TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT:

"Thi đại học quanh năm là ý tưởng hay, nhưng ai sẽ thực hiện?"

09/06/2013 07:26
Xuân Trung
(GDVN) - Bàn luận xung quanh ý tưởng tổ chức thi ĐH quanh năm của PGS. TS Nguyễn Văn Nhã – Nguyên Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc Gia Hà Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi. TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT cho rằng, đó là ý tưởng hay nhưng quan trọng ai sẽ là người đứng ra thực hiện điều này.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi ngắn với TS Tùng xung quanh vấn đề trên.
PV:  TS Lê Trường Tùng, vừa qua có ý kiến (PGS Nguyễn Văn Nhã) đề nghị rằng Bộ GD&ĐT nên tổ chức thi Đại học quanh năm. Theo ý kiến này, việc thi lấy chứng chỉ Toefl, Ielts, …tổ chức quanh năm được thì việc thi đại học cũng làm được, mục đích là để tạo cơ hội cho học sinh có cơ hội được học tập, không lãng phí thời gian khi có thể thi đại học không đỗ. Ý kiến của ông về ý tưởng này như thế nào, liệu có khả quan không?
TS Lê Trường Tùng: Mỹ đang thực hiện theo mô hình này (thi nhiều lần thông qua thi SAT) – còn Anh thì thi làm 2 đợt trong năm. Thực chất của các cuộc thi này là cung cấp một thước đo chung đáng tin cậy - để các trường đại học dựa trên kết quả này và một số tiêu chí khác tuyển sinh hàng năm. Việc thi cử được tổ chức gọn nhẹ, thông qua các tổ chức khảo thí, ít thấy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước. Theo tôi đây là ý tưởng hay. 
TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng ĐH FPT" Tôi thích bàn theo tinh thần là có “bỏ sổ gạo” hay không, chứ không phải bàn là “dùng sổ mua gạo mấy lần một tháng là hợp lý”. Tôi theo trường phái ủng hộ tự chủ tuyển sinh. . Ảnh Xuân Trung
TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng ĐH FPT" Tôi thích bàn theo tinh thần là có “bỏ sổ gạo” hay không, chứ không phải bàn là “dùng sổ mua gạo mấy lần một tháng là hợp lý”. Tôi theo trường phái ủng hộ tự chủ tuyển sinh. . Ảnh Xuân Trung

 Và lúc này, các trường phải tự lựa chọn cuộc chơi cho mình, phù hợp với khả năng đào tạo, hình thức đào tạo… và như vậy chính Bộ Giáo dục cũng bớt được một gánh nặng là phải đánh giá, phân tầng. Quan điểm của ông về nội dung này như thế nào, nếu áp dụng như vậy Bộ Giáo dục có giảm được gánh nặng không?
TS Lê Trường Tùng: Các trường đại học khi đủ tầm để dạy sinh viên trong 4-5 năm, đủ tầm để tổ chức cho sinh viên làm luận văn, thi tốt nghiệp, đủ trách nhiệm khi cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên gắn với tên tuổi của trường – thì cũng hoàn toàn đủ năng lực để xác định phương thức tuyển sinh phù hợp và tổ chức tuyển sinh theo cách mà trường cho là hợp lý nhất.   
Theo quan điểm riêng của ông, nếu chúng ta thực hiện thi đại học quanh năm như vậy có cải tiến được tình hình thi cử hiện nay, khi hàng năm Bộ GD&ĐT công bố mức điểm sàn vẫn thấp chưa được 1/2  tổng số điểm 30?

TS Lê Trường Tùng: Thi chung, điểm sàn cũng chỉ mới tồn tại được 5-7 năm, và chắc cũng sớm hoàn thành trách nhiệm để trở thành một hiện tượng lịch sử. Thực chất hiện nay điểm sàn chỉ áp dụng cho các trường yếu.  Các trường mạnh đều lấy điểm chuẩn trên dưới 20, và khi đó điểm sàn bao nhiêu không có ý nghĩa gì. 

Thực tế cho thấy, hàng năm chúng ta tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, học sinh các vùng đổ về những đô thị lớn rất đông, mọi thứ đều “ngột ngạt”. Với ý tưởng thi đại học quanh năm như trên liệu thí sinh sẽ bớt đi phần nào khó khăn vì như vậy thời gian thi đại học có thể phân bổ thành nhiều mốc khác nhau?
TS Lê Trường Tùng: Nếu thi ở nhiều địa điểm, vào nhiều thời điểm khác nhau – thì khi đó sẽ đỡ “ngột ngạt”. Tuy nhiên chỉ có thể thực hiện được điều này khi tuyển sinh là việc của  từng trường, chứ không tập trung hết trách nhiệm vào Bộ Giáo dục Đào tạo.   
Là trường ĐH thường xuyên có những hình thức tuyển sinh độc đáo, thu hút được nhiều sinh viên tới học. Với kinh nghiệm của trường, ông có thể cho biết quan điểm thi Đại học trong thời đại ngày nay có nhất thiết phải có điểm sàn, có ba chung, có phân vùng…hay không?
TS Lê Trường Tùng: Hàng năm ĐH FPT tuyển sinh (sơ tuyển) 2 lần và tháng 4 và tháng 8 tại nhiều địa điểm, và để phù hợp với quy chế tuyển sinh hiện nay, thí sinh vào Đại học FPT ngoài việc qua được kỳ thi riêng của trường  - phải đáp ứng các tiêu chí tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định – đó là tốt nghiệp phổ thông trung học và thi đại học trên điểm sàn. 
Với ý tưởng tuyển sinh quanh năm, ông có ủng hộ không, vì sao?

TS Lê Trường Tùng: Tôi thích bàn theo tinh thần là có “bỏ sổ gạo” hay không, chứ không phải bàn là “dùng sổ mua gạo mấy lần một tháng là hợp lý”. Tôi theo trường phái ủng hộ tự chủ tuyển sinh. 

Tuy nhiên thi đại học đông đúc, kiểu “lều chõng” như ở Việt nam và một số quốc gia châu Á như Trung quốc, Hàn quốc, Nhật bản – biết đâu lại là nét văn hóa Á đông, biết đâu sẽ nâng tầm lên thành lễ hội thi cử, thu hút khách du lịch hàng năm đến xem tinh thần hiếu học của người Việt như thế nào.

Xin cảm ơn ông!
Xuân Trung