Thầy cô eo hẹp về vật chất nhưng giàu có về tiếng cười

16/01/2016 07:17
Phan Tuyết
(GDVN) - Bù lại sự eo hẹp về vật chất, sự nghèo nàn về kinh tế nhưng các thầy cô lại có được niềm vui, sự an ủi từ những cô cậu học trò vô cùng dễ thương của mình.

LTS: Chuyện thưởng Tết giáo viên luôn là câu chuyện được bàn tán xôn xao mỗi dịp Tết đến xuân về. Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết đưa ra ý kiến nhằm phản biện lại quan điểm “nghề giáo nghèo”. Vậy thực hư thế nào?

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Năm nào cũng vậy, Tết đến xuân về, tiền thưởng Tết giáo viên luôn được bàn tán xôn xao. 

Suốt cả năm làm việc vất vả, đồng lương thấp chẳng mấy dư giả nên ai cũng ngóng trông khoản tiền thưởng ngoài lương dù ai cũng biết chẳng được bao nhiêu. 

Giáo viên trông chờ mức thưởng được nhận từng ngày, còn Hiệu trưởng lại "bạc đầu” tính toán để cân đối mức chi sao cho giáo viên đỡ tủi thân. 

Ai cũng biết, ngành giáo dục không có tiền thưởng Tết, mức tiền thưởng mà thầy cô nhận được hoàn toàn phụ thuộc vào tài vun vén, gói ghém chi tiêu trong suốt cả năm học. 

Thầy cô eo hẹp về vật chất nhưng giàu có về tiếng cười  ảnh 1
Thầy cô eo hẹp về vật chất nhưng giàu có về tiếng cười (Ảnh: vov.vn)

Trong buổi sum họp cuối năm, hiệu trưởng nhà trường sẽ đánh giá và ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu của cả tập thể giáo viên, công khai quỹ, thông báo số tiền dư của trường và số tiền giáo viên sẽ “được thưởng”. 

Có năm mức tiền thưởng lên đến vài trăm nghìn đồng đã được xem là món tiền lớn bởi nhìn sang một số trường bạn ở khắp nơi đôi khi họ chỉ nhận được gói hạt dưa hay hộp bánh. 

Không tránh khỏi sự ngậm ngùi, chạnh lòng và những giây phút so bì với các ngành nghề khác có mức thưởng bằng cả năm lương của thầy cô giáo. 

Nhưng chỉ là đôi chút buồn lòng hiển nhiên rồi tiếng cười, niềm vui lại tràn đầy trên từng khuôn mặt. Bởi ai ai cũng thấu hiểu và cảm thông với ngành, với nghề để tự bằng lòng với những gì mình đang có được.

Thầy cô eo hẹp về vật chất nhưng giàu có về tiếng cười  ảnh 2

Nhà giáo trẻ khốn đốn với cơm áo gạo tiền

Đam mê, nhiệt huyết và tràn đầy lý tưởng, nhưng những áp lực xã hội, nỗi lo cơm áo gạo tiền và những tiêu cực giáo dục khiến nhiều nhà giáo trẻ ngậm ngùi thất vọng.

Bù lại sự eo hẹp về vật chất, sự nghèo nàn về kinh tế nhưng các thầy cô giáo lại có được niềm vui, sự an ủi từ những cô cậu học trò vô cùng dễ thương của mình. 

Những cánh thiệp chở đầy yêu thương mà tự tay các em ngồi nắn nót viết lên từng dòng chữ “Con yêu thầy (cô) suốt đời”, “Cô là người mẹ hiền thứ hai của con. Con chúc cô và gia đình một mùa xuân ấm áp” hay “Con yêu cô nhất trên đời. Có cô con thấy mỗi ngày đến trường thật sự là niềm vui”...

Không xúc động, không vui, không hạnh phúc sao được khi nhận được những tình cảm ấy của các em? Những lời chân tình như thế liệu tiền nhiều có mua được?

Ngoài niềm vui, niềm an ủi khi có được tình yêu thương vô bờ của học sinh, nhiều thầy cô thấy lòng mình được sưởi ấm bởi sự quan tâm chia sẻ của nhà trường. 

Buổi chia tay cuối năm, bao giờ cũng được nhà trường tổ chức thật ấm cúng và vui vẻ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các cán bộ công nhân viên của trường. 

Phan Tuyết