Thương các thầy cô vùng cao

03/09/2018 08:55
Bài và ảnh: Phan Tuyết
(GDVN) - Nếu không thực sự yêu nghề, không thật sự thương những đứa trẻ vùng cao sẽ thất học, những giáo viên ấy sẽ không đủ sức bám trụ nổi nơi mảnh đất heo hút ấy...

LTS: Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ câu chuyện về những khó khăn vất vả của giáo viên vùng cao tại tỉnh Lai Châu.

Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Câu chuyện tới trường của cô giáo Đào Thị Phượng, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Ngà tỉnh Lai Châu kể đã làm biết bao người nghe phải nghẹn ngào vì xúc động.

Thương các cô phải băng rừng lội sông, người lấm lem bùn đất, dăm bảy người gắng sức cũng chưa đẩy nổi “con ngựa sắt” vì đất nhão bám đầy.

Đi trên đoạn đường mà đất đá chênh vênh, bên dưới là vực cao hào sâu.

Cái chết như cận kề vì đã từng có biết bao giáo viên vùng cao mất mạng vì lũ cuốn, vì đắm bè, vì rơi xuống vực sâu...

Không chỉ thế, cuộc sống nơi này cũng luôn đối mặt với muôn ngàn khó khăn.

Thế nhưng nhiều thầy cô giáo vùng cao vẫn ngày đêm bám trụ đưa con chữ đến với đồng bào nơi vùng Tây Bắc xa xôi.

Vì đường đi khó khăn các thầy cô thường đi theo nhóm để hỗ trợ nhau
Vì đường đi khó khăn các thầy cô thường đi theo nhóm để hỗ trợ nhau

Ám ảnh những cung đường bão tố

Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Ngà tỉnh Lai Châu là một trong những ngôi trường chưa được xây dựng kiên cố mà chỉ được dựng lên bằng những miếng gỗ ghép lại và lợp tôn.

Trường dựng cheo leo bên cạnh quả đồi gập ghềnh cách thị Trấn Mường Tè gần 80 cây số nhưng có tới gần 20 cây số đường đất.

Vào mùa mưa, cung đường này là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân mà đặc biệt là các thầy cô giáo.

Mưa xuống đất trở nên nhão, lầy lội. Dù vặn ga hết cỡ những chiếc xe cũng không thể nhích lên được. Máy vẫn nổ giòn mà bánh xe cứ trì trợt một chỗ.

Để đưa những chiếc xe qua vùng lầy lội, hàng chục thầy cô phải xúm lại hỗ trợ lẫn nhau.

Chỉ có cách là đi xe qua suối
Chỉ có cách là đi xe qua suối

Người rồ ga, người cố gắng đẩy cứ hết chiếc xe này đưa đến vùng an toàn lại đến chiếc xe khác.

Đưa xe qua những vũng lầy bị sạt lở, khi chạy xe cũng phải tập trung cao độ vì chỉ sơ suất một tí thôi, nhẹ thì bị té lăn lóc trên đường, nặng có khi mất mạng.

Một đoạn đường gần trăm cây số có đến 10 điểm sạt lở phải khiêng xe.

Vì thế, cô Phượng nói, giáo viên đến trường không thể đi vài người mà anh em phải hẹn nhau để cùng đi một lúc cho dễ bề giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau.

Cô Phượng kể rằng, có lần trước khi trở lại trường, cô cùng một chị đồng nghiệp cùng trường tên là Lệ người Hòa Bình.

Hai chị em vừa ăn vừa khóc vì nghĩ đến đoạn đường mình sắp phải vượt qua.

Chỉ cách nơi đó 1 tuần, tại cung đường đó đã lấy mạng 2 người trong gia đình dân tộc Mông.

Phượng thổn thức nói rằng “em còn trẻ lắm chưa chồng con nhưng còn bố mẹ già. Không may… chẳng biết phải làm thế nào?”.

Chị Lệ lại nước mắt vòng quanh an ủi cô giáo trẻ “chị cũng còn chồng và con còn nhỏ. Nếu chết rồi con sẽ ra sao đây? Cả hai cùng phải ráng thôi”.

Thế là hai chị em ôm nhau khóc, đó là bữa cơm chan đầy nước mắt.

Sự hy sinh không kể thành lời

Nơi ở của thầy cô giáo nơi đây gọi là nhà xem ra xa xỉ. Nói đúng hơn chỉ là căn chòi tạm được ghép lại bởi vài tấm gỗ mỏng, vách thưa gió lùa buốt lạnh.

