Oxford - Trường đại học cổ kính nhất nước Anh

05/11/2011 00:00
Theo Wikipedia
(GDVN) - Viện Đại học Oxford là một viện đại học tại thành phố Oxford, Anh. Đây là viện đại học cổ nhất trong các nước nói tiếng Anh.
Oxford là trường đại học cổ kính nhất nước Anh

Theo xếp hạng của The Times năm 2007, đây là viện đại học tốt nhất Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Viện Đại học Oxford là một trong những viện đại học danh tiếng nhất thế giới. Trường đã có 48 người đạt Giải Nobel trên cương vị các cựu sinh viên,các giáo sư giảng dạy.

Viện Đại học Oxford có 39 trường đại học (college), mỗi trường có một cấu trúc và hoạt động riêng.

Người đứng đầu chính thức của Viện Đại học Oxford là một viện trưởng danh dự, là một nhà chính trị xuất sắc được Hội đồng đại học của viện đại học bầu suốt đời.

Hội đồng đại học Oxford gồm những người có bằng thạc sỹ. Viện phó của viện đại học được bầu nhiệm kỳ 4 năm và là người đứng đầu bộ phận điều hành của Viện Đại học Oxford.

Thành phố Oxford đã trở thành một trung tâm học thuật quan trọng từ cuối thế kỷ 12 trở đi. Các giáo sư từ châu Âu lục địa đã đến và định cư tại đây và công tác giảng dạy đã được bắt đầu từ năm 1117.

Trong một thời gian cuối thế kỷ 12 việc Viện Đại học Paris trục xuất các giáo sư nước ngoài đã khiến nhiều học giả bỏ nước Pháp đến định cư tại Oxford.

Năm 1209, do cuộc xung đột của sinh viên trường và dân thành thị, một số viện sỹ của trường đã chạy đến thành phố Cambridge và lập nên Viện Đại học Cambridge.

Oxford - Trường đại học cổ kính nhất nước Anh ảnh 2

Lịch sử

Viện Đại học Oxford là viện đại học đầu tiên thành lập ở Anh vào khoảng thế kỷ 13. Niên đại chính xác không rõ nhưng sử ghi là năm 1201 có tuyển vị viện trưởng (chancellor) đầu tiên. Năm 1231 thì universitas được công nhận là một công hội với một công ước riêng.

Viện Ðại học Oxford thành lập với mục đích chính là đào tạo tu sĩ và linh mục cho Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã. Nhiều dòng tu như dòng Đa Minh,dòng Phanxicô, và dòng Carmel tụ tập gần trường, cung cấp chỗ ở cho các tu sinh trọ học. Mục đích đào tạo tu sĩ được theo đuổi cho đến khi phong trào Kháng cách nổi lên vào thế kỷ 16 thì truyền thống giáo dục ở Oxford mới đổi hướng.

Các môn học nguyên thủy là bảy môn nhân văn. Phải mất bảy năm mới học xong bảy môn nhân văn. Sau đó mất ba năm nữa học ba môn triết: luân lý, trừu tưởng và thiên nhiên học; và 2 môn ngôn ngữ: Hipri và Hy Lạp. Học xong ba năm này thì được cử nhân. Sau đó học giả có thể chọn ngành học chuyên môn. Có thể học Luật hay Y học, nhưng trổi hơn hết là học Thần học. Tính cả thảy phải hết 13 năm mới học xong tất cả. Ðó là lối giáo dục thời Trung Cổ tại Oxford, cũng như tại Âu châu. Cho nên sinh viên ở thời Trung Cổ hầu hết vẫn là các tu sĩ và một số khác là thuộc con nhà vua chúa giàu có và uy quyền.

Sự hình thành của Oxford không phải không có trở ngại trong thời gian đầu. Sinh viên sớm sinh sự với các người dân làng qua các vụ cãi lộn đánh nhau. Sự bất hoà này bùng nổ thành một bi thảm vào ngày lễ mừng Thánh Scholastica mồng 10 tháng Hai năm 1354. Trận đánh đã gây ra cái chết bi thảm của 62 sinh viên và số còn lại bị đuổi ra khỏi thành phố. Một ngày lễ đã trở thành một ngày đổ máu trong lịch sử Viện Đại học Oxford.

Khi Oxford vừa thành lập những sinh viên đến học họ thường cư trú tại các nhà trọ hay với dân làng, hoặc một nhóm mướn nhà ở chung. Tuy họ cư trú rãi rác khắp thành phố nhưng họ đều là thành viên của Viện Đại học Oxford. Lúc này chưa có các trường đại học nội trú.

