Thủ khoa Kinh tế quốc dân: Đừng để quãng đời sinh viên chỉ "cắm đầu vào học"

30/08/2020 06:20
Nguyễn Duẩn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tốt nghiệp với số điểm 3,92/4, Trần Diệu Hương trở thành thủ khoa đầu ra của trường Đại học Kinh tế quốc dân trong đợt tốt nghiệp sớm.

Không đỗ vào ngành Kế toán – Kiểm toán vì trượt chỉ tiêu phụ, Trần Diệu Hương chuyển hướng và tìm thấy niềm đam mê với ngành Tài chính doanh nghiệp và trở thành thủ khoa của ngành và của cả trường Đại học Kinh tế quốc dân trong đợt tốt nghiệp sớm.

Mỗi ngành học đều có cái hay và tính ứng dụng vào thực tế riêng

Tốt nghiệp với số điểm 3,92/4, Trần Diệu Hương (sinh năm 1998, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) trở thành thủ khoa đầu ra ngành Tài chính doanh nghiệp và của trường Đại học Kinh tế quốc dân trong đợt tốt nghiệp sớm.

Vốn có đam mê với những con số nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường trung học phổ thông, Trần Diệu Hương đã có ước mơ theo đuổi ngành Kế toán – Kiểm toán của trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016, Hương đạt 25 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa). Cộng cả điểm ưu tiên khu vực, cô vừa đủ điểm để vào ngành Kế toán – Kiểm toán của trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Thế nhưng năm đó, ngoài yêu cầu đạt điểm chuẩn, các thí sinh muốn vào học tại ngành Kế toán – Kiểm toán phải có điểm số môn Toán từ 8,25 trở lên. Hương không đạt yêu cầu này khi điểm số môn toán chỉ đạt 8 nên đã trượt chuyên ngành mà mình yêu thích.

Trần Diệu Hương (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh kỷ yếu cùng bạn học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trần Diệu Hương (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh kỷ yếu cùng bạn học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Em thấy ngành Kế toán - Kiểm toán có cơ hội việc làm và định hướng nghề nghiệp rất cụ thể.

Bên cạnh đó, nhiều anh chị mà em quen làm việc trong lĩnh vực này cũng đều có công việc rất tốt nên đã đặt mục tiêu để theo đuổi nó nhưng vì tiêu chí phụ nên em không vào học được ngành mình yêu thích”, Hương chia sẻ.

Nữ thủ khoa cũng tâm sự, ngày biết mình không trúng tuyển vào ngành học yêu thích, bản thân cô đã buồn rất nhiều “mọi thứ như sụp đổ”. Trong bộn bề suy nghĩ, Hương đã nghĩ đến việc sẽ thi lại ngành này vào năm sau.

Được gia đình, bạn bè động viên và tham khảo thông tin từ nhiều nguồn, Hương quyết định nộp nguyện vọng vào ngành Tài chính doanh nghiệp, Viện Ngân hàng tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân.

Hương bảo: “Thật ra, ngành học này em không có niềm yêu thích và trước đó cũng không tìm hiểu kỹ. Tuy nhiên, thời điểm đó, ngành học này cũng có điểm đầu vào khá cao nên em đã nộp hồ sơ”.

Là sinh viên ngành Tài chính doanh nghiệp nhưng đam mê Kế toán – Kiểm toán vẫn luôn bùng cháy trong Hương. Thời gian học tập tại trường, Hương tham gia nhiều câu lạc bộ về Kế toán – Kiểm toán, gặp gỡ nhiều người đã từng là sinh viên ngành Kế toán – Kiểm toán của trường nhưng hiện lại làm việc trong lĩnh vực về tài chính.

Cũng nhờ thế, Hương hiểu hơn về ngành học của mình và đi đến quyết định “yêu cái nghề đang chọn mình”.

Khoảng thời gian sau đó, Hương chuyên tâm vào nghiên cứu ngành mình đang theo học với một niềm hứng khởi mới. Hương nhận ra rằng “mỗi ngành học đều có cái hay và tính ứng dụng vào thực tế riêng”.

Trần Diệu Hương cùng bố mẹ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trần Diệu Hương cùng bố mẹ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ra trường sớm để có nhiều cơ hội

Mất một năm đầu để tìm được niềm đam mê với ngành học nên bước vào năm thứ hai, Hương tự nhủ bản thân phải quyết tâm để đuổi kịp các bạn cùng khóa.

Để đạt được thành tích 40/45 môn học đạt điểm A, Hương cho rằng bản thân ai cũng nên tìm một phương pháp học tập đúng đắn và phù hợp với mình.

Trước khi đăng ký các môn học, Hương thường dành nhiều thời gian để tìm hiểu về môn học của mình qua các anh chị sinh viên khá trên từ đó đưa ra được phương pháp học tốt nhất cho từng môn.

