Thầy giáo cắm bản 25 năm không hề biết đến thưởng Tết

31/12/2020 06:25
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Suốt 25 năm cắm bản, thầy giáo Lùng Văn Dũng chẳng bao giờ biết đến chuyện thưởng Tết. Thưởng Tết là điều gì đó xa xỉ

Điểm trường U Pa Tết (xã Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu) nằm heo hút, biệt lập giữa trùng điệp núi rừng.

Từ trung tâm huyện Mường Tè đến với bản U Pa Tết ngót nghét 100 km nhưng phải chia làm 3 hành trình.

Mỗi hành trình xưa nay vẫn là những kỷ niệm trong suốt những thời tuổi trẻ của các thầy cô giáo cắm bản trên vùng đất gian khó này.

Trước đây, khi chưa có đường, các thầy cô giáo phải mất nhiều ngày đường mới có thể đi vào đến điểm U Pa Tết.

Để vào được U Pa Tết, thầy Đao Văn San, Hiệu phó trường Mầm non Tà Tổng, người dẫn đường cho chúng tôi tỏ ra ái ngại và khuyên chúng tôi cân nhắc kỹ bởi đường đi khó và nhỏ hẹp.

Chúng tôi phải nghỉ lại cụm bản Nậm Ngà một đêm, sáng hôm sau mới có thể vào bản.

Đường vào bản U Pa Tết. Ảnh: LC

Đường vào bản U Pa Tết. Ảnh: LC

Đường vào U Pa Tết là con đường mòn men theo suối, vắt qua ngọn núi, triền đồi với một bên là núi cao và một bên là vực thẳm… Hành trình vào U Pa Tết quả là hành trình “lạnh sống lưng”.

Ai gặp chúng tôi đều nở nụ cười tươi kèm theo câu hỏi: “Vào trong bản công tác à?”.

Bản U Pa Tết có vài chục nóc nhà, nằm vị trí giữa bản là hai ngôi nhà của điểm trường được dựng trên nền đất và vách gỗ tạm.

Bản U Pa Tết vẫn nhiều không khi vẫn không có điện lưới, không sóng điện thoại, không đường bê tông…

Nằm sát bên con suối, điểm trường U Pa Tết của trường Phổ thông bán trú Tiểu học Nâm Ngà có 2 lớp học với gần 30 học sinh, do 2 thầy giáo Đao Văn Tam (sinh năm 1983) và thầy giáo Lùng Văn Dũng (sinh năm 1975) phụ trách.

Điểm trường U Pa Tết của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà. Ảnh: LC

Điểm trường U Pa Tết của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà. Ảnh: LC

Cả 2 thầy đều là người dân tộc Thái ở xã Bum Nưa cùng huyện Mường Tè nhưng cách điểm trường non 100 km.

Riêng thầy giáo Lùng Văn Dũng đã có thâm niên 25 năm cắm bản từ khi Mường Tè chưa tách huyện.

Nói về những ngày đầu đi cắm bản thầy Dũng bảo: “Ngày xưa thì khổ lắm, không kể hết được”.

Thầy Dũng cho biết những ngày mới lên trường không có một chiếc bàn học, giáo viên cũng phải cầm búa, cầm đinh đóng từng chiếc bàn chiếc ghế cho học trò từ những tấm ván của bà con đồng bào đưa đến.

Những ngày đầu, nhận thức của bà con còn kém nên việc vận động khó khăn lắm, lại bất đồng ngôn ngữ nữa nhưng bây giờ cũng đỡ hơn nhiều rồi.

Lưới bắt cá của các thầy giáo ở điểm trường U Pa Tết.

Lưới bắt cá của các thầy giáo ở điểm trường U Pa Tết.

Phụ huynh cũng đã có ý thức, quan tâm việc học của các con hơn. Sỹ số học sinh ở U Pa Tết luôn ổn định không có trường hợp các em nghỉ học ở nhà làm nương làm rẫy giúp cha mẹ”, thầy Dũng cho biết.

Cũng như thầy Dũng, thầy Tam cũng có thâm niên 8 năm cắm bản. Tuổi trẻ của thầy Dũng, thầy Tam cũng trải khắp những triền núi, dựng những lớp học “đuổi theo nương” gieo chữ cho đồng bào.

Kể về hoàn cảnh gia đình, thầy Dũng, thầy Tam các con đều đã lớn, có con trưởng thành.

Thậm chí thầy Dũng còn đùa, sắp lên chức ông rồi khi con cả của thầy cũng đã ra trường, có công ăn việc làm. Các con của 2 thầy, chẳng ai thích nghề giáo.

