Vụ tiến sĩ văng tục trên bục giảng:

PGS.NGND Nguyễn Văn Long: Không được văng tục trên bục giảng

13/03/2012 16:10
Giàng A Cối
(GDVN) - “Ở trên bục giảng, kể cả những buổi trao đổi, thuyết trình thì không thể sử dụng những tiếng đệm kiểu văng tục, chửi thề như thế”- PGS Nguyễn Văn Long.
Xung quanh video Tiến sĩ Lê Thẩm Dương dùng những lời lẽ tục tĩu trên bục giảng gây bức xúc và tạo ra nhiều luồng thông tin ảnh hưởng đến tâm lí của nhiều giáo viên và học sinh, sinh viên được đăng tải trên báo GDVN. Ngày 13/3/2012, Báo GDVN có buổi trao đổi với PGS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Long, nguyên Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội về vấn đề này.
Những lời lẽ Tiến sĩ Lê Thẩm Dương dùng khi đứng trên bục giảng gây nhiều bức xúc cho giảng viên, sinh viên của một số trường đại học.
Những lời lẽ Tiến sĩ Lê Thẩm Dương dùng khi đứng trên bục giảng gây nhiều bức xúc cho giảng viên, sinh viên của một số trường đại học.

PGS đã xem đoạn video về TS Lê Thẩm Dương trên Báo GDVN, PGS nghĩ gì về đoạn video này?

Tôi không được nghe hết toàn bộ buổi giảng và cũng không am hiểu chuyên môn về quản trị, nhưng qua xem video thì thấy có những đoạn người giảng lan man, bị sa đà, có những đoạn ngôn ngữ có tính chất bỗ bã, suồng sã hơi nhiều tạo thành giọng chủ đạo, dẫn đến gây sự thiếu tôn trọng với người nghe.
Thứ nữa là đôi khi tác giả hơi quá mức, không kiềm chế và có những tiếng đệm theo lối chửi thề (mẹ!) hay những ví dụ khiếm nhã (nếu tôi nhổ nước bọt vào mặt em...), thêm nữa có chỗ so sánh một cách thô thiển với những chuyện tế nhị trong quan hệ nam nữ, để kích thích sự chú ý và gây cười cho người nghe.
PGS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Long: "Trong trường hợp này, người giảng nên lấy những ví dụ thực tiễn liên quan đến quản trị, liên quan đến doanh nghiệp, đúng sai, thành bại trong các hoạt động kinh doanh thì sẽ gần gũi và có ích hơn với bản thân người học và bài giảng".
PGS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Long: "Trong trường hợp này, người giảng nên lấy những ví dụ thực tiễn liên quan đến quản trị, liên quan đến doanh nghiệp, đúng sai, thành bại trong các hoạt động kinh doanh thì sẽ gần gũi và có ích hơn với bản thân người học và bài giảng".
Trong câu chuyện bàn trà, thậm chí với những người trí thức đôi khi có thể nói tục, nhưng nói tục phải đúng chỗ, thích đáng, đúng với đối tượng, đúng với sự việc, đúng với không khí và ngữ cảnh chứ không phải văng tục bất kỳ chỗ nào cũng được. Còn ở trên bục giảng, kể cả những buổi trao đổi, thuyết trình thì không thể sử dụng những tiếng đệm kiểu văng tục, chửi thề như thế. 
Việc một số giảng viên thích đem những ví dụ từ đời sống hàng ngày để so sánh với vấn đề đang nói đến, thì ở mức độ nào đấy thì việc đó có tác dụng làm cho người nghe dễ hiểu vấn đề khoa học, có khi làm cho không khí bài giảng đỡ khô khan, tuy nhiên những so sánh đó phải rất chọn lọc và nó phải thích hợp. Tất nhiên là so sánh nào cũng có sự khập khiễng khó tránh nên càng không nên lạm dụng, đặc biệt là các vấn đề có tính chất tế nhị như trong quan hệ nam nữ càng cần phải rất thận trọng.
Trong trường hợp này, người giảng nên lấy những ví dụ thực tiễn liên quan đến quản trị, liên quan đến doanh nghiệp, đúng sai, thành bại trong các hoạt động kinh doanh thì sẽ gần gũi và có ích hơn với bản thân người học và bài giảng.


Theo PGS thì trong buổi giảng có cần tạo ra tiếng cười?

