Thi trắc nghiệm khách quan là một cuộc cách mạng trong đánh giá

03/10/2016 06:20
Thùy Linh (ghi)
(GDVN) - Đó là ý kiến của PGS.Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh khi đánh giá về phương thức thi trắc nghiệm khách quan.

Chiều 28/9, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2017. Năm 2016, các thí sinh sẽ có 4 môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan thì năm 2017, tất cả các bài sẽ thi trắc nghiệm trừ bài thi môn Văn.

Ngay sau khi Bộ công bố chính thức, PGS.Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đã chia sẻ với báo chí xung quanh phương thức thi trắc nghiệm khách quan. 

PGS.Đỗ Văn Dũng cho biết, trắc nghiệm khách quan không mới trên thế giới bởi đã được Kelly sử dụng lần đầu từ năm 1914 (Bracey, 2001. Thinking about the test).

Kể từ đó, trắc nghiệm khách quan được ứng dụng ở rất nhiều nước và tất cả các lĩnh vực từ Toán đến Khoa học tự nhiên và Khoa học Xã hội.

Thi trắc nghiệm khách quan là một cuộc cách mạng trong đánh giá ảnh 1
Thi trắc nghiệm khách quan là một cuộc cách mạng trong đánh giá (Ảnh chưa rõ tên tác giả)

Trong nghiên cứu của mình, Gatfield và Larmar – Đại học Griffith, Australia (2006) cũng chỉ rõ kết quả thi trắc nghiệm khách quan không phụ thuộc vào cách học, tư duy kể cả tư duy toán học và văn hóa của các dân tộc khác nhau.

Vì vậy, ý kiến cho rằng trắc nghiệm khách quan chỉ phù hợp với văn hóa của các nước phương Tây và không phù hợp với văn hóa phương Đông là không đúng.

PGS.Đỗ Văn Dũng minh chứng, nước Mỹ đã áp dụng thi trắc nghiệm khách quan cho hầu hết các môn học ở bậc THPT cũng như kiểm tra đầu vào cho xét tuyển Đại học trong kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test) từ năm 1926.

Trong các kỳ thi Olympic Toán thế giới từ năm 1973 đến nay, đoàn Mỹ rất ít khi rời khỏi top 3 vì thế không có lý do gì để khẳng định trắc nghiệm khách quan làm giảm tư duy toán học của học sinh.

PGS.Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh: Chuyển thi trắc nghiệm khách quan cho hầu hết các môn học trong năm 2017 thực chất là một cuộc cách mạng trong đánh giá để thực hiện Nghị quyết 29, phù hợp với xu thế của thời đại ngày nay khi kiểm tra, đánh giá trên máy tính và online dần phổ biến trong kỷ nguyên số.

Thi trắc nghiệm khách quan là một cuộc cách mạng trong đánh giá ảnh 2

Bộ Giáo dục giải đáp những băn khoăn về phương án thi quốc gia 2017

(GDVN) - Chiều 28/9, Bộ GD&ĐT họp báo chính thức công bố và trả lời những vấn đề xung quanh phương án thi THPT và xét tuyển Đại học, Cao đẳng 2017.

Thi tại nhà (At home examination), thi trên điện thoại thông minh (on smart phone examination) là những khái niệm chưa từng có trước đây nhưng giờ đã bắt đầu phổ biến).

Ở Việt Nam, trắc nghiệm khách quan cũng không hề mới vì đã được sử dụng từ trước giải phóng ở miền Nam. Sau đó áp dụng cho kỳ thi 3 chung từ 2006 với các môn Anh, Lý, Hóa, Sinh.

Và điều này cũng được Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhắc trong buổi họp báo, thi trắc nghiệm ở nước ta không phải là hình thức mới.

Thứ trưởng Ga nhấn mạnh: “Trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự khách quan và công bằng cho tất cả thí sinh. Đề thi trắc nghiệm khách quan được thiết kế tốt sẽ đánh giá được nhiều khả năng tư duy, năng lực ở các mức độ khác nhau của người học. 

Trong các các câu hỏi trắc nghiệm khách quan, trong số 4 phương án trả lời thường có 2-3 phương án rất gần nhau, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất.

Do vậy, hình thức thi trắc nghiệm khách quan hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sự sáng tạo của thí sinh”.


Thùy Linh (ghi)