Sinh viên sư phạm sau 3, 4…năm đi dạy có phải trả khoản vay chi phí học tập?

09/07/2019 06:20
BÙI NAM
(GDVN) - Người được hỗ trợ sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định phải bồi hoàn khoản kinh phí

Ngày 4/7, Văn phòng Chủ tịch nước họp công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố các Luật vừa được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật được nhân dân cả nước rất quan tâm và kỳ vọng sẽ đó là Luật Giáo dục đã cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp 2013, thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập quốc tế tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, phù hợp và đồng bộ với một số luật mới ban hành thì việc ban hành Luật Giáo dục là cần thiết.

Trong Luật có rất nhiều điểm mới mà giáo viên, sinh viên sư phạm nên biết để có sự chuẩn bị đáp ứng khi Luật Giáo dục có hiệu lực từ 01/7/2020.

Sinh viên trường sư phạm (Ảnh minh họa: dangcongsan.vn)
Sinh viên trường sư phạm (Ảnh minh họa: dangcongsan.vn)

Điều 72. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo

1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;

d) Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

2. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, từ 01/7/2020 khi Luật Giáo dục có hiệu lực thì trình độ chuẩn của giáo viên chính thức nâng lên theo Luật, giáo viên phải có bước chuẩn bị kế hoạch đạt chuẩn theo quy định, nhưng mọi giáo viên yên tâm, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có lộ trình thích hợp, không phải mọi giáo viên đến năm 2020 là không đạt chuẩn, dự kiến sẽ có thời gian thích hợp đến năm 2026 lúc đó giáo viên chưa đáp ứng tiêu chuẩn bằng cấp mới xem là chưa đạt, lúc đó có thể thực hiện chính sách tinh giản biên chế hoặc chuyển việc.

Sau 2 năm không làm đúng ngành, cử nhân sư phạm phải hoàn trả học phí
Sau 2 năm không làm đúng ngành, cử nhân sư phạm phải hoàn trả học phí

Chính sách với sinh viên sư phạm

Điều 84. Tín dụng giáo dục

Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi về lãi suất, điều kiện và thời hạn vay tiền để người học có điều kiện học tập. Khuyến khích xã hội hóa hoạt động tín dụng giáo dục.

Điều 85. Học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt

1. Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc ở trường chuyên, trường năng khiếu quy định tại Điều 62 của Luật này và người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; cấp học bổng chính sách cho sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật.

2. Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.

3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học theo quy định của pháp luật.

4. Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 86. Miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên

Học sinh, sinh viên được hưởng chế độ miễn, giảm giá vé khi sử dụng các dịch vụ công cộng về giao thông, giải trí, tham quan viện bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho toàn khóa học.

Miễn học phí cũng không thu hút người học sư phạm
Miễn học phí cũng không thu hút người học sư phạm

Tuy nhiên, người được hỗ trợ sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ.

Đây chính là điểm mới, tránh lãng phí cho nhà nước khi có nhiều sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập, sinh hoạt nhưng khi ra trường không công tác trong ngành giáo dục.

Nhưng theo tôi, biên độ 2 năm khi sinh viên sư phạm chưa có việc làm phải hoàn trả chi phí vay tin dụng là hơi ngắn.

Tôi giả sử sau 3, 4…hay hơn nữa nếu sinh viên sư phạm lúc đó tìm được việc làm thì khi đó sinh viên sư phạm có phải trả khoản vay tín dụng sư phạm không?

Tôi mong Chính phủ có nghị định thực hiện có thể kéo dài đến 5 năm để sinh viên sư phạm tìm việc làm trong điều kiện hiện nay, khi sinh viên sư phạm mới ra trường 2 năm khi điều kiện còn khó khăn, khi chưa tìm được việc làm mà phải lo trả nợ tín dụng nữa thì cũng khá vất vả cho các em.

Điều 76. Tiền lương

Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

Vấn đề xếp lương nhà giáo rất được nhà nước và nhân dân quan tâm, nhưng vấn đề tiền lương nhà giáo trong Luật Giáo dục thấy khá chung chung, hiện nay nhà giáo có phụ cấp thâm niên, nhưng lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ 01/01/2021 và trong Luật Giáo dục đã không còn, hy vọng trong các văn bản dưới Luật sẽ có chính sách cụ thể hơn đối với nhà giáo một cách cụ thể, nhà giáo phải được xếp lương tương ứng với vị thế, vai trò nhà giáo…không thể mãi viển vông lương thấp mà hiệu quả cao được.

Luật giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực từ 01/7/2020.

BÙI NAM