Tạo được tiếng cười cho người nghe trong một giờ giảng, một buổi thuyết trình là cả một nghệ thuật không dễ dàng, nhưng không phải lúc nào và ở nội dung nào cũng cần phải tạo ra tiếng cười. Một số giảng viên thích gây sự chú ý của học viên bằng cách đưa những ví dụ so sánh từ đời sống riêng tư, thường ngày, kể cả những chuyện thầm kín tế nhị trong quan hệ nam nữ, để tạo sự hấp dẫn cho người nghe và gây tiếng cười ở họ, nhiều khi nó biến thành những tiểu phẩm hài. Những trường hợp ấy thường gây được tiếng cười ở người nghe. Tuy nhiên, nhiều người cười vì do một phản ứng tâm lý tự nhiên, chứ chưa chắc đã hoàn toàn là sự hưởng ứng. Nếu như lạm dụng quá thì đôi khi nó làm mất đi tính nghiêm túc của bài giảng, thời gian eo hẹp, quý giá trên bục giảng hoặc những buổi thuyết trình khoa học. 
Có thể những học viên trẻ, họ nghe bài giảng trong cả buổi thấy khô khan thì họ cũng thích thay đổi và thêm mắm thêm muối cho vui vẻ và thay đổi không khí. Nhưng với những giảng viên có trình độ cao biết dừng đúng lúc thì không sao cả, còn không nó phản ánh sự nghèo nàn về nội dung bài giảng hoặc trình độ khoa học chưa cao.

Trong những trường hợp giảng viên quá sa đà vào những nội dung không liên quan và dùng ngôn ngữ có phần tục tĩu thì học viên cần phải làm những gì?

Trong những trường hợp giảng viên dùng những từ ngữ thô thiển, tục tĩu, làm ảnh hưởng đến không khí, tính chất, thời gian cũng như mục đích của lớp học thì học viên có thể bày tỏ một cách lịch sự bằng cách có thể góp ý với giảng viên ở giờ nghỉ để giảng viên đi đúng trọng tâm của nội dung bài giảng.
Tôi còn biết trong một số trường hợp thì một số học viên họ bỏ ra ngoài vì họ cảm thấy như vậy là không tôn trọng họ, và như vậy là dông dài, mất thời gian. 

Theo PGS, người giảng viên phải làm gì khi đứng trên bục giảng?

Thứ nhất, người giảng phải tôn trọng người học, họ đến để nghe và trao đổi chứ không phải đến để người trên bục giảng muốn nói thế nào thì nói, có quyền nói những gì mình thích một cách tùy tiện được. 
Thứ hai, để được người nghe tôn trọng, chưa nói đến được kính trọng thì người giảng phải có trình độ khoa học chuyên môn vững vàng, nội dung bài giảng hay thuyết trình phải có cái mới, đáp ứng được yêu cầu của người học và kích thích sự tiếp tục suy nghĩ, tìm hiểu của họ.  
Thứ ba, phải có cách trình bày vấn đề sao cho mạch lạc, hấp dẫn, lối cuốn, tạo được sự chú ý của người nghe, tức là phải có nghệ thuật thuyết giảng, mà điều này phải do tích lũy kinh nghiệm giảng dạy mà có, đồng thời cũng cần đến một chút năng khiếu. Có thể cười nhưng cần cười trí tuệ. Bài giảng cần gắn với thực tiễn, những ví dụ thực tế trong đời sống cũng nên đưa vào, tuy nhiên cần có chọn lọc để tránh thô thiển. 
Thứ tư, người giảng cần kích thích tư duy, khơi gợi tư duy, và phản biện của người nghe. Cần tạo nên sự giao tiếp giữa giảng viên và học viên nhưng phải tôn trọng. Bởi cần tôn trọng người nghe thì người nghe mới tôn trọng mình.

Ngôn ngữ thuyết giảng là ngôn ngữ nói, không nhất thiết phải chặt chẽ như ngôn ngữ viết, có thể chấp nhận khẩu ngữ, những lời đưa đẩy, nhưng vẫn phải là ngôn ngữ văn hóa để gây không khí tự nhiên, thân mật, tuy nhiên không thể dùng cách nói quá suồng sã. Những từ có tính chất tục tĩu hay văng tục chửi thề cần nên tránh. Cách xưng hô cần thể hiện sự tôn trọng người nghe. Nên dùng những từ cho phù hợp như: các anh, các chị, các bạn,… tùy thuộc vào đối tượng và hoàn cảnh cụ thể.

Giàng A Cối