PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Chưa từng gặp chuyện văng tục như thế!

14/03/2012 11:00
Bích Thảo (thực hiện)
(GDVN) -“Lời nói của thầy rất có giá trị đối với học trò. Nếu thầy giáo mà nói những lời không đúng mực thi làm sao mà dạy ai được.” PGS.TS Nguyễn Lê Ninh Hiệu Trưởng trường ĐH Quốc Tế Bắc Hà chia sẻ.
Bằng TS không xứng với chức danh thầy giáo

Thầy sẽ làm gì nếu như giáo viên của trường thầy có những biểu hiện, lời nói thiếu văn hóa.?

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Nếu có thày giáo có biểu hiện thiếu đạo đức như thế thì trước tiên chúng tôi sẽ xem xét có phải thực hay không. Nếu đúng là có hiện tượng đó thì chúng tôi sẽ có ý kiến, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà xử lý. Nếu giáo viên nào còn tái diễn thì chúng tôi sẽ buộc lòng phải thi hành kỷ luật đối với người vi phạm.
TS văng tục trên giảng đường
TS văng tục trên giảng đường



Theo thầy tấm bằng TS và chức danh thầy giáo có còn xứng đáng với người thầy này hay không?

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Học vị và nghiệp vụ sư phạm có thể không gắn liền hữu cơ với nhau. Khi người có trình độ học vị cao nhưng chưa chắc đã có thể làm công tác giảng dạy tốt được vì thiếu trình độ sư phạm cần thiết, đặc biệt đạo đức nghề nghiệp.

Có những thầy học vị thấp hơn, nhưng có đạo đức tư cách thì sẽ không để cho những chuyện như thế xảy ra. Còn những người có thể học vị cao  nhưng không biết đạo làm thầy, không có lương tâm nghề nghiệp thì dễ để những chuyện như thế xẩy ra và sẽ không xứng đáng được đứng trên bục giảng. 

Thầy nghĩ sao khi đồng nghiệp của thầy có hiện tượng như vậy?

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Tôi nguyên là hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng rồi sang làm Hiệu trưởng  trường ĐH Quốc Tế Bắc Hà, nhiều năm làm công tác quản lý nhưng cũng chưa hề gặp những chuyện như thế.
PGS. TS Nguyễn Lê Ninh Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc Tế Bắc Hà
PGS. TS Nguyễn Lê Ninh Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc Tế Bắc Hà

Thầy đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng của những lời nói thô tục đến thế hệ trẻ?
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Tôi nghĩ rằng, thầy giáo giảng dạy cho rất nhiều học sinh, sinh viên và rất nhiều thế hệ trẻ trong cuộc đời của mình. Nên lời nói của thầy, đạo đức, tư cách của thầy sẽ có ảnh hưởng không chỉ đến một người mà còn rất nhiều người. Thầy giáo là tấm gương có các em học sinh và sinh viên noi theo.

Ngoài ra chúng ta đang kêu gọi không dùng những lời nói thiếu văn hóa trong xã hội, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Người thầy lại càng không được phép làm ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam.

Lỗi có thể thuộc về  quản lý giáo dục và tuyển chọn giảng viên

Theo thầy khi ông thầy phát ngôn không đúng đạo đức ngay trên bục giảng thì lỗi thuộc về ai?

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Tôi nghĩ lỗi có thể thuộc về quản lý giáo dục, đặc biệt là khâu tuyển chọn giảng viên của trường. Tuyển chọn giảng viên phải căn cứ vào nhiều tiêu chuẩn chứ không phải chỉ chú trọng đến trình độ chuyên môn.

Trong đó cần chú trọng đến trình độ sư phạm, đạo đức tác phong, tư cách... đến cả cách diễn đạt của người thầy nữa. Muốn lên lớp còn cần có thời gian để bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ sư phạm, kiểm tra đạo đức... Nghĩa là tập làm thầy. Không phải ai có học vị tiến sỹ hoặc nói chung là trình độ chuyên môn cao là có thể làm thầy, đứng lớp ngay được. 

Trước đây tôi từng thấy, các thầy giáo trong hoàn cảnh khó khăn vẫn phát huy được phẩm chất của mình. Mặc dù có thể là trong cuộc sống chúng ta còn thiếu thốn về vật chất, đồng lương hạn hẹp, nhưng vẫn cống hiến hết mình cho giáo dục. Người thầy không thể nói tùy tiện, đặc biệt là những lời thiếu văn hóa trước mặt các em học sinh được.

Trong bối cảnh hiện nay, đạo đức  trong xã hội đang có nguy cơ bị xuống cấp, vai trò giáo dục đạo đức trong nhà trường lại càng quan trọng. Vì mọi người, mọi thế hệ đều phải đi học qua nhà trường vì vậy đạo đức của thầy cô chính là điều quan trọng nhất hình thành lên nhân cách cho các em. Nếu như thầy cô không tốt thì sao có thể hi vọng vào một thế hệ tốt đẹp được. 
TS Lê Thẩm Dương
TS Lê Thẩm Dương

Thầy đánh giá thế nào về trình độ chuyên môn, đạo đức của người thầy hiện nay như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Tôi nghĩ rằng trình độ chuyên môn của các thầy hiện nay nhìn chung sâu và rộng hơn rất nhiều so với các thế hệ trước. Các trường sư phạm nên chú ý rèn luyện các thầy giáo tương lai cái tâm..

Nhiệm vụ của thầy giáo là giáo dục con người, nhân cách cho học sinh và kiến thức cho học sinh. Chính thầy giáo cũng phải tự rèn luyện hơn nữa đạo đức nghề nghiệp cho chính mình.

Thầy có nghĩ nếu người thầy có những lời lẽ thiếu văn hóa thì sẽ bị học trò coi thường?

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Tất nhiên rồi. Ngay trong Clip chúng ta cũng thấy các em sinh viên cười phá lên. Tôi không đánh giá các em sinh viên. Theo tôi nghĩ, có thể các em thể hiện thái độ không tôn trọng thầy. Chính lời nói, hành động của thầy giáo có thể làm cho các em sinh viên coi thường thầy. 
Bích Thảo (thực hiện)