Thầy Tạ Quang Sum tản mạn 9 vấn đề giáo dục khiến cả nước rùng rùng chuyển động

05/09/2018 05:29
TẠ QUANG SUM
(GDVN) - Đừng bắt cả trường và cả lớp phải đi học thêm vì… thật nghịch lý khi cùng một khối lượng kiến thức ấy mà người học phải trả đến hai lần tiền.

LTS: Trước thềm năm học mới, chia sẻ về những vấn đề của ngành giáo dục, thầy Tạ Quang Sum đã có bài viết gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Năm học mới đã bắt đầu, người người xôn xao – nhà nhà xôn xao – trường trường rộn ràng – cả nước rùng rùng chuyển động.

Những nét đẹp truyền thống pha lẫn cách tân vẽ nên bức tranh thật phong phú cả màu sắc lẫn ý nghĩa cho ngày đầu tiên và cả thời đi học.

Buổi lễ khai giảng năm học mới (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Buổi lễ khai giảng năm học mới (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Giáo dục tác động đến toàn xã hội bởi vì cả pháp và thể đều thuộc về nên có biết bao điều cần nói.

Đổi mới: là thuộc tính của nền giáo dục tiến bộ, hoạt động đổi mới cần được diễn ra thường xuyên theo định kỳ nhằm chỉnh lý: Chương trình – nội dung – phương pháp giáo dục… để bắt kịp sự phát triển của khoa học – công nghệ, kinh tế - xã hội.

Nhưng, đổi mới phải bảo đảm tính kế thừa ổn định, phải được đưa vào dòng chảy sao cho êm đềm hướng về phía trước, không cần thiết tạo ra cuộc cách mạng.

Mục tiêu chiến lược của giáo dục luôn phải là: Nhân bản - Dân tộc – Khoa học – Khai phóng.

Ký tự và ký âm ngôn ngữ Việt: Lịch sử tiếng Việt là một quãng đường dài tiếp nối bởi nhiều chặng.

Các nhà ngôn ngữ học chuyện biệt hoặc nghiệp dư từ chính trị, đã bỏ nhiều công sức và có nhiều công lao cho việc hình thành tiếng Việt, trở nên là chính ngôn và chính ngữ của dân tộc và quốc gia Việt hôm nay.

Thầy Tạ Quang Sum tản mạn 9 vấn đề giáo dục khiến cả nước rùng rùng chuyển động ảnh 2Người Việt nói và viết sai tiếng Việt thành quen

Với phương tiện truyền thông hiện nay, nói đến từ và âm Việt là lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Cái gì cần thay và đổi phải đạt mục tiêu phát triển và đại chúng.

Đừng tạo ra cá biệt và thời thượng, bởi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao tiếp và giao lưu.

Bầu cử chức danh hiệu trưởng: Hiệu trưởng là người điều hành – quản lý mọi hoạt động của cơ sở giáo dục.

Ngoài việc phải tốt nghiệp Đại học sư phạm, phải có chứng chỉ Tâm lý giáo dục, phải được đào tạo từ trường hiệu trưởng, nhất thiết phải được bổ nhiệm từ cơ quan quản lý chuyên ngành cấp trên.

Hiệu trưởng có phải chức danh dân cử đâu mà bầu. Vả lại, sao bắt người chỉ huy đơn vị trở nên con tin cho nhiều nhóm lợi ích khác nhau.

Sách giáo khoa: Đầu năm học mới mỗi gia đình có bao nhiêu đứa con đi học là phải mua bấy nhiêu bộ sách giáo khoa.

Những ngày chuẩn bị khai giảng có nơi còn buộc tất cả học sinh phải mang cả ba lô sách giáo khoa đến trường để kiểm tra.

Sách giáo khoa là dụng cụ hỗ trợ học tập, là tài liệu nghiên cứu… nhưng hiện nay tác dụng của nó đã biến thể bởi nhiều mục đích kinh tế siêu lợi nhuận.

Thật khôi hài khi đến tiết học, thầy cầm sách giáo khoa đọc những đoạn in sẵn – trò mở sách giáo khoa dò theo.

Vậy thì còn gì sáng tạo trong giảng dạy và chọn lọc tiếp thu.

Ngoài những quyển sách nhằm hỗ trợ, rèn luyện đồ chép tạo hình, còn lại chỉ nên giới thiệu để cần thì mua. Không nên tạo ra nhu cầu đồng loạt mà giá trị hiệu dụng không nhiều.

Thầy Tạ Quang Sum tản mạn 9 vấn đề giáo dục khiến cả nước rùng rùng chuyển động ảnh 3Dân phải bỏ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nuôi cách đánh vần lạ?

Đừng để làn sóng sách giáo khoa trở nên nỗi ám ảnh của học sinh, cả gia đình và xã hội.

Chiến lược giáo dục có thể bị mất định hướng vì tập quán dùng sách giáo khoa đã hình thành trong tâm lý nhân dân hiện nay.

