Sửa các thông tư xếp hạng thế nào để thực sự có đổi mới về chế độ cho giáo viên?

05/12/2021 09:04
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy cô đang mong mỏi, Bộ Giáo dục sửa chùm Thông tư xếp hạng làm sao phải “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên”.

Ngày 26/11/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về một số vấn đề vướng mắc về bổ nhiệm, xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên theo quy định mới của Bộ Giáo dục.

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng yêu cầu việc sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên công bằng, không bị thiệt thòi, “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên”.

Thông tin này làm nức lòng giáo giới trên cả nước, bởi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 có quá nhiều bất cập khiến giáo viên gặp nhiều trở ngại trong việc chuyển hạng, xếp lương. Nhưng có lẽ vui nhất là tiếng nói của thầy cô đã được Phó Thủ tướng và các bộ ngành lắng nghe để từ đó có phương án cải thiện chính sách tiền lương sao cho hợp lí.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Nhiều giáo viên cứ ngỡ sẽ được tăng lương từ 20/3/2021

Ngày 2/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ, trung học phổ thông).

Về lí thuyết, 4 thông tư mới của Bộ Giáo dục có hiệu lực từ 20/3/2021 tác động mạnh đến nhiều đối tượng giáo viên. Vấn đề xếp lương, sẽ có giáo viên được tăng lương nhiều và ít nhất theo quy định mới.

Trong đó, giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ có khá nhiều thay đổi về lương. Riêng giáo viên mầm non, tiểu học chỉ được hưởng mức lương cao nhất nếu thông qua kỳ thi/xét thăng hạng. Nhưng giáo viên trung học phổ thông thì không có sự thay đổi gì trong xếp lương và bổ nhiệm hạng.

Tuy nhiên, cũng không nhiều giáo viên được được hưởng mức lương cao nhất bởi quy định về thời gian dự thi/xét thăng hạng của giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông từ hạng III lên hạng II dài lê thê khiến nhiều thầy cô bức xúc.

Ví dụ, viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) phải có thời gian giữ chức danh giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi/xét thăng hạng.

Bên cạnh đó, quy định về nhiệm vụ của giáo viên hạng I các bậc học cao chót vót, khó với tới. Chẳng hạn, giáo viên mầm non hạng I - Mã số V.07.02.24 (trích): Tham gia biên tập hoặc biên soạn nội dung tài liệu bồi dưỡng giáo viên mầm non cấp huyện trở lên.

Giáo viên tiểu học hạng I - Mã số: V.07.03.27 (trích): Tham gia biên tập, biên soạn, phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, học sinh tiểu học hoặc tham gia hội đồng lựa chọn sách giáo khoa khi được lựa chọn.

Giáo viên trung học cơ sở hạng I - Mã số V.07.04.30; giáo viên trung học phổ thông hạng I - Mã số V.07.05.13 (trích): Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên.

Ngoài ra, nhiều giáo viên bị rớt hạng oan ức khi nhà trường căn cứ vào cả các nhiệm vụ tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng để bổ nhiệm, xếp hạng. Nhiều trường chỉ xét cho những giáo viên đã hoặc đang làm ban giám hiệu, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn.

Nhiều giáo viên bức xúc cho rằng, nếu xét như vậy thì ít có giáo viên tiểu học được xếp hạng II vì thiếu nhiệm vụ “thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học”. Bởi, hiện nay một trường chỉ có 1-2 giáo viên cốt cán nên ngay ban giám hiệu, tổ trưởng cũng rất ít người là giáo viên cốt cán. Vì vậy, ngay việc căn cứ xét này cũng quá khiên cưỡng.

Để “chữa cháy”, ngày 18/10/2021, Cục Nhà giáo có Công văn số 1077/NGCBQLGD-CSNGCB hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư số 01, 02, 03, 04. Theo công văn, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm.

