Sử dụng "không gian sáng chế" để biến lý thuyết thành sản phẩm thử nghiệm

12/08/2017 06:48
Tấn Tài
(GDVN) - Sinh viên sử dụng không gian sáng chế để “biến” những lý thuyết về khoa học, công nghệ, toán học… mà họ học trên lớp thành các sản phẩm thử nghiệm.

Ngày 11/8, Đại học Đà Nẵng phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Đại học bang Arizona tổ chức chương trình “không gian đổi mới dành cho nhà sáng chế”.

Sinh viên thỏa sức sáng tạo trong không gian sáng chế. Ảnh: TT
Sinh viên thỏa sức sáng tạo trong không gian sáng chế. Ảnh: TT

Mục đích của chương trình là nhằm hỗ trợ việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới STEM (được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật  và toán học) tại Việt Nam.

Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng, ông Trần Văn Nam - giám đốc Đại học Đà Nẵng cùng nhiều lãnh đạo ban, ngành địa phương.

Sử dụng "không gian sáng chế" để biến lý thuyết thành sản phẩm thử nghiệm ảnh 2

Trường nghề đào tạo không đủ đáp ứng nhân lực cho doanh nghiệp

Theo đại diện Đại học Đà Nẵng, không gian đổi mới dành cho nhà sáng chế là một hợp phần quan trọng trong việc kiến tạo văn hóa đổi mới, bằng cách cung cấp không gian thí nghiệm.

Tại đây, sinh viên và giảng viên có thể thiết kế, sáng tạo, đổi mới và phát triển các năng lực cần thiết để đáp ứng ngay yêu cầu của công việc.

Không gian này được thiết kế nhằm giúp giảng viên và sinh viên có thể tham gia vào một loạt các hoạt động như: chia sẻ ý tưởng, thiết kế, xây dựng và phát triển các sản phẩm mới.

Sinh viên cũng sẽ có cơ hội vừa tham gia vào quá trình thực hành vừa xây dựng và phát triển các mối quan hệ. Và tham gia vào các chương trình do doanh nghiệp khởi xướng.

Các chức năng của không gian đổi mới dành cho nhà sáng chế là cung cấp nguồn lực cho giảng viên và sinh viên với các phương tiện nhằm tiếp cận với máy móc và vật tư để thực hiện các dự án và triển khai các môn học.

Là không gian để giảng viên có thể xây dựng và triển khai các môn học và hội thảo dựa trên dự án ứng dụng dành cho sinh viên.

Tạo ảnh hưởng, nhằm thúc đẩy việc kiến tạo văn hóa đổi mới, các kỹ năng nghề nghiệp, sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. Cung cấp không gian cho các cuộc thi mà doanh nghiệp khởi xướng dành cho sinh viên.

Phó Giám đốc USAID Việt Nam Craig Hart cho biết, không gian sáng chế với đầy đủ trang thiết bị hiện đại này sẽ giúp sinh viên trau dồi các kỹ năng sáng chế và thử nghiệm các công nghệ mới.

Tạo ra các giải pháp sáng tạo để giải quyết các thách thức phát triển của cộng đồng, đồng thời giúp sinh viên thiết kế, thử nghiệm và làm ra các sản phẩm chế tạo.

Không gian sáng chế Đà Nẵng sẽ có máy in 3-D, máy cắt laser, một xưởng gỗ và kim loại cũng như phần mềm thiết kế tiên tiến để mọi sinh viên đại học có thể sử dụng.

Sinh viên sẽ sử dụng không gian sáng chế này để biến những lý thuyết về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học mà họ học trên lớp thành các sản phẩm thử nghiệm để tìm giải pháp công nghệ giúp giải quyết các vấn đề thực tế của thế giới.

Đây không chỉ là một trung tâm giáo dục mà còn là một phòng thí nghiệm các giải pháp và sáng chế.

“Công nghệ đang làm biến đổi mọi thứ mà chúng ta biết… các nước và những người theo đuổi sáng tạo bao giờ cũng ở vị trí dẫn đầu. Các nhà sáng chế chính là những người định hình cho những biến đổi này”, ông Craig Hart nói.

Cũng theo ông Craig Hart, không gian sáng chế này sẽ nhanh chóng trở thành một địa chỉ cho sự cộng tác, cho những ý tưởng và thử nghiệm.

“Điều mà tôi cũng hy vọng là các nhà sáng chế và những người tiên phong về công nghệ của Việt Nam trong tương lai sẽ trưởng thành từ phong trào sáng chế này”, ông kỳ vọng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá: "Không gian đổi mới dành cho nhà sáng chế là một môi trường thuận lợi để sinh viên phát triển các kỹ năng mới.

Nhằm biến ý tưởng thành các giải pháp mà sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu và quan trọng hơn hết là cho Việt Nam".

Tấn Tài