Thầy giáo thắp lửa đưa tri thức xanh vào công tác tình nguyện

29/07/2020 06:15
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy giáo trẻ Phan Tuấn Anh, Bí thư Đoàn trường Đại học Đà Lạt đã dành nhiều tâm huyết với dư án tình nguyện “Đưa tri thức vào Mùa hè xanh”.

“Mình suy nghĩ cần phải thay đổi cách làm Mùa hè xanh bằng việc đưa lợi thế của các bạn sinh viên là kiến thức và kỹ thuật tiên tiến vào chiến dịch.

Làm sao để khi chiến dịch kết thúc, chiến sỹ tình nguyện rời đi nhưng giá trị và lợi ích vẫn còn ở lại, và được nhân rộng”.

Đó là chia sẻ của thầy giáo trẻ Phan Tuấn Anh, Bí thư Đoàn trường Đại học Đà Lạt khi nói về dự án bao tâm huyết mang tên “Đưa tri thức vào Mùa hè xanh”.

Mùa hè xanh thực hiện bằng tri thức

Sinh năm 1985, quê gốc Nam Định, thầy Tuấn Anh lại gắn bó với mảnh đất cao nguyên Lâm Đồng như một duyên nợ. Yêu Đà Lạt với vẻ mộng mơ vốn có một phần thì thầy thương sự mộc mạc, bình dị con người nơi đây mười phần.

Bởi trân quý cái tình mảnh đất và con người mang đến nên không hiếm khi sinh viên, người dân bản làng các xã vùng sâu, vùng xa bắt gặp thầy Tuấn Anh trong hình ảnh lấm lem bùn đất xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp hay ngồi chăm chú, tỉ mỉ phổ biến cho người dân kỹ thuật áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, cây trồng.

Thầy Tuấn Anh (áo xanh ở giữa) chuyển giao công nghệ ủ phân từ vỏ cà phê cho đồng bào K'Ho. ảnh: NVCC.

Thầy Tuấn Anh (áo xanh ở giữa) chuyển giao công nghệ ủ phân từ vỏ cà phê cho đồng bào K'Ho. ảnh: NVCC.

Đã hơn chục năm dành trọn tâm huyết đồng hành với chương trình Mùa hè xanh, thầy Tuấn Anh chia sẻ: “Mình nhận thấy, người dân đã quá quen với hình ảnh các chiến sỹ tình nguyện giúp bà con đào mương, cuốc đất, làm đường, sửa nhà… thực tế, những việc đấy thanh niên địa phương có thể làm nhanh và hiệu quả hơn.

Trong khi đó sinh viên là lực lượng tri thức, các bạn được học, được đào tạo bài bản, được tiếp cận những khoa học, công nghệ mới, nếu thực hiện chương trình phổ biến về các kiến thức nông nghiệp trong thời gian thực hiện chương trình nhất định mang lại kết quả đáng kể.

Thêm vào đó, chương trình giảng dạy dành cho các bạn sinh viên tại trường đại học mang tính lý thuyết cao hơn thực hành và thực tế cho thấy sau khi tốt nghiệp, hầu hết sinh viên đều mất một thời gian rất dài để làm quen, thử nghiệm các công nghệ.

Điều này cho thấy, nếu sinh viên tham gia dự án, thì Mùa hè xanh chính là trường học lớn, người dân trên địa bàn tình nguyện chính là người thầy lớn để các em có thể có kiến thức thực tế, sâu rộng hơn ngay khi ngối trên ghế giảng đường”.

Đoàn trường Đại học Đà Lạt đưa "tri thức xanh" về buôn làng. ảnh: NVCC.

Đoàn trường Đại học Đà Lạt đưa "tri thức xanh" về buôn làng. ảnh: NVCC.

Từ hè năm 2017 khi dự án “Đưa tri thức vào Mùa hè xanh” chính thức được triển khai đến nay đã thực hiện 7 mô hình, công trình tiêu biểu gồm:

Chuyển giao kỹ thuật chăm sóc (dinh dưỡng) cây trồng; Chuyển giao kỹ thuật chống sâu bệnh trong canh tác cây nông nghiệp; Xây dựng bể lọc nước đơn giản cho đồng bào dân tộc thiểu số; Điều tra di sản văn hóa dân gian của đồng bào Mạ, K’ho tại huyện Đạ Huoai; Sưu tầm văn hóa truyền thống đồng bào Tây Nguyên tại huyện Đam Rông; Chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, chống sâu bệnh trong canh tác cây cà phê; Chuyển giao công nghệ ủ phân từ vỏ cà phê và chọn giống cây trồng.

