Tiếng Anh phổ thông rất mù mờ, lãng phí quá lớn, hiệu quả thấp

15/05/2015 07:03
Ngọc Quang (ghi)
(GDVN) - Thạc sĩ Lê Tuệ Minh: "Đa số giáo viên tiếng Anh đều không đạt trình độ chuẩn yêu cầu về ngôn ngữ và ít có điều kiện được nâng cao trình độ".

LTS: Mong muốn có thêm nhiều góp ý chất lượng giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt nhất cho mục tiêu đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông, Báo Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới độc giả góc nhìn của Thạc sĩ Lê Tuệ Minh - Chủ tịch Điều hành Trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring.

Thạc sĩ Lê Tuệ Minh phân tích về những tồn tại hạn chế của chương trình, cách dạy tiếng Anh hiện nay, gây lãng phí và tốn kém quá lớn, nhưng hiệu quả thu được lại quá thấp. 

3 hạn chế cần thay đổi

Khi đánh giá một chương trình, tôi thấy luôn cần phải xem xét ba khía cạnh lớn: Một là chương trình - giáo trình – phương pháp giảng dạy; Hai là giáo viên; Ba là điều kiện thực hiện chương trình: Thời lượng, cách tổ chức giảng dạy và cơ sở vật chất.

Tất cả các ưu, nhược điểm của chương trình cũng như những giải pháp để có thể khắc phục, điều chỉnh, cập nhật, thay đổi… đều được xem xét xoay quanh 3 khía cạnh này.

Về chương trình, giáo trình tiếng Anh do các chuyên gia Việt Nam tự xây dựng từ cách đây khá lâu đã không còn phù hợp với đòi hỏi hiện nay của học sinh và xã hội.

Chương trình vẫn sử dụng những phương pháp giảng dạy cũ, theo hướng quy nạp (inductive), diễn dịch (deductive), thiên về ngữ pháp, chưa cập nhật theo khung chuẩn ngôn ngữ châu Âu (CERF).

Cụ thể là chưa cập nhật với các phương pháp giảng dạy ngoại ngữ thiên về giao tiếp (communicative), ứng dụng các phương tiện nghe, nhìn, kỹ thuật số và phương pháp lồng ghép các nội dung kiến thức các môn học khác trong giảng dạy ngoại ngữ (CLIL) như phương pháp đang được áp dụng phổ biến trong các chương trình và giáo trình giảng dạy tiếng Anh của các nhà xuất bản lớn trên thế giới hiện nay.

Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục cũng đang hết sức tích cực phối hợp với các Nhà xuất bản lớn chuyên về chương trình, giáo trình giảng dạy tiếng Anh như Oxford, Cambridge, Pearson, Mac Millan… để lựa chọn chương trình và bộ giáo trình phù hợp nhất cho học sinh Việt Nam.

Thạc sĩ Lê Tuệ Minh đánh giá, dạy tiếng Anh hiện nay ở phổ thông là rất lãng phí.
Thạc sĩ Lê Tuệ Minh đánh giá, dạy tiếng Anh hiện nay ở phổ thông là rất lãng phí.

Về giáo viên, nhìn tổng thể có rất nhiều vấn đề lớn, đặc biệt là trường công ở khu vực nông thôn: Thiếu nghiêm trọng kể cả về số lượng và chất lượng giáo viên, vì giáo viên chưa được đào tạo đạt chuẩn, đồng thời một số giáo viên đã đạt chuẩn thì lại rẽ ngang sang làm những nghề khác.

Có lẽ với mức thu nhập như hiện nay của giáo viên phổ thông ở hệ thống công lập, ngành giáo dục sẽ còn "chảy máu chất xám".

Đại đa số các giáo viên tiếng Anh ở lại với nghề đều không đạt trình độ chuẩn yêu cầu về ngôn ngữ và ít có điều kiện được đào tạo, cập nhật để nâng cao trình độ.

Đây là việc không dễ giải quyết một sớm một chiều mà chỉ có thể khắc phục được phần nào bằng cách ứng dụng công nghệ.

Đặc biệt, khía cạnh thứ ba về mặt tổ chức và điều kiện thực hiện chương trình có rất nhiều vấn đề mà hầu như chưa tìm được giải pháp cho tổng thể.

Khi chúng ta cập nhật được chương trình hiện đại, có giải pháp về công nghệ thì sẽ khắc phục được phần nào bài toán về giáo viên.

Ngoài những hạn chế phổ biến do lớp học quá đông trên dưới 50 học sinh (gấp đôi quy mô tối thiểu một lớp học ngoại ngữ hiệu quả), điều kiện ứng dụng công nghệ (máy chiếu, tivi màn hình lớn, thiết bị tương tác, máy tính….) thì hạn chế lớn nhất là do hệ thống tổ chức giảng dạy tiếng Anh đang không có quy hoạch thống nhất.

Các trường triển khai chương trình tiếng Anh tùy theo điều kiện từng trường, từng cấp, không có sự quy hoạch một cách hệ thống và nối tiếp giữa các câp học với nhau, trong khi trường phổ thông ở Việt Nam rất ít trường liên cấp, đa phần là tách rời từng cấp học.

Chính vì vậy, mỗi lần chuyển cấp, các em lại học lại từ đầu rất lãng phí thời gian và tạo ra thời gian “chết” trong các tiết học tiếng Anh theo chương trình đại trà bắt buộc học chung theo cả khối.

Trong khi đó, nếu chương trình được tổ chức theo hướng nối tiếp theo bậc thang đi lên giữa các cấp học, học sinh sẽ thực sự học và tiến bộ đúng theo trình độ và khả năng thực tế của các em.

