Thầy Bùi Nam: để 1 giáo viên đoán trúng 80% phải xem trách nhiệm Ban ra đề thi

18/07/2021 06:45
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhìn qua các môn thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên người viết tin rằng khó có giáo viên nào mà ôn tập giống đến 50%, mà thầy Nghệ ôn tập giống đến 80%.

Vụ việc thầy Phan Khắc Nghệ một thầy giáo dạy môn Sinh học ở Hà Tĩnh ôn thi giống 80% đề thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong thời gian gần đây được cộng đồng mạng xôn xao bàn luận.

Có ý kiến cho rằng điều đó là không thể, cũng có nhiều người cho rằng thầy là giáo viên giỏi, nhiều năm liền ra đề, viết sách nên “bắt bài” được cách ra đề môn Sinh của Ban ra đề thi.

Trong phạm vi người viết người viết xin nêu một quan điểm góc nhìn khác, đó là cách ra đề thi của Ban ra đề thi môn Sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đã chưa làm hết trách nhiệm, việc ra đề có phần rập khuôn, thiếu tính sáng tạo,… nên mới có tình trạng một giáo viên “bắt bài” ôn tập “tủ” giống đến 80% (32 trong số 40 câu).

Thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên Sinh học Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, nếu đây là sự đoán trước đề của một giáo viên thì thực sự là “chuyện vô cùng lạ ở Việt Nam”.

Vì bên cạnh những nội dung dạng chữ, còn có nhiều hình vẽ không có trong sách giáo khoa hay bất cứ đề nào trước đó. Đặc biệt, một số câu có sự trùng lặp từng câu chữ một cách chính xác, nguyên vẹn như trong đề thi. [1]

Nội dung mà thầy Nghệ ôn tập được cho là giống với đề thi môn Sinh học, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021. (Ảnh trên Nld.com.vn)

Nội dung mà thầy Nghệ ôn tập được cho là giống với đề thi môn Sinh học, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021. (Ảnh trên Nld.com.vn)

Thầy Nghệ là một giáo viên giỏi

Thầy Phan Khắc Nghệ đang giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh. Thầy tốt nghiệp bậc Tiến sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, được lãnh đạo Sở chọn về giảng dạy môn Sinh học tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh - ngôi trường trung học phổ thông nổi đình nổi đám hàng đầu tại khu vực miền Trung.

Từ năm 2008 đến 2014, thầy cùng với các đồng nghiệp trong tổ Sinh đã bồi dưỡng 51 học sinh đoạt giải học sinh giỏi Quốc gia. Trong đó có 2 học sinh được gọi vào đội dự tuyển học sinh giỏi quốc tế.

Bên cạnh đó, thầy còn tham gia biên soạn hơn 20 đầu sách môn Sinh Học như: Trắc Nghiệm Sinh Học 10 (Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2008); Bài Tập Trắc Nghiệm Sinh Học 12 (Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2008); Phương Pháp Giải Nhanh Bài Tập Di truyền (Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2010) Bộ Đề Thi Thử Trọng Tâm Môn Sinh Học (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012); Phương Pháp Giải Nhanh Các Dạng Bài Tập Sinh học (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012)…

Đáng chú ý là liên tục trong nhiều năm, thầy Nghệ là một trong 7 người trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời ra đề thi tuyển sinh vào Đại học môn Sinh học. [2]

Như vậy có thể nói, một phó hiệu trưởng có học vị tiến sĩ, dạy nhiều năm liền được thành tích rạng rỡ, thầy có uy tín cao trong giáo viên Sinh cả nước, rất đáng được ghi nhận.

Người viết, rất đánh giá cao thầy, tôn trọng công sức dạy dỗ và cống hiến của thầy.

Việc ra đề thi của Ban ra đề thi môn Sinh học của Bộ rất chặt chẽ, quy trình khép kín nên khó có thể nói có chuyện “lộ” đề.

Như vậy, thì chỉ có 2 nghi vấn thứ nhất là nghi ngờ có mối quan hệ nào với một trong những người trong Ban ra đề thi và nghi vấn thứ hai là Ban ra đề thi có vấn đề, việc ra đề thi có vấn đề để thầy Nghệ “bắt bài”, đoán trúng “tủ”?

Người viết xin được phân tích theo hướng việc Ban ra đề thi môn Sinh học của Bộ chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất, nếu ra đề mà bị một người nào đó đoán trúng đến gần 80% thì phải nói là chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Ban ra đề thi môn Sinh học của Bộ có bị “bắt bài”?

