Sở Giáo dục Hà Nội có đi ngược chủ trương xã hội hóa của Đảng, Chính phủ?

28/02/2019 06:53
Hồng Thủy
(GDVN) - Lập luận "tính về số lượng, Hà Nội không thiếu trường học" của thầy Chử Xuân Dũng là thiếu trách nhiệm, học sinh tiểu học công lập chen chúc đến bao giờ?

Quá tải sĩ số trường phổ thông công lập nội thành đã trở thành vấn nạn của giáo dục Thủ đô từ năm này qua năm khác mà chưa có giải pháp chính sách nào đột phá.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cơ quan chính chịu trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo Thủ đô các chính sách phát triển giáo dục, dường như đang đi ngược chủ trương, chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước.

Hiện nay, tình trạng quá tải sĩ số trường công lập nội thành Hà Nội tập trung mạnh nhất ở cấp tiểu học, trong khi tỉ lệ trường tiểu học ngoài công lập lại thấp nhất, nếu so với khối trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường tiểu học công lập Hà Nội chiếm 94,5%, trường tư thục chỉ chiếm 5,5%.

Nhiều trường tiểu học tư thục có thương hiệu muốn phát triển mở rộng thêm các cơ sở, nhưng lại vướng phải quy định bất thành văn, không được mở quá 2 cơ sở, cũng như sự kìm kẹp của cơ chế xin - cho chỉ tiêu tuyển sinh.

Quy hoạch "băm nát Thủ đô" 

Xin được lưu ý, "băm nát" là từ chúng tôi mượn ý Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi nói về quy hoạch Thủ đô: "Chúng ta phải trả giá vì đã quy hoạch băm nát Hà Nội".

Ngày 29/11/2012 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố và bàn giao quy hoạch giáo dục cho các quận, huyện. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.
Ngày 29/11/2012 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố và bàn giao quy hoạch giáo dục cho các quận, huyện. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.

Báo Thời Nay, ấn phẩm của Báo Nhân Dân ngày 27/9/2018 có bài, Hà Nội chật vật quá tải học sinh lớp 1, bài viết cho biết:

Năm học 2018 - 2019, Hà Nội có khoảng 130.000 trẻ vào lớp 1, tăng 30.000 trẻ so năm học trước. 

Số lượng khổng lồ này đã tạo ra sức ép vô cùng lớn, đặc biệt là ở một số quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông… và một số huyện ngoại thành như Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn. [1]

Năm 2018 là năm lứa tuổi "rồng vàng" sinh năm 2012 bắt đầu vào lớp 1, năm 2012 cũng là năm Hà Nội bàn giao quy hoạch mạng lưới giáo dục đến cấp cơ sở. [2]

Số trẻ tăng đột biến năm 2012 được các cơ quan chuyên môn lẫn truyền thông cảnh báo rất rõ. [3]

Nhưng những người làm quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội dường như không ngó ngàng gì đến những cảnh báo này và đặt ra mục tiêu:

Mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất một trường mầm non công lập kiên cố. Ở bậc tiểu học, mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất một trường tiểu học công lập kiên cố. 

Với quy mô trường ở cả hai bậc học này đều không quá 30- 35 học sinh/lớp và không quá 30 lớp/trường. [2]

Sở Giáo dục Hà Nội có đi ngược chủ trương xã hội hóa của Đảng, Chính phủ? ảnh 2

Cơ sở chính sách, pháp lý bãi bỏ cơ chế xin cho chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp

Đó là thông tin được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra trong phát biểu tại buổi giao ban khối Văn hóa - xã hội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức ngày 28/8/2012, theo Tạp chí Tuyên giáo.

Rõ ràng quy hoạch mạng lưới trường lớp Hà Nội so với thực tiễn khác rất xa. 

Sĩ số bình quân lớp 1 các trường tiểu học công lập năm học 2018-2019 của một số quận nội thành Hà Nội được VnExpress thống kê: Thanh Xuân 60,7; Cầu Giấy 59,6; Hà Đông 52,3; Tây Hồ 51,8; Nam Từ Liêm 48,6.

Quận Thanh Xuân có 11/12 trường tiểu học công lập sĩ số bình quân trên 55 em / lớp, con số này ở Cầu Giấy là 10/12 trường, Hà Đông là 11/28 trường. [4]

Với tình trạng quá tải này, các trường phải tìm mọi cách để chèn thêm bàn ghế, "nhét" thêm học sinh, tăng tuyển giáo viên hợp đồng, sử dụng mọi phòng ốc có thể làm phòng học.

Cá biệt, Trường Tiểu học Chu Văn An thuộc phường Hoàng Liệt quận Hoàng Mai dù đã thực hiện tất cả các giải pháp trên vẫn không đủ lớp học, phải cho học sinh học luân phiên mỗi tuần 4 ngày.

Còn với cha mẹ học sinh, Thứ bảy đáng lẽ con được nghỉ thì phải đi học, thứ Tư đáng lẽ đi học thì con phải nghỉ, phải thuê gia sư vừa trông con vừa kèm học.

Đến lớp, nhìn các con đi học mà thương, vào lớp thấy chật kín toàn người là người. Có bàn ngồi ba cháu, nhưng nghĩ lại vẫn còn hơn không có chỗ mà ngồi. [1]

Giá như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bãi bỏ cơ chế xin - cho chỉ tiêu tuyển sinh, để các trường tư thục tự chủ tuyển sinh và mở rộng thêm cơ sở đáp ứng nhu cầu của dân, thì tình trạng đâu đến nỗi này?

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội làm ngược chủ trương xã hội hóa giáo dục?

Thông tấn xã Việt Nam ngày 27/5/2017 có bài, Tháo gỡ khó khăn trong quy hoạch mạng lưới trường lớp ở Hà Nội, dẫn lời Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết:

Sở Giáo dục Hà Nội có đi ngược chủ trương xã hội hóa của Đảng, Chính phủ? ảnh 3

Bỏ cơ chế chỉ tiêu tuyển sinh trường tư, quá tải trường công mới có lối thoát

Tính đến hết năm 2016, thành phố có 2.669 trường học với hơn 1,8 triệu học sinh.

Tỷ lệ học sinh học trường công lập cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở đạt 85%, học sinh học khối Trung học Phổ thông ở hệ công lập đạt 65%. 

Như vậy, so với mục tiêu cả nước phấn đấu đến năm 2020 đạt 70% học sinh học trường công lập mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Hà Nội đã vượt rất xa. [5]

Chúng tôi không biết thầy Giám đốc sở lấy đâu ra "mục tiêu cả nước phấn đấu đến năm 2020 đạt 70% học sinh học trường công lập mầm non, tiểu học, trung học cơ sở"?

Nhưng so sánh với các văn bản chính sách, quy phạm pháp luật mà Tiến sĩ Chử Xuân Dũng cung cấp, thì việc "Hà Nội đã vượt (cả nước) rất xa" nói trên đã đi ngược chủ trương, chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước.

Chỉ thị số 10-CT/TƯ ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị chỉ đạo rõ: đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ cập giáo dục. 

Như vậy, ngay cả cấp phổ cập giáo dục, Nhà nước cũng không giữ độc quyền, mà kêu gọi xã hội hóa;

Mục tiêu là để huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phục vụ thiết thực công tác phổ cập giáo dục.

Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 8/4/2005 của Chính phủ chỉ đạo:

Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với hai loại hình: dân lập và tư nhân. Quyền sở hữu của các cơ sở ngoài công lập được xác định theo Bộ luật Dân sự. Tiến tới không duy trì loại hình bán công.

Quyết định số 20/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/6/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích mở các loại hình trường tiểu học ngoài công lập ở khu vực thành phố, thị xã và các vùng kinh tế phát triển nhằm huy động nguồn lực của xã hội, của những gia đình có thu nhập cao đầu tư phát triển giáo dục tiểu học.

Sở Giáo dục Hà Nội có đi ngược chủ trương xã hội hóa của Đảng, Chính phủ? ảnh 4

Cơ chế xin-cho chỉ tiêu tuyển sinh đẻ ra tiêu cực như thế nào?

Nghị quyết 06/2009/NQ-HĐND ngày 17/7/2009 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục.

Nghị quyết hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25/10/2017) đã cụ thể hóa hơn nữa chủ trương xuyên suốt thúc đẩy xã hội hóa giáo dục ở các địa bàn có điều kiện.

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước, điều kiện xã hội hóa giáo dục theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của Chính phủ gần như đứng đầu toàn quốc;

Nhưng dường như chính bộ máy quản lý giáo dục Thủ đô lại sớm thỏa mãn với thành tích "dẫm chân tại chỗ" về xã hội hóa giáo dục, để tình trạng quá tải sĩ số trường công nội đô ngày một trầm trọng.

Với bộ máy tham mưu trì trệ như thế này ngay giữa Thủ đô, bao giờ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục mới đi vào cuộc sống?

Giảm sĩ số bằng cách ra văn bản chỉ đạo

Vietnamplus.vn ngày 14/2/2019 có bài, Tuyển sinh đầu cấp năm học: Hà Nội kiên quyết không quá tải, cho biết cùng ngày Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2019-2020.

Để tránh tình trạng quá tải, mùa tuyển sinh năm 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã điều tra chính xác số trẻ ở từng độ tuổi trên địa bàn. 

Trên cơ sở đó, các phòng giáo dục có trách nhiệm phân tuyến tuyển sinh hợp lý để huy động được số trẻ đến trường với tỷ lệ cao nhất, nhưng không để xảy ra hiện tượng quá tải cho các trường. [6]

Nếu chỉ bằng một văn bản hành chính này mà giải quyết được vấn đề quá tải sĩ số các trường công lập nội đô Hà Nội, thì quả thực lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội rất đáng vinh danh, trân trọng;

Thậm chí nếu chứng minh được hiệu quả của nó, thiết nghĩ các cơ quan chức năng có thể đề bạt người đứng đầu sở này lên chức vụ cao hơn để đóng góp tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục.

