PGS Văn Như Cương: “Hấp dẫn đến nín thở, nhưng không có từ bậy nào”

16/03/2012 17:28
Ban biên tập
(GDVN) -PGS Văn Như Cương đã có nhiều chia sẻ về việc đổi mới phương pháp giảng dạy sau khi sự kiện bài giảng của TS Lê Thẩm Dương gây xôn xao dư luận.

Dưới đây là nội dung trả lời cuộc giao lưu trực tuyến với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam của PGS Cương.

PGS Văn Như Cương
PGS Văn Như Cương
1. Thưa Phó giáo sư, hiện tại dư luận đánh giá rất cao những quan điểm, góc nhìn khách quan thẳng thắn của giáo sư. Trong một phát biểu mới đây nhất Phó giáo sư có đề cập “Thầy cô trường tôi văng tục, tôi sẽ đuổi thẳng”… Nhưng nếu ở trường thầy có đến 10 thầy cô văng tục thì giáo sư nghĩ sao và giáo sư có sẵn sàng đuổi việc cả 10 thầy cô này không? Tiêu chí tuyển giáo viên của trường thầy là gì ạ? (Bích Thảo - Hà Nội)
Trường tôi là trường tư thục nên chúng tôi lựa chọn thầy giáo và cắt hợp đồng với thầy cô giáo là chuyện thường xuyên.
Nếu có 10 thầy cô vi phạm nguyên tắc của trường thì chúng tôi bắt buộc phải cắt hợp đồng. Đó là chuyện bình thường. Nhưng ở trường tôi thì ngay cả một người cũng không có chứ nói gì đến 10 thầy cô văng tục.
Ở trường tôi chưa bao giờ có trường hợp văng bậy nào cả. Có một kỉ niệm mà tôi muốn chia sẻ: Tôi có lần đi ngang qua giờ giảng toán. Chợt nghe thấy thầy giáo này nói “thằng này, con này”. Tôi đứng lại nghe thì ra là giờ giảng toán thầy lấy ví dụ mấy con số là “thằng và con”. Nếu đánh giá nghiêm khắc thì cũng không nên, nhưng ngôn từ không có gì thô tục lại đem đến cho học sinh sự hứng thú, sinh động. Thì tôi cũng nghĩ đó cũng là điều tốt.
Tôi nghĩ rằng các thầy cô đều muốn lấy những ví dụ sinh động cho bài giảng nhưng không được đi sâu, quá đà với những ngôn từ thiếu văn hóa. Chúng tôi tuyệt đối tránh những trường hợp nói năng thô tục trong trường học.
Tiêu chí tuyển giáo viên là tôi thường trực tiếp phỏng vấn, qua đó biết được chuyên môn , phương pháp giáo dục, tâm huyết với nghề của thầy cô đó.
Còn với thầy cô khác có danh tiếng, chuyên môn đạo đức, các học trò cũ của tôi ở trường Sư phạm có đạo đức và chuyên môn thì tôi chọn dễ dàng hơn.
Tôi thì đánh giá đạo đức ở số 1: Các thầy giáo dạy học sinh không phải chỉ kiến thức thuần túy mà còn phải biết giáo dục nhân cách cho học sinh. Nên trước hết người thầy phải có nhân cách, là tấm gương cho học sinh.
PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT DL Lương Thế Vinh, Hà Nội
2. Xin dành câu hỏi cho PGS Văn Như Cương. Tôi được biết, với môi trường sư phạm, rất ít thậm chí không bao giờ có những ngôn từ “vỉa hè” trên bục giảng. Theo ông, người thầy phải có tư cách như thế nào trước khi đứng giảng, sự việc của TS Dương có chấp nhận được không?
Tôi nghĩ tuyệt đối không được dùng những từ ngữ thô tục. Trước đây tôi học thầy Hoàng Tụy, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Thúc Hào…, các thầy giảng bài hấp dẫn đến mức chúng tôi phải nín thở mà nghe, nhưng không hề có một lời nói bậy nào cả. Ngoài ra, tôi cũng được nghe các nhà văn nhà thơ nói chuyện như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi… Họ cũng nói rất cuốn hút nhưng không có lời thô tục nào cả.
Tôi có mời Hoàng Cầm đến nói chuyện với học sinh trường tôi về bài Bên kia sông Đuống, ông nói rất hay, rất thuyết phục nhưng không hề có một lời văng tục, vỉa hè nào cả. Nên tôi đồng ý với bạn là không được dùng lời nói thiếu văn hóa, vỉa hè trong giảng đường.
