Thầy Lê Viết Khuyến nói, gian lận thi quốc gia, cứ xử nặng Chủ tịch tỉnh là hết

30/11/2018 07:41
Thanh Sơn
(GDVN) - Kỳ thi quốc gia, nếu địa phương nào để xảy ra tiêu cực, người đứng đầu (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) phải chịu trách nhiệm chính trước Thủ tướng.

Tại tọa đàm “Cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh đại học năm 2019”, ông Phạm Như Nghệ - Vụ phó Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã thông tin một số điểm dự kiến điều chỉnh trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019.

Theo đó, vị này cho hay, việc chấm thi, đặc biệt là bài trắc nghiệm có thể sẽ không giao các địa phương chủ trì như trước đây mà chuyển cho các trường đại học. 

Có thể sẽ dồn vào một số điểm để chấm chứ không phải chấm tại tất cả 63 tỉnh thành.
Và trong khâu coi thi cũng sẽ có điều chỉnh, trước đây được giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với đại học ở trung ương và địa phương.

Năm 2019, công tác này dự kiến được thay đổi theo hướng trường đại học/cao đẳng địa phương sẽ không coi thi tại địa phương đó. 

Ví dụ, trường đại học ở tỉnh Bắc Ninh sẽ phải chuyển đi coi thi ở tỉnh khác chứ không coi thi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. 

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, nếu địa phương nào để xảy ra tiêu cực, người đứng đầu (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) phải chịu trách nhiệm chính trước Thủ tướng. (Ảnh: Thùy Linh)
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, nếu địa phương nào để xảy ra tiêu cực, người đứng đầu (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) phải chịu trách nhiệm chính trước Thủ tướng. (Ảnh: Thùy Linh)

Trước thông tin này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia với mục đích tiên phong là xét tốt nghiệp trung học phổ thông do đó xét về năng lực thì giáo viên phổ thông hoàn toàn có đủ năng lực để chấm các bài thi. 

Hơn nữa, giờ đây chúng ta đã chấm bài thi trắc nghiệm bằng máy quét do đó nếu lý giải vì kỳ thi quốc gia năm 2018 có những tiêu cực trong quá trình chấm thi mà năm 2019 giao về cho các trường đại học thì đó không phải phương án tối ưu và ai dám chắc sẽ không xảy ra tiêu cực. 

Chính vì vậy, ông Khuyến khẳng định: “Chủ trương, định hướng về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là hoàn toàn đúng đắn tuy nhiên trong quá trình triển khai còn một số bất cập do đó để hoàn thiện kỳ thi này thì cần tập trung thực đột phá 2 giải pháp lớn ngay trong thời gian tới”. 

Theo đó, ông Khuyến nêu, thứ nhất, cần phải tiếp tục hoàn thiện quy trình làm đề thi, kiện toàn ngân hàng câu hỏi. 

Thứ hai, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cần tiếp tục phân cấp về cho địa phương tổ chức (bao gồm cả khâu coi thi), giảm tốn kém cho xã hội. 

Thi quốc gia 2019, cán bộ không được chấm bài thi của thí sinh tỉnh mình

Việc tổ chức thi và chấm thi phải được công khai, minh bạch, kèm theo giám sát xã hội, chứ không chỉ là giám sát nội bộ như lâu nay. 

Ví dụ, có thể đặt camera ở các nơi bảo quản đề thi và tổ chức chấm thi. 

Nhiều người băn khoăn khi giao kỳ thi về cho địa phương thì dễ nảy sinh tiêu cực như kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 vừa qua, ông Khuyến cho rằng, khi đã phân cấp cho địa phương thì phải giao quyền và gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương

Khi họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp thì họ sẽ huy động toàn bộ hệ thống chính trị địa phương làm tốt nhiệm vụ được giao.

Ví như, có những vấn đề rất lớn như bầu Đại biểu Quốc hội, ở đâu đó còn có chuyện này chuyện kia nhưng chẳng lẽ vì vậy mà mang tất cả phiếu ở các tỉnh tập trung về Quốc hội để kiểm phiếu. 

Giữ kỳ thi quốc gia đến năm 2020 với 6 thay đổi, điều chỉnh

Do đó, trong trường hợp địa phương nào để xảy ra sai sót, người đứng đầu (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) phải chịu trách nhiệm chính trước Thủ tướng. 

“Tôi tin với việc gắn trách nhiệm như vậy, các địa phương sẽ huy động tất cả nguồn lực của mình để tổ chức kỳ thi quốc gia tốt, hiệu quả” - ông Khuyến bày tỏ.

Thanh Sơn