Hệ thống các trường đại học nội trú Oxford có thể nói là do sự xuất hiện của các tu sĩ dòng Ðaminh. Cũng trong thế kỷ 13 dòng Ðaminh chuyên môn về giáo dục đã đặt chân đến đất Oxford để trao dồi khiến thức qua học hành và huấn giáo. Họ cho các sinh viên cư trú chung, nhưng sau một thời gian sự cư trú chung không thể tồn tại được bởi hai lối sống quá khác biệt. Cho nên các trường nội trú đời được thành lập riêng, giống như bên trường Pari. Ðó là sự hình thành các trường đại học nội trú. Ðiều này cũng nói lên Oxford càng ngày càng phát triển.

Bên cạnh sự bành trướng của các trường đại học Oxford chung quanh cái thành phố nho nhỏ nằm cạnh sông Thames, đại học Oxford ngay từ ban đầu đã cống hiến cho cho xã hội Anh Quốc biết nhiêu nhân tài như Parley, John Lock...

Oxford không chỉ nổi tiếng về văn hoá lỗi lạc mà còn mang nặng tính chất sâu đậm về tôn giáo. Chính nơi đây vào thời Cải Cách, ba giáo sĩ lừng danh Anh giáo là tổng giám mục Cranmer và hai giám muc Latimer và Ridley đã bị thiêu sống trên cọc tại Oxford dưới bàn tay nữ hoàng Mary thứ Nhất. Câu chuyện này vẫn truyền kể lại cho du khách ngày qua ngày cho tới hôm nay.

Oxford còn là nơi nảy sinh ra đạo Giám lý (Methodist), người sáng lập là hai anh em John và Charles Wesley.

Cũng chính nơi đây đã tảo ra phong trào gọi là Phong Trào Oxford. Phong trào Oxford là một phong trào ở thế kỷ 19 của một nhóm người Anh Giáo tại Oxford muốn phục hồi lại những giáo lý truyền thống Công giáo trong giáo hội Anh giáo.

Phong trào gồm ông John Keble, John Henry Newman và Edward Pusey. Họ hoạt động bằng cách truyền đơn. Phong trào nhấn mạnh về đặc tính của bí tích và tông đồ giáo hội, về linh mục, về thăng tiến phụng vụ của truyền thống Công giáo, phục vụ người bần cùng và khuyến kích thành lập càc dòng tu nam nữ Anh giáo - mở đường cho các dòng tu Anh giáo ra đời trên toàn lãnh thổ.

Phong trào sinh hoạt khoảng 10 năm và giải tán khi Newman đã quyết định rời Anh giáo và gia nhập đạo Công giáo năm 1845. Ngoài ra còn có nhiều nhóm tôn giáo khác cũng đã và đang hoạt động tại đây. Tóm lại, văn hóa tại đây bay bướm bao nhiêu thì tôn giáo cũng thăng tiến con người sống đạo bấy nhiêu.

Hiện nay đại học Oxford có cả thảy 45 trường độc lập. Có trường lớn như Trinity College, Christ Church, Merton College và có trường nhỏ thì gọi là Hall chẳng hạn như St Edmund’s Hall....

Trong các trường đời này vẫn còn các trường của các nhà tu như trường của các tu sĩ Biển Ðức: St Benet’s Hall, trường của các tu sĩ Ðaminh: Blackfriars Hall, trường của các tu sĩ Phaxico: Greyfriar, trường của các tu sĩ dòng Tên: Campion Hall.

Các sinh viên cư trú riêng tại mỗi trường của họ và học riêng nhưng có một vài đều họ làm chung. Tất cả sinh viên chưa tốt nghiệp đều đi thi tại Trường Thi (Examination Schools) và nhận bằng tốt nghiệp tại nhà hát Sheldonian.

Năm học tại đây có ba kỳ mỗi kỳ học chỉ có 8 tuần không hơn không kém. Kỳ một gọi là kỳ Michaelmas; kỳ hai gọi là Hilary; kỳ ba gọi là Trinity. Ngoài kỳ học chính thức ra các sinh viên vẫn có thể ở lại Oxford để tự học.

Các thuyết trình tại Oxford còn có lợi ích cho sinh viên rất đáng kể. Tất cả các bài thuyết trình được thông báo cho tất cả các sinh viên, do đó sinh viên nào cần cù ham học sẽ tiếp thu được nhiều môn trong mọi lĩnh vực.

Ðại học Oxford còn có thư viện nổi tiếng Bodleian. Ðây là một trong số ít các thư viện lưu chiểu của Vương quốc Anh, nhận được tất cả các sách xuất bản tại nước này.

