PGS Trần Xuân Nhĩ: "Gian lận thi cử do đạo đức người thầy xuống cấp"

09/06/2012 06:41
Bích Thảo (Thực hiện)
(GDVN) - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm về gian lận trong thi cử "Gốc rễ của vấn đề gian lận là đạo đức của người thầy giáo. Những con người không đủ tư cách, làm việc thiếu trách nhiệm và không đạt được yêu cầu của một người thầy".
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy quá buồn trước hiện tượng tiêu cực trong kì thi tốt nghiệp THPT vừa bị phanh phui ở Đồi Ngô, Bắc Giang. Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông về vấn đề này.


PGS.TS Trần Xuân Nhĩ
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

Thật đáng buồn...

Ông từng là một người đã giữ chức vụ cao trong Bộ Giáo dục, ông thấy thế nào khi xem những clip gian lận thi cử ở Hội đồng thi Đồi Ngô – Bắc Giang?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tôi đã xem những clip gian lận thi cử tại Bắc Giang và thấy thực sự đáng buồn.

Ông có thể chia sẻ một vài nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tiêu cực, gian lận trong thi cử như hiện nay?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Gốc rễ của vấn đề gian lận hiện nay là đạo đức của người thầy giáo. Những con người không đủ tư cách, làm việc thiếu trách nhiệm và không đạt được yêu cầu của một người thầy. Những người thầy được giao nhiệm vụ trông coi thi nhưng lại không làm đúng trách nhiệm của mình. Nếu thầy được giao nhiệm vụ mà làm việc nghiêm túc, theo đúng quy chế thi cử trong phòng thi thì làm sao mà thí sinh có thể gian lận được. Có lẽ ở  đây còn có một động cơ nào đó như việc thành tích giữa các trường khác.

Nguyên nhân thứ hai, một phần cũng là do nhiều học sinh thiếu đạo đức, thiếu ý thức, học giả nhưng muốn bằng thật. Hiện nay không thiếu gì học sinh chỉ thích chơi bời, nhưng khi thi cử lại muốn mình được điểm cao, được lên lớp. Và tất nhiên là khi không chịu bỏ công sức mà lại mong có kết quả tốt thì ắt sẽ xảy ra tiêu cực, gian lận.

Ngoài ra việc thi cử của chúng ta quá bị xem nặng thành ra lại đổ áp lực lên các nhà trường cũng như cho các em học sinh. Một kì thi nặng nề về điểm số và thành tích chỉ tạo điều kiện cho gian lận, tiêu cực sinh sôi mà thôi.

Với những hạn chế trong thi cử như vậy, theo ông cần phải thay đổi việc thi cử như thế nào?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Quan điểm của tôi khi đánh giá học sinh thì cần phải ghi nhận cả một quá trình của học sinh đó. Đồng thời việc thi cử cuối khóa cần thực hiện một cách nghiêm khắc, cẩn thận hơn nữa.
Và trước hết muốn học sinh thi đỗ thì người thầy cần phải ra sức tận tâm dạy cho học sinh hơn nữa.

NGÀY ĐẦU THI TỐT NGHIỆP THÍ SINH CHUẨN BỊ PHAO THI - SỐC VỚI HÌNH ẢNH GIAN LẬN MÔN THI ĐỊA Ở BẮC GIANG

Cần xử lí nghiêm người gian lận

Thưa ông, đề thi văn năm nay nói về dối trá, nhưng hiện tượng tiêu cực lại được phanh phui nhiều như vậy, khiến không ít phụ huynh nghi ngờ tính trung thực của nền giáo dục Việt Nam. Xin ông đưa ra quan điểm về nghi vấn trên ?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tôi nghĩ rằng Bộ Giáo dục đang thực sự mong muốn nền giáo dục không dối trá, đưa đề tài để học sinh tự răn mình thấy việc dối trá là không đúng, nhất là trong thi cử. Mục đích của đề thi là rất trong sáng. Tuy nhiên cũng còn nhiều người chưa thực sự coi trọng tính trung thực. Việc tiêu cực không phải là vấn đề gì mới mẻ mà nó đã có từ rất lâu trong bất cứ ngành nghề nào.