Trường hợp Tiến sỹ Dương sau này đọc thêm thì tôi mới biết rằng đó không phải là học sinh mà là những nhà doanh nghiệp. Vì đối tượng người nghe khác lớn tuổi nên tôi cũng không biết đánh giá thế nào. Khi tôi nghe ví dụ: Xây cái hồ tròn tròn để vợ chồng đuổi nhau, thì tôi cũng thấy rất buồn và rất lạ, không thấy ăn nhập gì.
Tôi rất đồng ý với lời của GS Nguyễn Minh Thuyết là: Người thầy giáo thì dù ngoài vỉa hè cũng không được dùng những lời lẽ như thế.
3. Ông là hiệu trưởng của một trường cấp 3, khi cán bộ, giáo viên của mình vi phạm ông xử lí thế nào?
Như tôi đã nói ở trên nếu là giáo viên vi phạm những quy định nào đó của nhà trường, nhẹ thì góp ý, còn quá nặng thì chấm dứt hợp đồng.
4. Nguyễn Thành Trung là học viên cao học trường ĐHSP Hà Nội xin hỏi PGS Văn Như Cương: Để giảng bài cuốn hút học sinh, đặc biệt là học sinh phổ thông thì phải giảng như thế nào? nếu chỉ dùng kiến thức chuyên môn của mình mà giảng thì liệu có cuốn hút học sinh không? Còn nếu lấy những ví dụ cụ thể , minh họa thì đôi khi mất thời gian và làm lệch hướng suy nghĩ của học sinh.
Trước hết một bài giảng tốt là bài giảng không sai lầm về kiến thức, không gò ép học sinh mà phải phát huy tính độc lập tự chủ của học sinh, phải sinh động và hấp dẫn học sinh.
Truyền thụ kiến thức không phải chỉ nói y như trên sách vở mà phải có ví dụ sinh động, ngôn ngữ linh hoạt và trong sáng. Điều đó rất cần, không sợ mất thời gian. Nhưng phải có chừng mực hợp lý. Cái cuối cùng quan trọng nhất là đã đưa vào đầu học sinh được những cái gì.
Thầy khuyến khích giáo viên trường mình nâng cao, sinh động bài giảng như thế nào trong khi có nhiều giáo viên giảng bài rất cứng nhắc?
Trường chúng tôi học sinh có quyền góp ý với thấy giáo. Nên nếu thầy giảng bài quá khô khan, cứng nhắc thì học sinh phải ánh cho chúng tôi biết. Vì vậy các thầy giáo luôn luôn tìm biện pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng của mình.
Thông qua ý kiến của học sinh, tôi sẽ trực tiếp góp ý với thầy cô đó.
5. Thưa PGS Văn Như Cương, tôi lý giải hiện tượng học viên và nhiều người xem clip giảng của TS Dương và thích và cho rằng dạy học phải nên như thế giống như một bên đọc truyện võ hiệp với một bên đọc bí kíp võ công. Đọc truyện Kim Dung thấy học võ và trở thành cao thủ võ lâm không khó, vì Kim Dung đơn giản và hư cấu đến mức vô lý võ thuật, còn bí kíp võ công đòi hỏi khổ luyện. Ông có thấy thế không? Nếu không, theo ông đó là do đâu? (legiang198140@yahoo.com)
Tôi tán thành ý kiến của bạn. Học là khổ luyện ngay từ khâu nghe giảng. Còn đi nghe thuyết trình cho vui thì lại là chuyện khác. Đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung mà không khổ công rèn luyện bí kíp võ công thì không thể nào thành cao thủ võ lâm được.
Sự học khoa học, kĩ thuật, văn hóa cũng vậy thôi. Muốn thành tài thì phải khổ học. Trong buổi thuyết giảng vui vẻ như vừa rồi của TS Dương, nhiều học viên cho rằng rất thú vị, rất có ích lợi biết được nhiều kiến thức. Xin phép cho tôi nghi ngờ điều đó.
Điểm nóng
Hà Nội: Những con đường đầy bao cao su
Góc ảnh độc giả
Những kiểu ăn mặc lố lăng, phản cảm
Hình ảnh Chướng mắt ở cửa Phật
Những đám cưới khủng, đình đám
Hình ảnh "cái bang" chỉ có ở VN
Ban biên tập