Đêm đêm tiếng chuột chạy ra chạy vào trêu nhau chí choé cũng lấy làm vui cho bớt cảnh hoang vu lạnh lẽo.

Trong phòng không có tủ, bàn hay giá sách. Một dây thép dài căng từ cột nhà này sang cột nhà khác để làm dây phơi và toàn bộ quần áo các thầy cô đều treo lên đó....

Vốn cách xa thị trấn và đường đi hiểm trở, giáo viên nơi này phần lớn để con ở dưới xuôi cho ông bà nội ngoại chăm sóc giùm.

Thầy cô đi dạy và ở lại trường một năm chỉ về nhà 2 lần vào dịp Tết và dịp nghỉ hè.

Dù thương và nhớ con đến đứt ruột gan cũng đành chịu bởi đường đi không chỉ xa mà vô cùng hiểm trở.

Những cung đường trơn trượt khó đi
Những cung đường trơn trượt khó đi

Có những gia đình cả hai vợ chồng đều là giáo viên và luôn xác định sẽ gắn bó suốt cả cuộc đời với mảnh đất này.

Họ chấp nhận xa con cái để chăm lo con chữ cho những đứa trẻ vùng non cao.

Trong số đó, phải kể đến gia đình thầy Hiệu trưởng Nguyễn Long Khánh. Tuy mới 33 tuổi mà thầy đã gắn bó 12 năm với ngôi trường này.

Ngay từ những ngày đầu mới ra trường, thầy đã lên đây nhận nhiệm vụ và ở lại luôn cho tới nay. Vợ thầy là giáo viên tiểu học, cũng bám trường đã 11 năm.

Do cuộc sống nơi đây khắc nghiệt nên hai vợ chồng đều gửi con cho ông bà ngoại ở Phú Thọ chăm sóc. Thầy cô chỉ về thăm con vào hai dịp Tết và hè.

Thương các thầy cô vùng cao ảnh 5Giáo viên vùng cao chia sẻ "nỗi sợ" với Bộ trưởng Nhạ

Có những thầy cô tuổi đời còn trẻ lắm nhưng vì lòng yêu trẻ cũng chấp nhận hy sinh.

Đó là thầy Chu Văn Thuật đã bỏ thị trấn vào Mường Tè cùng vợ là cô Đào Thị Phượng dạy học.

Đời sống vật chất nghèo khó còn chịu được nhưng đời sống tinh thần thiếu thốn là một cực hình.

Cô Phượng cho biết “không sóng điện thoại, không internet muốn gọi điện nói chuyện với gia đình, phải đi 10 cây số, leo lên một quả đồi mới có sóng mà gọi.

Nên tối tối nhớ nhà chỉ biết nằm khóc. Cũng may năm học này đã có internet”.

Hầu hết học sinh ở đây là con em dân tộc Mông và Hà Nhì. Vốn dĩ các em thích lên nương, vào suối bắt cá hơn đi học, cha mẹ các em cũng không ép buộc. Vui thì đến trường, buồn sẽ nghỉ ngay.

Vì thế dù là học sinh bậc trung học cơ sở nhưng thầy cô luôn phải dỗ dành như những đứa bé.

Thương các thầy cô vùng cao ảnh 6Thầy cô trên bản Cò Cài đã không còn bị cô lập nữa

Chỉ nặng lời trách phạt khi các em không làm bài là ngày mai có thể nghỉ học tức khắc.

Việc duy trì sĩ số học sinh như hiện nay là một sự cố gắng không biết mệt mỏi của tập thể các thầy, cô giáo nhà trường.

Một em nghỉ học, giáo viên phải vào tận bản để thuyết phục, để “dụ dỗ” đưa các em trở lại trường. Không chỉ đi một lần mà vài lần như thế mới xong.

Những vất vả khó khăn, những thiếu thốn cực khổ cũng không làm những giáo viên vùng cao chùn bước.

Nếu không thực sự yêu nghề, không thật sự thương những đứa trẻ vùng cao sẽ thất học, những giáo viên ấy sẽ không đủ sức bám trụ nổi nơi mảnh đất heo hút gió trời như thế.

Sự cố gắng, sự chịu đựng và nỗ lực của các thầy cô vùng cao thật sự đáng ngưỡng mộ và khâm phục.

Bài và ảnh: Phan Tuyết