Có thể thấy ngay điều này khi học sinh tham gia học tập tại các trung tâm ngoại ngữ với giáo viên bản ngữ, chương trình chuẩn... đã đạt được kết quả vượt xa học sinh chỉ học chương trình đang áp dụng đại trà trong các trường.

Cần đổi mới thực sự chương trình, phương pháp dạy ngoại ngữ

Việc đưa vào áp dụng chương trình và giáo trình theo chuẩn, cập nhật các phương pháp giảng dạy tiên tiến do các chuyên gia đầu ngành của các nhà xuất bản chuyên ngành lớn trên thế giới sẽ mang lại một thay đổi căn bản về nội dung và phương pháp giảng dạy.

Về mặt tổng thể, việc ứng dụng các nguồn tài liệu kỹ thuật số với các phương tiện nghe nhìn như video, film, các đoạn hội thoại, các mô phỏng, các bài giảng được các giáo viên bản ngữ trực tiếp thực hiện với các tình huống giao tiếp thực tế… sẽ là những hướng thay thế khả thi với tình trạng khan hiếm giáo viên chuẩn như hiện nay với kinh phí phù hợp, không quá tốn kém và có thể linh hoạt triển khai tùy điều kiện, tùy mức độ ở tất cả các trường.

Vấn đề tổ chức chương trình theo hệ thống tăng tiến theo bậc thang chứ không bị lặp lại sẽ là vấn đề khó khăn nhất do quá trình thực hiện chương trình cũ đang tạo ra sự khác biệt về trình độ của học sinh quá lớn và điều kiện tổ chức các cấp học vẫn riêng biệt, không có sự kết nối.

Việc này chỉ có thể giải quyết phần nào nếu Bộ Giáo dục cho phép các trường được chủ động trong việc tổ chức chương trình, áp dụng linh hoạt các trình độ tiếng Anh khác nhau tùy theo điều kiện đầu vào của trình độ học sinh của từng trường.

Muốn như vậy, việc ban hành một thang chuẩn về trình độ như kiểu CEFR (thang khung tham chiếu ngôn ngữ châu Âu) và để chương trình, giáo trình bám theo khung chuẩn đó thay vì ấn định đồng loạt theo khối lớp như hiện nay là rất cần thiết.

Xét cho cùng, Bộ Giáo dục cũng đã ban hành quy định cho phép thay thế việc thi tốt nghiệp lớp 12 bằng kết quả các kỳ thi chuẩn hóa tiếng Anh toàn cầu như IELTS và TOEFL thì việc học trong suốt 12 năm theo đúng thang bậc và chuẩn khảo thí như vậy cũng nên triển khai sớm để tiết kiệm sức lực cho các em (vì kết quả đó cũng sẽ dùng để xét tuyển tại bậc Đại học), tránh lãng phí trong những giờ học tại trường phổ thông.

Cần có sự linh hoạt để phân loại học sinh, tránh gộp tất cả các trình độ vào một lớp. ảnh: gdtd.
Cần có sự linh hoạt để phân loại học sinh, tránh gộp tất cả các trình độ vào một lớp. ảnh: gdtd.

Đối với những trường như Wellspring thì có lợi thế hơn nhiều so với các trường công lập khi thiết kế chương trình tiếng Anh, với sự hỗ trợ và công nhận của các tổ chức giáo dục và khảo thí uy tín hàng đầu thế giới nên phần lớn những vấn đề bất cập đều được xem xét và giải quyết ngay từ đầu.

Ngay trong một khối lớp, chúng tôi có thể chia những lớp thuộc 3-4 trình độ tiếng Anh khác nhau từ điểm xuất phát, vì nếu gộp hết vào một lớp thì rất lãng phí và không công bằng, tối ưu với các em.

Có những học sinh của chúng tôi khi hết Tiểu học đã đạt mức tiếng Anh ở trình độ B1, thậm chí là B2 (theo khung tham chiếu ngôn nngữ châu Âu - CEFR) thì các em phải xuất phát từ lớp 6 với giáo trình Intermediate (trung cấp) chứ không thể học cùng với các em có xuất phát điểm ở mức độ Beginner (khởi đầu) được.

Chúng tôi xin chia sẻ về chương trình như sau: Học sinh Tiểu học và THCS được học song ngữ với 3 cấu phần chính: Chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (60%), Tiếng  Anh, các môn Toán, Khoa học, Công nghệ thông tin (ICT) chiếm 40% với chuẩn chương trình và đánh giá là các bài thi trực tiếp của Cambridge International Examinations (CIE), Cambridge English, ETS (TOEFLE), ERB (Hoa Kỳ) với giáo viên bản ngữ chiếm tới trên 80% thời lượng chương trình quốc tế.

Ở bậc THPT, học sinh sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Tùy theo định hướng về lộ trình học tập của học sinh  và gia đình, các em có thể tham gia chương trình Song ngữ, chương trình Phổ thông Quốc tế Cambridge IGCSE/ A Level (THPT Anh Quốc) hoặc chương trình  THPT Song bằng Việt  Nam -  Hoa Kỳ với trường THPT thuộc Đại học Missouri (top 100 trường Đại học hàng đầu Hoa Kỳ).

Việc nắm rõ khả năng và trình độ hiện tại của học sinh để phát hiện, bồi dưỡng, phát triển nhân tài và có chương trình phù hợp, hỗ trợ với những học sinh có xuất phát điểm chưa cao là sự ưu việt của một môi trường giáo dục cá thể hóa để tất cả các học sinh đều có lộ trình phát triển tối ưu nhất.

Ngọc Quang (ghi)