Không giống như thư viện Cambridge, thư viện Bodleian trung tâm không cho mượn sách. Sách chỉ được đọc tại thư viện thành viên chẳng hạn như tại Radcliffe Camera, bởi thế không có tình trạng không thấy sách mình muốn, dĩ nhiên là các sách xuất bản tại Anh. Tuy vậy ngoài thư viện chính Bodleian này ra Oxford còn có các thư viện nhỏ tại từng khoa hoặc phân viện, tại các thư viện nhỏ này sách có thể mượn về.

Sinh viên Oxford đến từ năm châu. Các sinh viên có bằng tốt nghiệp rồi muốn học thêm một bằng nữa thì dễ xin vào hơn bởi vì họ thích những sinh viên có ngòi bút cứng rắn và bay bướm.

Cuộc sống tại đây nhộn nhịp và lý thú. Ngoài học hành ra các sinh viên có thể tham gia các nhóm sinh hoạt khác nhau như thể thao đủ loại, hay tham gia các nhóm tôn giáo hoạt động tông đồ hay thăng tiến tôn giáo mình qua các cuộc đàm luận.

Ðường phố Oxford luôn luôn tấp nập những khuôn mặt đầy sức sống của thanh niên nam nữ. Thêm vào đó những toà nhà cổ có nhiều chóp nhọn làm cho cả thành phố khác hẳn. Bởi thế Oxford có biệt danh là thành phố mơ mộng. Vào những ngày Chúa nhật cả thành phố oanh ỏi với những tiếng chuông chiều ngân vang đây đó khiến cho bầu không khí Oxford vui nhộn, tưởng nhớ lại một thời xa xưa khi mọi người già trẻ đã lần theo tiếng chuông tiến tới thánh đường để quỳ gối cảm tạ ngày hồng ân của Chúa. Những tiếng chuông chiều quen thuộc này tuy không còn có sức thu hút bao nhiêu nhưng cũng nói lên rằng Oxford là một thành phố Thiên Chúa Giáo.

Hiện nay Oxford vẫn là nơi đào tạo các tu sĩ nam nữ và linh mục. Các sinh viên tại đây thường các giám mục Anh giáo nhắc nhở rằng: học hành không chỉ để giúp tìm nghề nghiệp nhưng qua học hành chúng ta thấy được ý nghĩa và chân giá trị của cuộc sống con người. 

Cấu trúc tổ chức

Đại học Oxford là dạng đại học gồm nhiều trường hợp lại, có thể xem như là một liên hiệp gồm 39 trường đại học "con" (college) và 7 "trường tư" (hall), các trường này đều tự quản, nhưng có một bộ phận quản lí chung đứng đầu bởi Phó Giám đốc.

Các khoa chuyên ngành cũng nằm tập trung trong cơ quan này mà không lệ thuộc vào bất kì một trường nào cả. Các bộ môn tổ chức nghiên cứu, hỗ trợ giảng dạy, tổ chức các buổi thuyết trình, hội thảo. Chương trình học và giáo án chung cũng do bộ môn tự biên soạn. Các trường con sẽ dựa vào đó mà tổ chức dạy cho sinh viên. Các thành viên của một bộ môn làm việc ở các trường khác nhau. Tuy rằng một số trường có môn thế mạnh của mình, nhưng nhìn chung các trường có rất nhiều ngành học chuyên môn.

Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học chẳng hạn thư viện có ở nhiều cấp: có thư viện trung tâm (Bodleian), thư viện khoa (ví dụ thư viện khoa Anh ngữ, khoa Sinh học...), thư viện trường, các thư viện này đều là thư viện tổng hợp.

Cấp quản lí trung ương

Đứng đầu trường là hiệu trưởng, nhưng cũng như các trường đại học Anh quốc khác, chức vụ hiệu trưởng chỉ là chức vụ danh nghĩa, hiệu trưởng được bầu bởi hội đồng trường đại học, là tổ chức gồm tất cả các thành viên đã tốt nghiệp của trường, và giữ chức vụ cả đời. Hiệu trưởng không trực tiếp quản lí công việc của trường.

Người đứng đầu thực sự là phó hiệu trưởng, dưới phó hiệu trưởng là 5 phó khác phụ trách các mảng công việc riêng như: giáo vụ, nghiên cứu, kế hoạch và cơ sở vật chất, phát triển và đối ngoại, nhân sự.

