Quản trị giáo dục tư thục ngày càng hiệu quả vượt trội hơn khối công lập

04/03/2020 07:37
Tùng Dương
(GDVN) - Xu thế hội nhập về giáo dục của ta đang rất mạnh, trong khi quốc tế họ đánh giá trường tư thục cao hơn trường công lập với 10 trường đại học hàng đầu thế giới.

Bàn về vấn đề “Triển vọng phát triển Giáo dục tư thục và giải pháp thực hiện Nghị quyết 35/NQ - CP của Chính phủ”, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã chia sẻ quan điểm:

“Bản thân tôi cũng được tham gia vào ban soạn thảo và tổ soạn thảo của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục.

Khi đi giám sát địa phương và đặc biệt là khi làm Nghị quyết 88/2014/QH13 thì tôi có đi khoảng 50 tỉnh thành trong cả nước, tôi thấy triển vọng về phát triển như sau.

Thứ nhất là nhận thức xã hội đã thay đổi lớn về trường công và trường tư, trước đây chúng ta coi giáo dục là việc của nhà nước, và trường công là con đẻ, trường tư là con nuôi. Nhưng giờ đây câu chuyện nhận thức đó đã dần bị xóa, đây là hai dấu hiệu rất tốt mà tôi đã có rút ra trong hơn 5 năm nghiên cứu.

Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch. Ảnh: Tùng Dương.
Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch. Ảnh: Tùng Dương.

Thứ  hai là từ những thay đổi của xã hội đã dẫn tới thay đổi của nhà nước, Chính sách pháp luật của nhà nước cũng đã thay đổi theo hướng tạo hành lang pháp lý khá tốt cho phát triển giáo dục tư thục.

Ví dụ như Luật Giáo dục đại học 2018 và Luật Giáo dục 2019 đã phân tách ra được hai chuyện trường tư và trường tư không vì lợi nhuận, đây là 2 điểm rất hay.

Trước đây Luật Giáo dục đại học năm 2012 là chỉ nói đến trường tư thục không vì lợi nhuận, tức là vào đây không phải vì lợi nhuận mà là đóng góp cho xã hội. Nhưng vấn đề các trường tư thục nói không, mà phải có lợi nhuận thì họ mới làm.

Lợi nhuận là thế nào, định nghĩa rất rõ. Cơ chế, tổ chức bộ máy của 2 loại hình trường này khác nhau như thế nào, Luật Giáo dục đại học 2018 và Luật Giáo dục 2019 đã làm rõ được vấn đề này. Tôi thấy các hiệu trưởng và đặc biệt là các trường đại học rất vui, hành lang pháp lý của chúng ta đã bắt đầu tiến dần tới chuyện đánh giá cao vai trò của trường tư thục.

Điểm thứ ba đặc biệt rất đáng vui mừng, là khi kiểm tra các trường tư thục thì thấy chất lượng đào tạo đã tăng lên rất nhiều từ cấp học thấp đến cấp học cao, cũng như đã tạo được uy tín cao trong xã hội về giáo dục.

Một điểm nữa là khả năng đầu tư của nhà nước cho giáo dục ngày càng hạn chế bởi với quy mô lớn như vậy thì không ngân sách nào kham nổi, hơn nữa việc quản trị các cơ sở giáo dục công lập ngày càng kém.

Bây giờ chúng ta mới dùng đầu tư công quản trị tư với rất nhiều hình thức như hiện nay và theo tôi nên như vậy để cho chất lượng sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả. Nhà nước không quản được nguồn vốn của mình mà phải tư nhân họ mới quản được, và tư nhân hiện nay dùng nguồn của nhà nước để làm, kiểu như BOT.

Vai trò của tư nhân hiện nay trong quản trị rất tốt và nó làm cho việc đầu tư giáo dục có hiệu quả, hạn chế được rất nhiều lãng phí tốn kém không cần thiết, tôi cho đây cũng là một dấu hiệu đáng mừng trong quan niệm về giáo dục tư thục.

Một dấu hiệu nữa là xu thế hội nhập của chúng ta đang rất mạnh, đặc biệt là giáo dục trong khi quốc tế họ đánh giá trường tư thục cao hơn trường công lập. Những trường chất lượng cao của quốc tế đều là trường tư chứ không phải trường công, 10 trường đại học hàng đầu thế giới hiện nay toàn là trường tư thục.

Như vậy họ cho rằng trường tư thục là nơi cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao nhất, nhưng tất nhiên là với mức đóng góp cao nhất.

Còn trường công là gì? Là nơi đáp ứng nhu cầu cơ bản của số đông, đảm bảo cho mặt bằng dân cư được tham gia vào các cơ hội giáo dục và nhà nước có trách nhiệm, nhưng nhà nước không đủ nguồn lực để đáp ứng được hệ thống trường chất lượng cao.

Tất cả các trường tư thục sẽ đảm nhiệm việc đào tạo chất lượng cao và đều là các trường hàng đầu trên thế giới, hiện nay Việt Nam cũng đã nhận ra được điều đó. Gần đây có Tập đoàn Vin Group đã làm được hệ thống giáo dục như vậy và thu hút được rất nhiều người giỏi, cơ chế sử dụng nhân lực, môi trường làm việc, chất xám bỏ ra được đài thọ xứng đáng thì những người giỏi sẽ đến".

Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch: "Hiện nay tôi thấy khối tư thục phổ thông đang làm tốt hơn khối đại học về việc này, các trường tư thục phải khẳng định mình để đứng vững về chất lượng giáo dục”. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch: "Hiện nay tôi thấy khối tư thục phổ thông đang làm tốt hơn khối đại học về việc này, các trường tư thục phải khẳng định mình để đứng vững về chất lượng giáo dục”. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Ông Thạch cho biết: "Cơ hội này còn liên quan đến vấn đề mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đề cập đến là các trường đại học thi nhau mở trường phổ thông, việc này tôi thấy rất phản cảm. Trong luật hiện nay mới cho phép giáo dục sư phạm mở trường chuyên thực hành.

Các trường đào tạo giáo viên được mở phép trường thực hành như một Labo thí nghiệm. Chỉ có Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Giáo dục Đại học Quốc gia có trường đó thôi, chứ không phải là mở trường phổ thông phổ cập giáo dục, điều đó là không được.

Còn ngoài trường chuyên là trường năng khiếu, đành rằng Đại học Khoa học tự nhiên mở trường chuyên các môn tự nhiên thì được, nhưng có trường đại học lại đi mở hệ phổ thông để thu hút học sinh vào học, lấy đầu tư của nhà nước chia từ sinh viên sang cho học sinh thì đó là một việc làm sai. Đó cũng chính là cơ chế nhà nước đi ngược lại việc thúc đẩy giáo dục tư thục.

Vấn đề này nhà nước phải xem xét lại một cách cẩn thận, không có một mặt thì nói là mở rộng tư thục, động viên khuyến khích xã hội hóa giáo dục, trong khi mặt khác các trường công lập làm ngược lại là lấy tiền của nhà nước đi cạnh tranh với trường tư thục. Về chủ trương thì tôi hoàn toàn không đồng ý với việc này”.

Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch: "Vai trò của tư nhân hiện nay trong quản trị rất tốt và nó làm cho việc đầu tư giáo dục có hiệu quả, hạn chế được rất nhiều lãng phí tốn kém không cần thiết, tôi cho đây cũng là một dấu hiệu đáng mừng trong quan niệm về giáo dục tư thục". Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch: "Vai trò của tư nhân hiện nay trong quản trị rất tốt và nó làm cho việc đầu tư giáo dục có hiệu quả, hạn chế được rất nhiều lãng phí tốn kém không cần thiết, tôi cho đây cũng là một dấu hiệu đáng mừng trong quan niệm về giáo dục tư thục". Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Đề xuất giải pháp

Cũng theo ông Thạch: “Thứ nhất về ý kiến nói rằng ở trên thì nóng nhưng ở dưới lại thờ ơ, vậy bây giờ phải tăng cường mạnh cơ chế chính sách ở khu vực dưới, phải quyết liệt ở khu vực dưới.

Thứ 2 là cố gắng tạo ra các nguồn đầu tư và các phương pháp khác để bình đẳng mọi phương diện đối với trường công lập và trường tư thục, không được phép phân biệt, đối xử không công bằng.

Hiện nay tôi về các địa phương thì thấy nhiều nơi vẫn còn tình trạng phân biệt, vẫn coi trường tư thục là phụ và chỉ có trường công lập là nhất. Tôi thấy quan niệm này ở cấp Trung ương thì rất tốt nhưng dưới địa phương như tỉnh, thành, quận huyện…thì thờ ơ, coi nhẹ giáo dục tư thục.

Quản trị giáo dục tư thục ngày càng hiệu quả vượt trội hơn khối công lập  ảnh 4Những gì trường tư thục làm được thì Nhà nước nên để họ làm

Với cơ chế này thì nên tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp lớn đầu tư vào giáo dục tư thục.

Ngay như đợt học sinh được nghỉ học để phòng chống dịch lần này thì các trường tư thục họ tiến hành dạy Online một cách bài bản, chuyên nghiệp với rất nhiều giáo trình các môn học, điều đó giúp cho học sinh dù ở nhà những vẫn nắm bắt được một phần kiến thức, vẫn trao đổi với thầy cô và các bạn.

Trong khi các trường công lập từ cấp bé đến cấp lớn đều im phăng phắc không thấy dạy Online. Với việc áp dụng các công nghệ thông tin vào dạy và học như hiện nay thì rõ ràng trường tư thục họ sẽ bỏ xa trường công lập.

Có một việc nữa là Luật Giáo dục đại học 2018 lại đề xuất các trường có vốn đầu tư nước ngoài vào cùng nhóm trường tư thục, trong khi Luật năm 2012 chúng tôi làm thì trường tư thục riêng, trường có vốn đầu tư nước ngoài riêng và 2 cái này khác nhau.

Trường có vốn đầu tư nước ngoài được tự chủ về tổ chức bộ máy, còn trường tư thục thì buộc phải theo bộ máy của Luật và hiện nay chỗ này đang mắc.

Điều nữa là các trường tư thục phải cố gắng nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, hiện nay tôi thấy khối phổ thông tư thục đang làm tốt hơn khối đại học tư thục về việc này, các trường tư thục phải khẳng định mình để đứng vững về chất lượng giáo dục”.

Tùng Dương