Ths Phí Hồng Thịnh: 6 hạn chế lớn trong giáo dục ĐH ở VN

16/03/2012 17:33
Ban Biên tập
(GDVN) - Đang học tập ở nước ngoài, Ths Phí Hồng Thịnh hiểu rất rõ hạn chế của giáo dục ĐH ở Việt Nam. Ths Thịnh đã chia sẻ nhiều điều trong cuộc giao lưu trực tuyến toàn cầu của Báo GDVN
1. Anh đáng giá thế nào về sự tự học, tư duy của các em học sinh hiện nay? (Vũ Kim Anh, trường ĐH Xây Dựng)
Thạc sỹ Phí Hồng Thịnh: Nhìn chung sinh viên Việt Nam hiện nay khá thông minh, có khả năng tư duy khá tốt. Khi gặp các vấn đề các em quan tâm và yêu thích, các em nắm bắt và giải quyết vấn đề khá tốt. Nhiều em chăm chỉ và quyết tâm học tập, ý thức tự học cao.
Tuy nhiên cũng khá nhiều em chưa tự giác học tập, chỉ tập trung học tập trong những ngày trước khi thi, làm bài tập thực hành mang tính đối phó hoặc không làm nếu giảng viên không thúc ép hoặc không kiểm tra. Quan sát và tự thống kê trong những năm tôi giảng dạy thì con số này khoảng 40%.

Ths Phí Hồng Thịnh: 6 hạn chế lớn trong giáo dục ĐH ở VN ảnh 1

Phí Hồng Thịnh - Thạc sĩ địa chất công trình, Giảng viên Khoa Công trình – Trường Đại học Giao thông Vận tải, hiện đang là Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học bách khoa Tomsk – Thành phố Tomsk – Liên bang Nga.


2. Em mới tốt nghiệp ĐH được gần 1 năm và không phải khi ra trường mà ngay khi còn đang ngồi trên giảng đường, những kiến thức của hầu hết giảng viên giảng dạy em đều không lưu lại được lâu. Mặc dù học chuyên ngành nghiệp vụ nhưng những kiến thức lý luận khô khan lại rất nhiều và được chú trọng nhưng chất lượng bài giảng thì chỉ 1 số ít giảng viên có thể khơi dậy sự hứng thú vs sinh viên. Dù đã có nhiều cải cách nhưng có vẻ nó vẫn chưa thực sự phù hợp và em có một cảm nhận là chất lượng học sinh bây giờ không còn như được như thế hệ trước. Mong các khách mời cho chúng em biết những kinh nghiệm học tập.

Thạc sỹ Phí Hồng Thịnh: Hiện nay giáo dục ở bậc đại học của Việt Nam còn nhiều hạn chế như:
- Giảng viên trình độ cao còn chiếm tỷ lệ thấp. Nhiều trường đang sử dụng giảng viên có trình độ kỹ sư hoặc cử nhân giảng bài trên lớp cả về lý thuyết và thực hành. Khi giảng viên trình độ chưa cao thì thường phụ thuộc giáo án, khuôn mẫu, không gắn được bài giảng với thực tế.
- Nhiều giảng viên đứng lớp quá nhiều, quá tải 2 – 3 lần so với chuẩn của Bộ, dẫn tới chuẩn bị bài giảng qua loa, hời hợt, giảm hứng thú khi giảng bài.
- Một số giảng viên đôi khi gia trưởng, lơ những ý kiến phản biện, tranh luận của sinh viên, thiếu nhiệt tình.
- Lớp học thường quá đông 40 - 60 sinh viên, giảng viên không đủ thời gian quan tâm đến từng sinh viên.
- Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy: nhiều phòng học đơn sơ, phòng thí nghiệm thực hành thiếu hoặc chất lượng kém.
- Nhiều sinh viên thụ động, ý thức tự học chưa cao, ý thức tổ chức kỷ luật còn hạn chế: đi học muộn, sử dụng điện thoại trong lớp, nói chuyện hoặc làm việc riêng trong lớp, không ôn bài trước khi đến lớp, dẫn tới không hiểu hoặc hiểu không sâu bài giảng.
Trong điều kiện hiện nay, bản thân người học cần phải nâng cao ý thức tự giác:
- Sau mỗi buổi học, cần đọc lại bài giảng và sách giáo khoa liên quan để nắm được nội dung bài học, tìm ra những điểm chốt của bài học, làm bài tập thực hành liên quan, tự đặt ra tình huống và câu hỏi và tự tìm cách giải quyết câu hỏi và tình huống đặt ra.
- Trên lớp, không nói chuyện và làm việc riêng, chú ý nghe giảng, luôn liên hệ với bài giảng trước, tích cực và chủ động trao đổi bài với giảng viên.
- Trong thời gian thực tập tại các doanh nghiệp, cần tích cực và chủ động học hỏi kinh nghiệm thực tế của các anh chị đi trước, tìm hiểu phương pháp và qui trình làm việc, tìm hiểu và làm quen với các công cụ phục vụ công việc như: phần mềm, các qui trình qui phạm, máy móc thiết bị liên quan.
- Nên tìm gặp những giảng viên và anh chị đi trước có trình độ cao, tâm huyết với nghề nghiệp để học hỏi và trao đổi kiến thức chuyên môn. Những người tâm huyết với nghề nghiệp luôn sẵn lòng giúp đỡ, trao đổi và truyền đạt kiến thức cho các em trong khả năng có thể.
Ban Biên tập