Hội đồng trường đại học là cơ quan bao gồm phó hiệu trưởng, các trưởng khoa và các thành viên khác được bầu bởi đại hội đồng trường, và có quan sát viên của hội sinh viên.

Đại hội đồng trường bao gồm 3700 thành viên của trường gồm cả thành phần học thuật và thành phần quản lí, hành chính.

Đại hội đồng có quyền hạn thảo luận và thông báo các quy định, chính sách được hội đồng đề xuất. Trường Oxford cũng như Cambridge là những trường duy nhất có cách thức quản lí dân chủ độc đáo này.

Hai tổng giám thị được bầu luân phiên hàng năm từ hai trong số các trường thành viên chịu trách nhiệm quản lí các ngành ở cấp đại học. Tất cả các giáo sư của trường được gọi là các giáo sư biên chế của trường đại học Oxford. Những người này rất có ảnh hưởng đối với chương trình sau đại học.

Các khoa, bộ môn, viện nghiên cứu được tổ chức thành 4 phân ban, có người đứng đầu riêng và có bộ máy riêng được tạo ra bằng bầu cử. Đó là phân ban nhân văn, phân ban khoa học xã hội, phân ban toán lí và khoa học về sự sống, phân ban y khoa.

Trường thành viên

Các trường thành viên của đại học Oxford đều có cấu trúc và hoạt động riêng. Tất cả các học viên và phần lớn các giáo sư đều trực thuộc một trường nào đấy. Người đứng đầu một trường này có nhiều tên gọi khác nhau tùy vào mỗi trường như warden, provost, principal, president, rector, master, dean.

Các trường này tổ chức Hội nghị các trường để thảo luận công việc và giải quyết các vấn đề quản lí chung.

Các trường này ngoài việc tạo điều kiện ăn ở cho sinh viên còn tổ chức các hoạt động văn hóa xã hội, nghỉ ngơi giải trí cho các học viên. Các trường cũng tự nhận sinh viên hệ đại học và tổ chức dạy học. Hệ sau đại học thì thuộc về trách nhiệm của bộ môn.

Giảng dạy và bằng cấp

Việc dạy học của hệ đại học chủ yếu là học theo kiểu phụ đạo, trong đó mỗi giáo sư phụ trách từ 1 đến 4 học viên làm việc hàng tuần khoảng 1 giờ tùy thuộc vào ngành học mà nội dung buổi học là về một bài luận hoặc bài tập.

Mỗi tuần sinh viên thường có khoảng 2 buổi học kiểu này, các giáo sư có thể thay đổi tùy theo yêu cầu của môn học hoặc lĩnh vực chuyên môn, có thể đến từ các trường khác trong đại học Oxford. Ngoài ra sinh viên còn học bổ sung bằng các buổi nghe giảng, lên lớp, hội thảo được tổ chức theo chuẩn của bộ môn.

Các học viên sau đại học thì thường được hướng dẫn thông qua các buổi lên lớp và các hội thảo, nhưng tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu cá nhân.

Trường đại học chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc thi và cấp bằng. Để đạt văn bằng cấp độ 1 học viên phải vượt qua 2 kì thi. Kì thi thứ nhất gọi là kì thi sơ khảo thường tổ chức vào cuối năm học thứ nhất hoặc sau 2 học kì đối với học viên ngành luật, 5 học kì đối với các ngành nhân văn cổ điển. Kì thi thứ hai tổ chức vào cuối khóa học.

Các thí sinh sẽ nhận bằng danh dự hạng nhất, hạng hai hoặc hạng ba tùy theo kết quả của kì thi này. Trường cũng cấp văn bằng thạc sĩ và tiến sĩ ở tất cả các môn nào có giảng dạy ở bậc đại học.

Năm học

Mỗi năm học được chia ra 3 học kì căn cứ theo nội quy trường: học kì Michaelmas từ tháng 10 đến tháng 12, học kì Hilary từ tháng 1 đến tháng 3, học kì Trinity từ tháng 4 đến tháng 6.

Trong các học kì đó, hội đồng trường sẽ quyết định mỗi năm sẽ có 8 tuần gọi là Full Terms, là thời gian dạy cho cấp đại học, thời gian 8 tuần là ngắn hơn nhiều so với các trường đại học Anh quốc khác, do vậy học viên buộc phải học rất nhiều trong các kì nghỉ (Giáng sinh, Easter và kì nghỉ dài).

Thời gian trong học kì được xác định dựa vào thời điểm bắt đầu học kì, tức là tuần bắt đầu của Full Terms gọi là tuần thứ nhất, tuần kết thúc là tuần thứ tám.

Theo Wikipedia