Làm công tác Đoàn nhất định phải “đi dân nhớ, ở dân thương”

Sau hơn ba năm triển khai, dự án đã hỗ trợ được rất nhiều bà con nhân dân ở các xã nghèo của huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng như: xã Rô Men, xã Đạ Long, xã Đạ Tông; và các xã của huyện Lâm Hà như: xã Mê Linh, xã Liên Hà, xã Phú Sơn, xã Phi Tô.

Hiện Mùa hè xanh năm 2020 đang tiến hành hỗ trợ cho các xã thuộc huyện Đạ Huoai như: xã Phước Lộc, xã Đoàn Kết…

Dự án “Đưa tri thức vào Mùa hè xanh” của thầy Tuấn Anh rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ và tạo điều kiện từ nhà trường.

Trường Đại học Đà Lạt là một trường đạo tạo đa ngành, đa lĩnh vực nên từng mô hình triển khai sẽ đúng với chuyên môn các thầy cô, kiến thức sinh viên được đào tạo.

“Nếu dự án của mình chỉ nằm trong ý tưởng, chỉ nằm trên giấy mà không có người cùng chung tay, chung sức, đồng lòng thực hiện thì chắc chắn dự án của mình không bao giờ thành công, vẫn chỉ là của bản thân và không có sức lan tỏa đến cộng đồng”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.

Khi được hỏi về những khó khăn, thầy giáo chỉ cười hiền rồi nói “nhiều lắm, không nhớ hết được, chỉ nhớ về những ngày đầu thôi, còn vất vả lúc đã vào guồng rồi thì chỉ là chuyện nhỏ.”.

Mùa hè xanh luôn là chương trình thu hút đông đảo sinh viên của các trường đại học tham gia.

Tuy nhiên, thời gian đầu khi phát động chương trình khẩu hiệu “Đưa tri thức vào Mùa hè xanh”, là Mùa hè xanh mới, được thực hiện bằng những kiến thức được học chứ không đơn thuần lao động chân tay như trước thì rất ít sinh viên tham gia, họ e ngại vì lượng kiến thức vẫn còn hạn chế.

Áp dụng công nghệ vào quy trình ủ phế phẩm vỏ cà phê thành phân bón. ảnh: NVCC.

Áp dụng công nghệ vào quy trình ủ phế phẩm vỏ cà phê thành phân bón. ảnh: NVCC.

“Mình đã thuyết phục các bạn, mời các thầy cô cùng đồng hành. Sau khi thực hiện thành công, kết thúc chiến dịch 5 tháng, mình có quay lại vườn, nơi đã được hỗ trợ khi thực hiện “Đưa tri thức vào mùa hè xanh” thì thấy vườn đã phát triển tốt hơn trước.

Một năm sau, mình quay lại thì được cho biết đã có giá trị cao hơn trước khi sinh viên tình nguyện về.

Cứ như thế, sinh viên không còn ngần ngại với chương trình mà mình phát động nữa, tình nguyện viên ngày càng đông đảo và chất lượng hơn”, thầy Tuấn Anh tâm sự.

Không chỉ sinh viên thấy “lạ”, ngay cả đại diện chính quyền các xã cũng rất bỡ ngỡ thời gian đầu. Nguyên nhân vì Mùa hè xanh của thầy giáo trẻ không giống như những gì họ nghe kể, họ không tin tính khả thi của chương trình.

Thầy Tuấn Anh trải lòng: “Đây là những lúc mệt mỏi nhất, bởi mình phải chứng minh chương trình đã có kết quả ở các địa bàn thực hiện trước đó. Phải có thêm sự thuyết phục của các thầy cô chuyên môn. Có những địa bàn thời gian thuyết phục để triển khai chương trình kéo dài hơn nhiều so với quỹ thời gian chương trình thực hiện.

Để rồi, khi chiến dịch kết thúc đã có những giọt nước mắt rơi vì lưu luyến, vì cảm ơn, vì hạnh phúc. Cán bộ Đoàn như mình, chỉ cần đi dân nhớ, ở dân thương thi bao nhiêu khó khăn cũng tan biến thành nụ cười”.

Bởi luôn tâm niệm rằng: “Chúng ta là những người trẻ, chúng ta có sức khỏe, có trí tuệ, có thời gian vì thế chúng ta hãy tự tin sống cống hiến với tinh thần dám nghĩ, biết cách làm và dám chịu trách nhiệm”, nên ngoài dự án “Đưa tri thức vào Mùa hè xanh” thầy Phan Tuấn Anh luôn là người đi đầu phát động các phong trào khác như: “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo gương Bác”, phong trào “Sinh viên 5 tốt”…

Năm 2020, thầy giáo Phan Tuấn Anh vinh dự nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Cao Kim Anh