Sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều có như những lời ca ngợi tận mây xanh?

04/02/2020 06:24
Bài, ảnh: Cao Nguyên
(GDVN) - Nếu không kế thừa nhiều tác phẩm của sách Tiếng Việt 1 sau năm 1975 thì Sách Tiếng Việt 1 – bộ “Cánh Diều” cũng không có gì nổi trội.

Sách Tiếng Việt 1 – bộ “Cánh Diều” do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên cùng với đội ngũ tác giả Hoàng Hòa Bình, Nguyễn Thị Ly Kha, Lê Hữu Tỉnh biên soạn.

Bộ sách giáo khoa “Cánh Diều” là kết quả hợp tác giữa Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam.

Đọc lướt 2 tập sách Tiếng Việt 1 – bộ “Cánh Diều”, chúng tôi có đôi điều cảm nhận như sau.

Bài 1, dạy âm “a” với cách đánh vần một số từ “ca”, “cá”, “gà”, “nhà”… thay vì âm “e” như sách cũ.

Bài 13, phần Tập đọc “Bé Bi, Bé Li”, có cách đặt tên danh từ riêng chưa ổn (trang 29).

Chúng tôi tôn trọng cách đặt tên riêng cho người, vì đó là quyền riêng tư của cha mẹ, gia đình. Thế nhưng, với người Việt, có lẽ tên “Li” là cách đặt tên hiếm có vì nó không theo số đông (Ly) và cách viết thiếu thẩm mỹ.

Đành rằng, cách viết i (ngắn) và y (dài) còn nhiều tranh cãi trong một số trường hợp, nhưng cách đặt tên con là “Li” thì e rằng giống như tên gọi của nước ngoài.

Bài 24, phần Tập đọc “Quà quê” nói đến “cá quả” (trang 47).

“Cá quả” còn có tên gọi khác là “cá chuối”, “cá lóc”, “cá sộp”, “cá tràu”, “cá trõn”, “cá đô”… tùy theo vùng miền. Vậy nên, sách cần chú thích “cá quả” để học sinh miền Trung và miền Nam hiểu rõ.

Bài 30, phần tập đọc “Chó xù” có 2 từ “ngó” (Nó ngó chó xù), “mi” (Mi mà là sư tử à?) (trang 57).

Đây là hai phương ngữ, một ở miền Nam (ngó) và một là miền Trung (mi). Sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 cần phải sử dụng từ ngữ toàn dân thì học sinh mới hiểu được. Từ “ngó” có thể quen thuộc với học sinh miền Trung, còn học sinh miền Bắc thì không.

Tương tự, Bài 35, phần Tập đọc “Chia quà” cũng sử dụng phương ngữ miền Nam - “má” (Má ở thị xã về…) (trang 64).

Hay phần Tập đọc “Ve và gà” (trang 67) cũng sử dụng phương ngữ “ngó” (Ngó chị gà đạp đạp).

Bài 41, phần Tập đọc “Thi vẽ” có từ “gà nhép” (Gà nhép vẽ lũ gà mẹ chăm gà em) (trang 75) là khó hiểu với học sinh nhưng không hề chú thích.

“Gọi là Gà Nhép vì loại này chỉ có cân nặng 1,2 -1,8 kg khi xuất bán. Nó có hình dáng gần với gà Ri lai, chân vàng, mỏ vàng, lông vàng óng và thời gian nuôi chỉ từ 2,5 – 3 tháng” [1]

Bài 53, phần Tập đọc “Qụa và chó” sử dụng từ “cuỗm” (chó nghĩ kế cuỗm khổ mỡ) cũng gây khó khăn với học sinh lớp 1 (trang 99).

“Cuỗm” (thông tục), “chiếm lấy và mang đi một cách nhanh gọn” (từ điển). Tương tự Bài 57 cũng sử dụng từ “cuỗm” (có kẻ đã cuỗm gà nhép).

Bài 97, phần Tập đọc “Chú gà quan trọng” (trang 11, tập 2) là cách đặt nhan đề bài học còn thô.

Nội dung bài học miêu tả tiếng gà gáy và vai trò của tiếng gà trong cuộc sống thì có thể đặt một nhan đề khác gần gũi hơn, hay hơn.

Ngoài ra, sách đưa bài thơ “Khi bố đi công tác” (tập 2) của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam vào chương trình khiến chúng tôi rất băn khoăn.

Ý kiến của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã không còn khách quan?
Ý kiến của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã không còn khách quan?

Bởi Đỗ Nhật Nam là học sinh nổi tiếng giỏi tiếng Anh từ bé (hiện em đang du học tại Mỹ), còn chuyện thơ ca nên chăng chỉ đưa một số thể loại văn học dân gian gần gũi với lứa tuổi học sinh tiểu học như ca dao, dân ca hoặc những tác giả nổi tiếng chuyên viết cho thiếu nhi.

Hoặc bài “Cá và chim” (trang 21, tập 2) có những câu như: “Này bạn chim ơi!/Chim có biết bơi/Xuống đây mà chơi/Thích lắm! Thích lắm”… cũng khó đi vào cảm thức của học sinh lớp 1 vì vần điệu (có vẻ) chưa suôn sẻ.

Chúng tôi nhận thấy, sách Tiếng Việt 1 – bộ “Cánh Diều” (tập 2) kế thừa nhiều tác phẩm/đoạn trích của chương trình Tiếng Việt 1 (Nhà xuất bản Giáo dục) sau năm 1975.

Cụ thể một số văn bản quen thuộc như “Mời vào” (Võ Quảng), “Nắng” (Mai Văn Hai), “Đi học” (theo Minh chính), “Kể cho bé nghe” (Trần Đăng Khoa), “Quyển vở của em” (Quang Huy), “Làm anh” (Phan Thị Thanh Nhàn), “Mèo con đi học” (theo Vô-rôn-cô), “Gửi lời chào lớp Một” (Hữu Tưởng – phỏng theo thơ dịch của Khánh Như)…

Nhìn chung, nếu không kế thừa nhiều tác phẩm của sách Tiếng Việt 1 sau năm 1975 thì Sách Tiếng Việt 1 – bộ “Cánh Diều” cũng không có gì nổi trội.

Và cũng không như những lời ca ngợi có cánh…

Tài liệu tham khảo:

[1] //khoahocphattrien.vn/Dia-phuong/ky-thuat-nuoi-ga-nhep-cho-thu-nhap-hang-tram-trieu/20170126054344502p1c937.htm

[2] //sachcanhdieu.com/product/tieng-viet-1-tap-mot/

[3] //sachcanhdieu.com/product/tieng-viet-1-tap-hai/#page/103

* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

Bài, ảnh: Cao Nguyên