Dự giờ, thăm lớp: Là hoạt động nghiệp vụ nhằm quản lý chuyên môn, nhằm học tập lẫn nhau để nâng cao tay nghề.

Dạy học là nghề cao quý, không thể buộc người này phải truyền bí kíp cho người khác. Lại càng không thể nhân danh các mục đích khác để làm biến đổi không gian sư phạm của lớp học.

Mọi việc dự giờ - thăm lớp phải diễn ra từ bên ngoài cửa sổ, không làm khuấy động con người và tổ chức bên trong. Cán bộ quản lý và các thầy cô giáo cứ đứng ngoài với sổ ghi chép cầm tay.

Đừng bắt học sinh phải dồn chỗ cho cả đoàn người, người dạy và học sinh phải đóng kịch rồi sau đó thầy cô chì chiết nhau trên kịch bản.

Sinh hoạt chủ nhiệm: Mỗi thầy cô giáo chủ nhiệm là người chủ một gia đình đông con, quản lý bầy lau nhau ấy đòi hỏi phải có nghệ thuật, không thể lấy la mắng kiểm điểm làm đầu.

Mỗi tuần có 2 tiết gặp gỡ đừng chỉ quanh quẩn chuyện đóng tiền bạc và chê trách. Phải tạo ra một không khí ấm cúng gia đình để trao truyền kỹ năng sống về mọi mặt cho những công dân đang đứng trước ngưỡng cửa vào đời.

Một bài hát hay – một truyện ngắn hay – một câu chuyện gần gũi… sẽ để lại trong lòng lớp trẻ những kỷ niệm êm đềm thời đi học và vốn sống cả đời người mà lớp học là gia đình riêng.

Muốn vậy phải thường xuyên tập huấn cho giáo viên những chuyên đề liên quan công việc chủ nhiệm.

Thầy Tạ Quang Sum tản mạn 9 vấn đề giáo dục khiến cả nước rùng rùng chuyển động ảnh 4Giáo viên nữ mặc trang phục nào lên lớp là phù hợp nhất?

Trang phục của thầy cô giáo: Thầy cô giáo là linh hồn, là thần tượng, là đấng thiêng liêng của học sinh.

Với những con người ngồi trước bục giảng: Mỗi lời nói – âm điệu – dáng đi – cái khoát tay – nụ cười – cái cau mày… của thầy cô luôn để lại trong trí và tâm học sinh chất liệu nền cuộc đời.

Nhất là trang phục, thầy cô nên mặc áo quần lịch sự trang nhã, đừng mặc quần Jean áo thun, đừng mặc váy ngắn – đừng xẻ sau – đừng tạo ra lý do cho học sinh chỉ nhìn vào một chỗ mà không toàn thể dung mạo….

Thầy cô nên có cái đẹp thánh thiện khác với người mẫu, sẽ tạo nên rung động mượt mà trong tâm hồn giới trẻ.

Dạy thêm và học thêm: Thêm là ngoài chính khóa, thêm để bổ sung thu nhập của thầy và kiến thức của trò, ai cần mới thêm.

Đừng bắt cả trường và cả lớp phải đi học thêm vì… thật nghịch lý khi cùng một khối lượng kiến thức ấy mà người học phải trả đến hai lần tiền.

Thời gian học thêm lấn hết thời gian nghỉ ngơi, học sinh vất vả - cha mẹ thêm lo toan.

Một con người có nhiều việc phải học lắm chứ, âm nhạc – hội họa – văn chương… làm nên nhân cách và văn minh, sao chỉ tập trung vào Toán – Lý – Hóa để thành robot.

Thầy Tạ Quang Sum tản mạn 9 vấn đề giáo dục khiến cả nước rùng rùng chuyển động ảnh 5Phong trào nhà trường thân thiện, học sinh tích cực sẽ đi về đâu?

Trường học thân thiện – học sinh tích cực: Đó không phải là khẩu hiệu mà là bản chất đầy đủ của sự vật và hiện tượng trường học.

Trường học phải thân thiện thì mới cuốn hút được giới trẻ đến trường. Tuổi trẻ phải tích cực thì mới có những lớp công dân đủ trí tuệ và năng lực kế thừa.

Như vậy, mọi giải pháp – mọi tác động lên trường học trước và trên hết phải được đánh giá mức độ thân thiện, thầy cô giáo luôn là người tạo ra sự thân thiện.

Đừng vì thành tích, vì lợi ích cục bộ mà biến các hoạt động giáo dục thành nỗi đe dọa, làm cho học sinh trở nên cô đơn trong hành trình vào tương lai.

Rồi ngày tháng qua đi, từng lớp người kế tiếp nhau vào đời. Dịp trọng đại để ngồi lại với nhau là ngày hội trường – hôm họp lớp.

Những câu chuyện về tháng năm đi học – về thầy cô và mái trường thân yêu… sẽ là kỷ niệm mà sự trân trọng được đặt cao và thân thương nhất.

Mong sao tản mạn giáo dục sẽ là chắp nhặt những câu chuyện vui!

TẠ QUANG SUM