiên, tỉnh được, tỉnh không. Đến nay, Bộ Nội vụ mới cho phép 14 tỉnh có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên bổ sung thêm biên chế giáo viên.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ - ông Nguyễn Duy Thăng (ảnh Trinh Phúc).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ - ông Nguyễn Duy Thăng (ảnh Trinh Phúc).

Khắc phục tình trạng này, nhiều địa phương muốn hợp đồng với giáo viên nhưng Nghị định 161/2018/NĐ – CP, Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quy định: “Không thực hiện việc ký hợp đồng lao động với những người làm việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức trong các cơ quan hành chính hoặc là viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên”.

Do đó, muốn hợp đồng giáo viên các tỉnh cũng không được thực hiện. Nên dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp mà đơn cử như ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Vì thiếu giáo viên tiếng Anh tiểu học nên nguy cơ 2.000 học sinh khối 3 của huyện này sẽ không được học tiếng Anh trong năm học này.

Giáo viên có hợp đồng trước ngày 31/12/2015 được tuyển đặc cách, không phải thi
Giáo viên có hợp đồng trước ngày 31/12/2015 được tuyển đặc cách, không phải thi

Trước thực trạng trên, tại cuộc họp báo của Bộ Nội vụ (ngày 20/9), phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt câu hỏi và được Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng trả lời.

Theo ông Nguyễn Duy Thăng, muốn bổ sung biên chế thì phải đánh giá hai năm thực hiện kết quả sắp xếp theo Nghị quyết 19 Trung ương khóa 12 của địa phương thực hiện ra sao?

Như việc sáp nhập trường phổ thông nhiều cấp học, thu gọn các điểm trường, rồi vấn đề chuyển sang thực hiện chế độ tự chủ, xã hội hóa, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức…

Chủ trương tinh giản biên chế gắn liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Các địa phương vừa rồi có báo cáo với Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ có ý kiến chỉ đạo đề nghị các địa phương đánh giá tổng thể kết quả triển khai thực hiện. Trước đây, các địa phương cũng đưa ra các con số giờ cần đánh giá lại tình trạng thừa thiếu giáo viên của từng cấp học.

Đến nay, chưa có báo cáo tổng thể. Việc này cần phải xác định rõ theo tiêu chuẩn chức danh, xác định số biên chế từ đó mới cơ cấu lại”. 

Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh Thùy Linh).
 Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh Thùy Linh).

Trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng có thể thấy, việc xét duyệt bổ sung biên chế giáo viên trước mắt chưa thể tiến hành ngay.

Các tỉnh muốn bổ sung biên chế thì phải tổng kết, đánh giá lại chủ trương tinh giản biên chế thông qua sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và công tác xã hội hóa giáo dục đã thực hiện được như thế nào, đạt mục tiêu đề ra hay không.

Trước những bất cập đặt ra giữa nhu cầu thực tế với quy định về biên chế hiện nay, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, ở bậc học phổ cập thì nhà nước phải lo hoàn toàn.

Gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội không ai đủ điều kiện xét đặc cách
Gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội không ai đủ điều kiện xét đặc cách

Do đó, không một lý do nào có thể biên minh cho việc thiếu giáo viên và trông chờ vào việc xã hội hóa giáo dục ở các bậc học phổ cập.

Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, biên chế trong giáo dục phụ thuộc vào số lượng học sinh, lớp học, môn học.

Do đó, nhà nước phải đảm bảo biên chế chi tiết tới từng môn học chứ không được tính biên chế theo kiểu tính giáo viên trên đầu học sinh.

Giáo sư Phạm Tất Dong còn cho rằng, nếu chờ đợi xã hội hóa để giảm biên chế thì điều đó chỉ xảy ra với những bậc học không phải là bậc phổ cập. Còn trong bậc phổ cập thì nhà nước phải lo hoàn toàn.

Nếu địa phương nào không thực hiện được xã hội hóa ở những bậc học phổ cập thì bắt buộc nhà nước phải gánh vác chứ không thể chờ đợi việc xã hội hóa.

Trinh Phúc