Trong phòng ở tuềnh toàng của 2 thầy, dễ nhìn thấy là tấm lưới. Thầy Tam bảo lưới để đi bắt cá.

“Thỉnh thoảng hai thầy đi bắt cá, thầy trò cùng ăn. Nhưng cuối năm, nước lạnh, hôm qua đi cả ngày chẳng được con cá nào.

Lớp học của thầy giáo Lùng Văn Dũng. Ảnh: LC

Lớp học của thầy giáo Lùng Văn Dũng. Ảnh: LC

Lúc mùa hè cũng có cá, có hôm kéo được tương đối nhưng có hôm chẳng có con nào. Học sinh ở đây được nhà tài trợ tài trợ cho bữa cơm trưa. Không ăn cơm trưa thì chiều các em cũng không đi học luôn.

Các thầy cũng không có thời gian đi chợ, nhờ dân ai ra Nậm Ngà (trung tâm bản- phóng viên) mua hộ được thì tốt, mưa quá thì các thầy lại ăn cơm với muối”, thầy Tam vừa cười vừa kể.

Nhu cầu của các thầy ở trong U Pa Tết vẫn là điện, bất kể khi nào tranh thủ là các thầy đi “xạc” điện, bất kỳ thứ gì có thể lưu trữ được điện đều được tận dụng. Điện để sạc điện thoại, bóng tích điện lấy ánh sáng đêm…

Cả cụm trường mầm non và Tiểu học trong U Pa tết có một điểm rất đặc biệt của cả thầy cô giáo mầm non và thầy Tam, Thầy Dũng. Đó là điểm hứng sóng. Các thầy phải đóng sẵn một khay, cố định chiếc điện thoại, để đó bất di bất dịch.

Lớp học của thầy Đao Văn Tam. Ảnh: LC

Lớp học của thầy Đao Văn Tam. Ảnh: LC

“Khi có điện thoại đến phải thật khéo, nếu không chạm nhẹ, dịch đi một chút là mất sóng luôn”, thầy Tam vừa kể vừa giới thiệu về vị trí đặc biệt này.

Đặt câu hỏi về thưởng tết, cả 2 thầy đều cười ngượng: “Không có thưởng tết đâu”!

Thầy Dũng cho biết đi cắm bản suốt 25 năm nay, chưa năm nào có thưởng tết, còn thầy Tam cũng 8 năm chưa biết thưởng tết là gì.

“Tết được ứng trước tháng lương, dồn thành “một cục”, về nhà chi tiêu cái này, cái nọ cho tết lại hết”, thầy Dũng cho biết.

Thầy Tam cũng nói ngắn gọn: “Không có thưởng tết đâu. Tết về rồi có chút tiền dồn lại, tiêu xong ra riêng lại thiếu. Năm nào cũng thế”.

Điểm hứng sóng của các thầy cô giáo trong bản U Pa Tết. Ảnh: LC

Điểm hứng sóng của các thầy cô giáo trong bản U Pa Tết. Ảnh: LC

Dù không cho biết con số cụ thể lương được bao nhiêu nhưng cả thầy Tam, thầy Dũng đều bảo mỗi lần có lương là về thăm nhà… “Quanh đi, quẩn lại là thấy hết tiền”.

Khi được hỏi tết về bây giờ các thầy có lo lắng về học sinh bỏ học theo bố mẹ đi rẫy không.

Thầy Dũng kể, trước đây thì có nhưng bây giờ cũng khác rồi, chỉ cần mình đến trước 1 – 2 ngày trước khi vào học, báo với trưởng thôn, rồi đến từng nhà nói với phụ huynh là được.

“Trước đây, mỗi lần sau tết là phải đi “bắt” học sinh đến khổ. Cứ đầu bản được đứa này, cuối bản đứa kia chạy mất. Ra tết là học sinh vắng, phải đến hết tháng riêng mới đủ sĩ số”.

Thầy Tam phải chỉnh lại điện thoại kẻo mất sóng.

Thầy Tam phải chỉnh lại điện thoại kẻo mất sóng.

Xã Tà Tổng nhiều năm nay đã đổi thay nhưng U Pa Tết vẫn là một trong những bản còn nghèo khó và biệt lập nhất của toàn xã, thế nhưng, các lớp học, ý thức của phụ huynh đối với giáo dục đã khác. Giáo dục đang gióp phần tạo nên sự đổi thay ở U Pa Tết.

Trần Phương