PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền: "Một số báo mạng bới móc quá đà"

10/06/2012 06:01
Bích Thảo (Thực hiện)
(GDVN) - "Báo Giáo dục Việt Nam là một trong số ít tờ báo mà tôi vẫn còn đọc nhiều. Vì dù thế nào thì báo vẫn còn tập trung khá nhiều vào mảng giáo dục" - PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền nhận xét về báo Giáo dục Việt Nam. 
Nhân sự kiện kỉ niệm 1 năm ngày thành lập, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện của PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền (Phó hiệu trưởng Trường Trung học Lê Hữu Trác, mẹ Giáo sư Ngô Bảo Châu) về nền báo chí Việt Nam nói chung và báo Giáo dục Việt Nam nói riêng.

Một số báo mạng bới móc quá đà

Thưa PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, bà có nhận xét như thế nào về nền báo chí Việt Nam trong những năm gần đây?

PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền: Lâu nay, tôi đã quen với việc xem báo mạng hơn là đọc báo giấy vì thấy nó cập nhập thông tin nhanh chóng. Thông tin đa dạng, nhiều chiều, nhiều vấn đề, vụ việc đã được phanh phui, và bị pháp luật trừng trị, nhiều số phận bất hạnh đã được lên tiếng bảo vệ.

Tuy nhiên gần đây tôi lại bắt đầu không thích báo mạng cũng bởi nó khai thác thông tin quá nhiều, quá sâu. Thông tin quảng cáo, những chuyện giật gân, câu khách, những chuyện đời tư của các cô hoa hậu, scandal của những người nổi tiếng đều được khai thác quá đà, thành ra báo chí cứ như là đang đi soi mói, bới móc.

Tôi không hiểu khi làm báo mạng thì người ta căn cứ vào lượt đọc để thu lợi nhuận kinh tế như thế nào, nhưng tôi thấy nhiều báo mạng câu khách quá. Tôi thấy rằng dường như thông tin trên một số báo mạng đang dần bị mất kiểm soát, thành ra thông tin đôi khi không còn được khách quan, trung thực nữa.  

PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền
PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền


Với những hạn chế của báo chí mà bà chỉ ra, bà có ý kiến như thế nào để nền báo chí ngày càng phát triển đúng hướng hơn?

PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi thiết nghĩ rằng báo chí cần phải giúp định hướng xã hội một cách đúng đắn nhất, cần phải cho xã hội thấy nhiều hơn những mặt phải, mặt tốt đẹp của xã hội. 

Mọi người mỗi người phải đối mặt với bao nhiêu chuyện phiền phức, chuyện buồn của bản thân, nay báo chí lại nhồi nhét quá nhiều thứ tiêu cực vào thì càng làm cho mọi người thêm chán nản và nhìn đời tiêu cực hơn. Do vậy tôi nghĩ rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa những mặt tốt của xã hội để mọi người thấy những điểm sáng mà còn hi vọng vào cuộc sống.

Báo GDVN là một trong những tờ tôi vẫn hay đọc
Trong hệ thống báo chí Việt Nam, bà đánh giá như thế nào về báo Giáo dục Việt Nam?
PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền: Báo Giáo dục Việt Nam là một trong số ít tờ báo mà tôi vẫn còn đọc nhiều. Vì dù thế nào thì báo Giáo dục Việt Nam vẫn còn tập trung khá nhiều vào mảng giáo dục.

Bên cạnh những thông tin xã hội mà báo đã làm tốt, thì còn có điểm khác biệt với những báo khác là mảng giáo dục nói đúng và trúng được phần nào đó về thực trạng nền giáo dục Việt Nam.

Lớp học Hi vọng rồi những chuyến từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo vùng cao mà báo làm tốt ngay từ đầu đã xây dựng được hình ảnh đẹp trong bạn đọc.

Tuy nhiên, tôi cũng xin có góp ý thêm, là báo của Hiệp hội các trường ĐH CĐ ngoài công lập, Báo Giáo dục Việt Nam cần phát huy nhiều hơn nữa, làm tốt hơn nữa vai trò cơ quan ngôn luận của Hiệp hội, góp phần giải quyết những bất cập với ngành giáo dục nói chung và của Hiệp hội nói riêng.

Theo bà, Báo Giáo dục Việt Nam cần làm gì để có thể phát triển tốt hơn, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu thông tin của độc giả?

PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi nghĩ rằng để xứng đáng với tên gọi báo Giáo dục Việt Nam, báo cần phải tập trung hơn vào mảng giáo dục, lấy được ý kiến chuyên gia để góp phần định hướng nền giáo dục.

Cần nhiều hơn nữa những nhà tham vấn giáo dục, tư vấn trao đổi về giáo dục để giúp ngành giáo dục phát triển hơn. Đồng thời cũng cần đẩy mạnh hơn nữa các tấm gương tốt trong giáo dục để xã hội vẫn còn nhận thấy nhiều điểm sáng hơn trong nền giáo dục để kì vọng nhiều hơn cho nền giáo dục Việt Nam.Cảm ơn PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền đã dành thời gian cho báo!

ĐÁP ÁN 6 MÔN THI TỐT NGHIỆP THPT 2012 - NGÀY ĐẦU THI TỐT NGHIỆP THÍ SINH CHUẨN BỊ PHAO THI - SỐC VỚI HÌNH ẢNH GIAN LẬN MÔN THI ĐỊA Ở BẮC GIANG






Bích Thảo (Thực hiện)