Cô gái sinh năm 1998 cũng cho rằng việc tìm hiểu sự liên quan giữa các môn học cũng là một phương pháp học tập có hiệu quả cao mà đỡ tốn thời gian.

“Thực tế kiến thức khi học đại học không nhiều bằng chương trình học trung học phổ thông và các môn thường có liên quan với nhau theo chuyên ngành nên chỉ cần tập trung một chút là sẽ đạt được kết quả tốt”, Hương chia sẻ.

Tự nhận bản thân có xuất phát điểm muộn hơn các bạn cùng khóa nên Hương thường bố trí phần lớn thời gian cho việc học tập, trau dồi kiến thức của bản thân.

Những giờ học trên lớp, Hương cho biết bản thân cũng mạnh dạn trao đổi với thầy cô, bạn bè những vấn đề chưa hiểu sau đó tự mày mò để củng cố thêm kiến thức.

Để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, Hương cũng thường xuyên đăng ký tham dự nhiều các sự kiện liên quan đến chuyên ngành của mình học.

Đỉnh điểm là vào bốn tháng đầu năm 2019, Hương đăng ký dự thi 5 cuộc thi liên quan đến lĩnh vực tài chính, chứng khoán.

Hương cho biết, tại các cuộc thi, mặc dù không đạt được thành tích quá cao nhưng giúp cô mở mang vốn kiến thức đồng thời xây dựng được các mối quan hệ liên quan đến ngành học mình đang theo đuổi.

Trong thời gian này, cô gái sinh năm 1998 còn tập trung ôn luyện chứng chỉ CFA (Chartered Financial Analyst) dành riêng cho những người hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, đầu tư, ngân hàng và tài chính.

Xác định rõ ràng và luôn đề cao tinh thần tự học trong thời gian còn ngồi trên ghế giảng đường, Hương đặt mục tiêu cho bản thân phải hoàn thành xong chương trình học để ra trường sớm nhất có thể.

“Em nghĩ nếu ra trường sớm, tỷ lệ cạnh tranh để có một công việc tốt sẽ thấp hơn rất nhiều với thời điểm các bạn đồng loạt ra trường.

Do nhà trường tạo điều kiện hết sức cho sinh viên nên việc đăng ký các học phần để học vượt trong mỗi kỳ rất thuận lợi”, Hương chia sẻ.

Khi đã có mục tiêu cho mình, mỗi kỳ Hương đều đăng ký học từ 22-25 tín chỉ và tập trung hết sức có thể để đạt được điểm cao nhất.

Bằng sự nỗ lực của bản thân, Hương hoàn thành chương trình học trong thời gian 3,5 năm với thành tích thủ khoa đầu ra.

Không muốn cả quãng đời sinh viên chỉ “cắm đầu vào học”, Hương còn dành ra 20% quỹ thời gian của mình cho các hoạt động xã hội của đoàn, trường.

“Bản thân em là một người rất coi trọng việc học nên dành phần lớn thời gian cho việc này.

Thời gian rảnh rỗi, em cũng tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường và khoa tổ chức. Mỗi người có một cách phân chia thời gian riêng của mình. Bản thân em thấy 20% quỹ thời gian cho các hoạt động ngoại khóa là đủ”, Hương tâm sự.

Diệu Hương trong một lần tham gia cuộc thi về tài chính. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Diệu Hương trong một lần tham gia cuộc thi về tài chính. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thử sức mình ở nhiều lĩnh vực

Khi biết mình trở thành thủ khoa đầu ra của trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hương cho biết bản thân rất tự hào với những gì mình đã bỏ ra trong thời gian học tập tại trường. Cô coi đây là một “dấu ấn của quãng thời gian sinh viên đầy tươi đẹp trước khi bước vào trường đời”.

Tuổi trẻ nào cũng có những điều nuối tiếc, đối với bản thân nữ thủ khoa, nếu như được một lần quay lại thời sinh viên, Hương cho rằng bản thân sẽ rèn luyện nhiều hơn về khả năng giao tiếp.

Hương cho rằng: “Tập trung vào việc học là một việc tốt nhưng bên cạnh đó cũng cần phải rèn luyện thêm những kỹ năng mềm để hoàn thiện bản thân. Bên cạnh kiến thức, những kỹ năng mềm cũng rất cần thiết trong quá trình làm việc sau này của mình”.

Giữa tháng 6/2020, Hương trúng tuyển và làm việc tại một ngân hàng. Nói về dự định trong tương lai, nữ thủ khoa cho biết bản thân sẽ thử sức mình ở nhiều vị trí để “xem thực sự mình hợp với vị trí nào”.

“Đến khi ra trường và đi làm, em mới nhận ra có những công việc không hẳn liên quan đến chuyên ngành em học nhưng nó cũng rất thú vị. Em muốn thử sức để xem mình phù hợp và có khả năng làm tốt nhất ở vị trí nào hơn”, Hương tâm sự.

Nguyễn Duẩn