Thế nhưng, nhiều địa phương khi khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp thì không thực hiện theo Công văn số 1077 của Cục Nhà giáo vì trái với quy định chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 – khiến giáo viên càng thêm bức xúc.

Nên bỏ quy định “nhiệm vụ” cho giáo viên các hạng

Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT có nhiều nội dung trùng lặp Luật Giáo dục 2019, trong đó quy định việc quy đổi nhiệm vụ cho giáo viên được thăng hạng còn bất cập. Tôi chỉ lấy ví dụ, Thông tư 04 có nhiều nội dung chồng chéo Luật Giáo dục 2019.

Theo đó, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên trung học phổ thông hạng III - Mã số V.07.05.15 (hạng thấp nhất) quy định giáo viên phải làm 8 nhiệm vụ; đáp ứng 4 tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; 2 tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; 10 tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Cá nhân tôi cho rằng, những quy định này là không cần thiết, bởi ngày 14/6/20219, Quốc hội ban hành Luật số 43/2019/QH14 Luật Giáo dục, trong đó Điều 67 quy định nhà giáo phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

1. Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt; 2. Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm; 3. Có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; 4. Bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp.

Điều 69 quy định nhiệm vụ của nhà giáo: 1. Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục; 2. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo.

3. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học; 4. Học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học.

Như thế để thấy rằng, quy định nhiệm vụ; đạo đức nghề nghiệp; trình độ đào tạo, bồi dưỡng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên trung học phổ thông hạng III là vừa thừa, vừa chồng chéo, vì Luật Giáo dục 2019 đã quy định rồi.

Bên cạnh đó là sự bất cập quy đổi nhiệm vụ cho giáo viên theo hạng. Khoản 6 Điều 9 Thông tư 04 quy định: Đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông mà trường trung học phổ thông công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu trường trung học phổ thông công lập báo cáo cơ quan có thẩm quyền trực tiếp quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan.

Tôi nhận thấy, quy định này đang làm khó lãnh đạo các nhà trường trong việc quy đổi nhiệm vụ cho giáo viên các cấp được thăng hạng. Tôi lấy ví dụ, Điều 4 Thông tư 04 quy định nhiệm vụ giáo viên trung học phổ thông hạng II - Mã số V.07.05.14 như sau:

“Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên từ cấp trường trở lên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử;

Hiện tại, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn đang làm những nhiệm vụ trên. Vậy nên, hiệu trưởng cũng khó phân công cho giáo viên hạng II làm thay công việc của tổ trưởng chuyên môn. Lãnh đạo cũng rất khó quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan cho giáo viên hạng II. Bởi ở trường phổ thông, nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy và làm chủ nhiệm lớp.

Cùng với đó, việc quy đổi nhiệm vụ cho giáo viên hạng I cũng nan giải. Ví dụ, Điều 5 Thông tư 04 quy định giáo viên trung học phổ thông hạng I - Mã số V.07.05.13 phải thực hiện các hiệm vụ (trích): Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên.

Thực tế cho thấy, giáo viên hạng I mấy ai được tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa? Vậy nên, quy đổi nhiệm vụ cho giáo viên hạng I ở nội dung này là gần như không thể. Theo tôi, Bộ Giáo dục nên bỏ quy định “nhiệm vụ” cho giáo viên các hạng. Vì bên cạnh Luật Giáo dục 2019 (như đã dẫn) thì Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 đã quy định nhiệm vụ giáo viên cụ thể, rõ ràng (bạn đọc có thể xem thêm Điều 27).

Hi vọng, một số phân tích, đề xuất của tôi trong bài viết này được Bộ Giáo dục tiếp tục lắng nghe để chỉnh sửa chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 sao cho hợp lí, “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên”, là điều mà thầy cô cả nước đang chờ đợi.

Tài liệu tham khảo:

http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Xep-hang-xep-luong-theo-quy-dinh-moi-phai-bao-dam-quyen-loi-giao-vien/454374.vgp

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Phan Thế Hoài