Hình ảnh tiêu cực tại Đồi Ngô
Hình ảnh tiêu cực tại Đồi Ngô

Thưa ông, có phải do việc dạy của giáo viên không đủ kiến thức, hay việc học sinh học không đủ kiến thức dẫn đến việc học sinh phải chống thi trượt cũng như việc gian lận trong thi cử?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Đó là tổ hợp của nhiều yếu tố: 

Do việc thầy cô giáo dạy học sinh không đầy đủ, dẫn đến việc học sinh thiếu tự tin.

Do phương pháp giảng dạy chưa thực sự thu hút học sinh tham gia học làm cho kết quả học tập của học sinh không được tốt.

Một phần nữa là do chương trình quá nhồi nhét kiến thức, quá dàn trải.

Học sinh thiếu sự cố gắng, thiếu sáng tạo, không chủ động trong học tập chính vì vậy mà thành ra học vẹt, học tủ. Tất cả đã dẫn đến việc thi cử thiếu minh bạch như hiện nay.
Hiện nay, nhiều người đang rất lo lắng cho em học sinh quay Clip này sẽ bị đánh trượt trong kì thi tốt nghiệp. Ông nghĩ sao về việc xử lí với em học sinh này?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Trước hết ta phải xem động cơ của em là gì? Em quay là để làm gì, mục đích gì? Em đã mang máy quay vào phòng là cũng đã vi phạm quy chế thi.

Nhưng việc đem máy quay vào phòng thi lại không ảnh hưởng gì đến việc thi cử cả, em quay trong im lặng như vậy là không ảnh hưởng gì đến kết quả thi của các em. Do vậy cần phải xem xét giải quyết cho em có được sự công bằng nhất trong kì thi tốt nghiệp này.

Nếu như không có em ấy dũng cảm đứng lên quay và tố cáo thì làm sao chúng ta biết được sự thật của nạn thi cử này? Nếu như xử phạt em ấy thì làm sao mà có ai dám đứng lên mà tố cáo tiêu cực nữa đây?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Nếu không quay clip để có chứng cớ thì khi đi tố cáo bằng miệng thì làm sao có người tin được. Ngay cả một người giết người theo đúng luật là sẽ bị tử  hình, nhưng nếu hành vi giết người lại cứu được nhiều người khác thì chẳng phải là có công quá sao. Và pháp luật khi ấy sẽ vẫn bảo vệ, vẫn khoan hồng cho các những người đó. Do vậy cần phải xem xét đủ các trường hợp cũng như bản chất của vấn đề để có cách xử lí một cách hợp tình hợp lí.

Theo tôi cần phải xử lí một cách nghiêm khắc những người trong clip, những người gian lận trong thi cử, những người thầy, người học trò tiêu cực.

Cám ơn ông đã chia sẻ!

ĐÁP ÁN 6 MÔN THI TỐT NGHIỆP THPT 2012 - NGÀY ĐẦU THI TỐT NGHIỆP THÍ SINH CHUẨN BỊ PHAO THI - SỐC VỚI HÌNH ẢNH GIAN LẬN MÔN THI ĐỊA Ở BẮC GIANG




Năm 2006: Thầy giáo Lê Đình Hoàng – giáo viên Địa lý trường THPT bán công Thanh Chương (Nghệ An)
Năm 2006: Thầy giáo Lê Đình Hoàng – giáo viên Địa lý trường THPT bán công Thanh Chương (Nghệ An)
Năm 2006: Thầy giáo Lê Đình Hoàng – giáo viên Địa lý trường THPT bán công Thanh Chương (Nghệ An)

Bích Thảo (Thực hiện)