Tuy thầy Nghệ là một phó hiệu trưởng có học vị tiến sĩ, là giáo viên giỏi là điều không cần bàn cãi nhưng việc ra đề mà giống đến 80% đề thi Trung học phổ thông môn Sinh năm 2021 là điều còn khó hơn hái sao trên trời.

Môn Sinh là một môn Khoa học tự nhiên, tức không phải là kiến thức được học thuộc lòng mà gồm cả lý thuyết, bài tập trong đó có phần vận dụng, vận dụng cao.

Nói đúng hơn, với cấu trúc đề thi Sinh học thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì phần biết, thông hiểu 70%; vận dụng, vận dụng cao chiếm đến 30%.

Như vậy, phần thông hiểu, vận dụng cũng lên đến 50%, tức là phần bài tập vận dụng, thông hiểu phải trên 50%.

Mà đã gọi là bài tập, trong đó có nhiều bài tập khó về di truyền, biến dị; ứng dụng di truyền, đột biến gen, nhiễm sắc thể, phép lai, bài tập phả hệ, tiến hóa,… mà ra giống đề là điều khó có thể.

Người viết, không nói đến việc đúng sai vì việc này hãy để cơ quan chức năng kết luận.

Tuy nhiên, nếu kết luận do sự trùng hợp ngẫu nhiên thì ngoài việc chứng tỏ thầy Nghệ đoán đề quá giỏi còn phải đánh giá Ban ra đề thi môn Sinh học chưa làm hết trách nhiệm.

Như đã nói, Sinh học là một môn Khoa học tự nhiên, việc ra đề có cả Ban ra đề bài bản, kiểm tra, giám sát,… không thể lấy những câu hỏi và bài tập từ nguồn nào để thầy Nghệ đoán đề đến 80%?

Người viết cũng là một giáo viên thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên, khi ra các đề kiểm tra thông thường trong kỳ kiểm tra học kỳ, khi các phần lý thuyết thì cũng chọn lọc, sửa chữa những câu hỏi không giống nội dung sách giáo khoa, đến phần bài tập thì có thể tham khảo các bài tập trên sách tham khảo, sách nước ngoài,... nhưng tuyệt nhiên không bao giờ lấy giống 100% mà có chỉnh sửa, bổ sung hoặc tệ lắm thì thay đổi số, nên việc một đề thi hoặc đề kiểm tra giống đến 50% đề giáo viên khác ôn tập, dạy thêm bên ngoài là điều không thể có.

Nhìn qua các môn thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên như môn Lý, Hóa người viết tin rằng khó có giáo viên nào mà ôn tập giống đến 50%, mà thầy Nghệ ôn tập giống đến 80% thì quả là “siêu phàm”.

Nếu Ban ra đề thi Sinh học thi Trung học phổ thông một kỳ thi vô cùng quan trọng, một kỳ thi mà cả triệu học sinh cả nước thi, mà đề thi để một giáo viên ôn tập, “tủ” ngày cuối giống đến 80% đề thi thật là điều khó có thể chấp nhận, chứng tỏ Ban ra đề thi thiếu sự đầu tư, sáng tạo trong đề thi mà chỉ lấy từ những nguồn có sẵn, để một giáo viên dạy tại một trường Trung học phổ thông “bắt bài”.

Điều này phải được nghiêm túc rút kinh nghiệm, xử lý để tránh tái diễn tình trạng tương tự trong tương lai.

Cuối bài viết, rất mong các cơ quan chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo có đánh giá nghiêm túc đúng sai trong vụ việc này, rút kinh nghiệm nghiêm túc trong việc ôn tập, ra đề bên cạnh đó việc ra đề thi phải theo hướng mở, sáng tạo, đổi mới không nên rập khuôn từ những nguồn có sẵn, hoặc các bài tập tham khảo để tránh tình trạng học sinh học “tủ”, giáo viên dạy “tủ”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/thay-giao-bi-to-on-tap-giong-80-de-thi-sinh-len-tieng-873882.vov

[2] https://hoahoctro.tienphong.vn/thay-giao-co-bo-de-on-tap-giong-80-de-thi-that-nhieu-lan-duoc-bo-gd-dt-moi-ra-de-thi-dh-post1355581.tpo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM