Tiếp tục hoãn tăng lương cơ sở năm 2021, giáo viên mới ra trường càng khó khăn

22/10/2020 05:52
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có thể không tăng lương cơ sở nhưng cần có chính sách hỗ trợ giáo viên, nhân viên có thu nhập thấp để phần nào an ủi, động viên họ cố gắng.

Sau lần hoãn tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng từ 01/7/2020 thì mới nhất Chính phủ đề nghị, chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở ở năm 2021 để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh COVID-19 và một số vấn đề cấp bách khác.

Trong tình hình hiện nay, việc chưa tăng lương cơ sở để tập trung vào phòng chống dịch bệnh và các vấn đề cấp bách khác như thiên tai, phát triển kinh tế,… là điều cần thiết.

Tuy nhiên, hiện nay còn một bộ phận giáo viên, nhân viên mới ra trường có thu nhập quá thấp, không đủ để trang trải cho nhu cầu sống hàng ngày nên không thể toàn tâm, toàn ý lo cho giáo dục.

Cần có chính sách hỗ trợ giáo viên, nhân viên có thu nhập thấp để phần nào an ủi, động viên họ cố gắng. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến)

Cần có chính sách hỗ trợ giáo viên, nhân viên có thu nhập thấp để phần nào an ủi, động viên họ cố gắng. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến)

Chính phủ đề nghị chưa tăng lương cơ sở năm 2021

Báo cáo tình hình tài chính ngân sách tại Quốc hội chiều ngày 20/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước năm 2021 khó khăn, Chính phủ đề nghị, chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh COVID-19 và một số vấn đề cấp bách khác.

Nếu đề nghị này được thực hiện thì trong năm 2021 chưa điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu trong năm 2021.

Với đề nghị tiếp tục chưa tăng lương cơ sở trong năm 2021 vừa được đề xuất, nếu được Quốc hội thông qua ở kỳ họp này, việc tăng lương với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động sẽ tiếp tục hoãn.

Đề nghị cân nhắc đối với đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993

Hiện nay, những người nhận lương hưu trước năm 1993 rất thấp, có nhiều người nhận mức lương dưới 2 triệu đồng mỗi tháng, dẫn đến đời sống vô cùng khó khăn, vất vả.

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, một số ý kiến đề nghị cân nhắc đối với người hưởng lương hưu từ năm 1993 trở về trước, vì hầu hết đối tượng này có mức lương hưu rất thấp, tuổi đã cao, đời sống khó khăn.

Rất mong Chính phủ lưu tâm đến đối tượng những người nghỉ hưu có mức lương hưu quá thấp, tìm nguồn hỗ trợ để giúp họ vượt qua khó khăn, đảm bảo cuộc sống.

Đề nghị hỗ trợ thu nhập cho giáo viên, nhân viên mới ra trường

Bên cạnh những người nghỉ hưu, lãnh lương hưu trước năm 1993 có mức lương rất thấp thì những giáo viên, nhân viên mới ra trường cũng có mức thu nhập rất thấp, có nhiều người đã không bám trụ nổi với nghề.

Hiện nay việc trả lương theo chức danh nghề nghiệp của giáo viên được thực hiện theo các thông tư 20, 21, 22, 23/TTLT- BNV-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn, xếp lương,… giáo viên thì thu nhập của giáo viên mới ra trường rất thấp như giáo viên mầm non, tiểu học có hệ số lương khởi điểm 1.86, giáo viên trung học cơ sở có hệ số lương khởi điểm 2.1, giáo viên trung học phổ thông có hệ số lương khởi điểm 2.34.

Với hệ số lương như trên thì thu nhập của giáo viên mới ra trường, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học thực nhận chỉ trên dưới 3 triệu đồng mỗi tháng, như vậy là quá thấp.

Nghề giáo là một nghề đặc biệt, nghề hiện nay đang rất vất vả vì áp lực từ mọi mặt, áp lực công việc, áp lực của việc dạy học sáng tạo đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay là đổi mới căn bản toàn diện ngành giáo dục hiện nay, và nhiều áp lực không tên khác như hồ sơ sổ sách, chỉ tiêu, áp lực từ ban giám hiệu, phụ huynh, học sinh,…

Tình hình kinh tế khó khăn, thiên tai, dịch bệnh,... diễn ra thường xuyên, nguy hiểm hơn nên việc Chính phủ đề nghị chưa tăng lương cơ sở năm 2021 được nhân dân đồng tình, thấu hiểu.

Tuy nhiên, tôi xin mạn phép đề nghị Chính phủ nghiên cứu toàn diện chính sách hỗ trợ cho những giáo viên, nhân viên trường học có thu nhập quá thấp.

Có thể không tăng lương cơ sở, nhưng cần có chính sách hỗ trợ giáo viên, nhân viên có thu nhập thấp để phần nào an ủi, động viên họ cố gắng.

Trước đây, có nhiều lần có chính sách hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên có thu nhập thấp. Tuy nhiên, trong các năm gần đây, thu nhập của giáo viên mới ra trường giảm hơn nhiều so với trước đây do việc hưởng lương theo bậc học, nhưng lại không có chính sách hỗ trợ cho người có thu nhập thấp.

Rất mong lần này, Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp nếu tiếp tục hoãn tăng lương cơ sở ở năm 2021.

Tuy biết rằng việc hỗ trợ cũng chỉ là phần ngọn, nhưng việc Chính phủ quan tâm đến lực lượng giáo viên, nhân viên trẻ mới nhận việc là điều thể hiện tính nhân văn cao cả, là nguồn động viên, khích lệ họ cố gắng vượt qua khó khăn để công tác tốt, cũng là cách giữ chân các giáo viên, nhân viên trẻ giỏi nhiệt tình, cũng như là nguồn động viên, khuyến khích các em học sinh giỏi chọn ngành sư phạm để trở thành giáo viên giỏi trong tương lai.

Muốn ngành sư phạm có nhiều người giỏi vào thì cần có chính sách căn cơ, lâu dài và quyết liệt hơn, trong đó chính sách thu nhập cho giáo viên trẻ là một trong những nhu cầu cấp bách hiện nay, mong Chính phủ đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.

BÙI NAM