Sở Giáo dục Hà Nội có đi ngược chủ trương xã hội hóa của Đảng, Chính phủ? ảnh 5

22 nghìn phòng học Hà Nội xây mới ở đâu để con em chen chúc gần 70 học sinh/lớp?

Nhưng ngược lại, nếu đây chỉ là hình thức chỉ đạo cho có, cho qua chuyện để đối phó với dư luận, thiết nghĩ đã đến lúc Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nên xem lại năng lực tham mưu các chính sách về giáo dục của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

Chúng tôi cho rằng, với nhận định và lập luận dưới đây của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, thì không biết đến bao giờ học sinh tiểu học công lập nội đô Hà Nội mới thoát cảnh chen chúc như hiện nay, và 5 năm nữa lấy đâu ra trường lớp cho các em vào lớp 6:

Nếu tính về số lượng, Hà Nội không thiếu trường học, việc quá tải chỉ diễn ra cục bộ tại một số nơi đông dân cư. 

Để giải quyết căn bản hiện tượng này, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các sở, ngành liên quan đang hoàn thiện, trình ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030”, trong đó xác định rõ về số lượng, lộ trình đầu tư xây dựng trường học ở từng quận, huyện, thị xã...[7]

Lập luận "tính về số lượng, Hà Nội không thiếu trường học" của thầy Chử Xuân Dũng là cách nói thiếu trách nhiệm, đánh bùn sang ao.

Phải chăng hiện tượng quá tải sĩ số ở các quận nội thành, có nơi sĩ số lớp 1 lên tới 68, 69 học sinh / lớp không có gì đáng ngại, không phải chuyện gấp gáp đối với Giám đốc Sở?

Còn điều chỉnh quy hoạch, năm 2012 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học như thế nào, mà để đến mức quá tải như thế này?

Dự thảo Báo cáo tổng kết năm học 2017-2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội viết:

"Năm học vừa qua Hà Nội đã dành 19 nghìn tỷ để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, chiếm tỉ lệ 25,5% mức chi từ ngân sách. Hà Nội đã xây dựng 66 trường học và hơn 22 nghìn phòng học mới."

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì hội nghị triển khai công tác chuẩn bị áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Ảnh: Báo Tin Tức.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì hội nghị triển khai công tác chuẩn bị áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Ảnh: Báo Tin Tức.

Tuy nhiên, ngày 2/8/2018 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông cho biết:

Năm học vừa qua, Hà Nội dành gần 19 nghìn tỷ đồng cho ngành giáo dục. Trong đó chi đầu tư 19%, chi thường xuyên khoảng 32%; xây dựng 66 trường mới, 2.622 trường học được cải tạo. 

Thông tin này được Báo Kinh tế và Đô thị - cơ quan ngôn luận của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đăng tải cùng ngày 2/8/2018. [8]

Có thể thấy thông tin trong Báo cáo tổng kết năm học nói trên là những nhầm lẫn do tính quan liêu của Ban giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Báo cáo tổng kết năm học còn sai sót khó hiểu như thế thì lấy gì đảm bảo quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham mưu sẽ giải quyết được bài toán quá tải sĩ số trong bối cảnh tiếp tục phải tinh giảm biên chế và gánh nặng cho ngân sách?

Nhận thức về các chủ trương, chính sách xã hội hóa giáo dục của người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô còn như vậy, thì quá tải sĩ số cùng muôn vàn hệ lụy của nó, sẽ trở thành chuyện bình thường của Hà Nội?

"Họ đã để phá vỡ quy hoạch đô thị, dân số cơ học tăng quá nhanh mà không đi kèm theo trường lớp mới dẫn đến vi phạm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Quy định đó là quy định của pháp luật, việc Hà Nội không thực hiện đúng là vi phạm pháp luật."

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết / Báo Người Đưa Tin

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/baothoinay-xahoi-phongsu/item/37747102-chat-vat-qua-tai-hoc-sinh-lop-1.html

[2]http://tuyengiao.vn/giao-duc/ha-noi-nam-hoc-2012-2013-ban-giao-quy-hoach-mang-luoi-giao-duc-den-cap-co-so-44904

[3]https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/ha-noi-tang-dot-bien-so-tre-sinh-nam-rong/443401.antd

[4]https://vnexpress.net/infographics/truong-tieu-hoc-noi-thanh-ha-noi-qua-tai-hoc-sinh-lop-1-3815097.html

[5]http://kinhtedothi.vn/hdnd-tp-ha-noi-chat-van-nhom-van-de-quan-ly-co-so-giao-duc-mgoai-cong-lap-320244.html

[6]https://www.vietnamplus.vn/tuyen-sinh-dau-cap-nam-hoc-ha-noi-kien-quyet-khong-qua-tai/552707.vnp

[7]http://www.hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khach-moi/911733/no-luc-doan-ket-quyet-tam-dan-dau-ca-nuoc-ve-doi-moi-giao-duc-va-dao-tao

[8]http://kinhtedothi.vn/ha-noi-danh-gan-19000-ty-dong-cho-giao-duc-322246.html

Hồng Thủy