Toán học Việt Nam - Nỗi xót xa và sự tranh cãi nảy lửa

04/08/2011 06:30
(GDVN) - Kết quả của đội tuyển toán Việt Nam tại kỳ thi Olympic toán quốc tế làm ngạc nhiên người ngoài cuộc. Người trong cuộc nói gì?

(GDVN) - Kết quả của đội tuyển toán Việt Nam tại kỳ thi Olympic toán Quốc tế làm ngạc nhiên cả dư luận. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Phải chăng Toán học Việt Nam đang tụt hạng? Lẽ nào lại như vậy khi mà mới năm trước thôi, Việt Nam vinh dự khi có GS Ngô Bảo Châu - người Việt Nam đầu tiên giành được Huy chương Fields - ngôi sao sáng trong nền Toán học Việt Nam? Vấn đề đang là câu hỏi đau đầu cho các nhà hoạch định giáo dục.

{iarelatednews articleid='9291'}

Tiếc vì bỏ lớp chuyên - chọn từ cấp 2

Theo một số chuyên gia, việc bỏ hệ thống trường chuyên lớp chọn, thi học sinh giỏi quốc gia ở cấp 2 đã làm mất đi phong trào học toán ở cấp này và sự chọn lọc từ sớm đối với những học sinh có năng khiếu.

Theo TS Nguyễn Khắc Minh, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, một ưu điểm của trường năng khiếu chính là phát triển năng lực và cá tính riêng của từng cá nhân. Khi xóa bỏ nó, vô tình chúng ta xóa bỏ luôn điều đó. Trong khi đó, các nước khác học tập nước ta ở chính điều này và họ đã thành công, điển hình như Thái Lan.

Trong nước thi một kiểu, ra Quốc tế mò một hướng!

Theo nhiều chuyên gia toán học, trước kia, đề thi Toán quốc gia của Việt Nam luôn được các nước đánh giá cao khi thực sự có những “bài toán” (Problem) yêu cầu học sinh tư duy giải quyết vấn đề chứ không đơn thuần là kỹ năng tính toán quen tay như những “bài tập” (Exercises). Tuy nhiên, từ khi thay đổi, những đề thi Quốc gia của Việt Nam chỉ toàn bài tập.

TS Nguyễn Duy Thái Sơn, người phụ trách đội tuyển Toán T.P Đà Nẵng cho biết: Chúng tôi sẽ phải dạy theo cách ra đề nếu không muốn học sinh của mình trượt. Khi vào vòng thi chọn đội tuyển Quốc tế, tôi mới luyện cho các em hoàn toàn theo cách thi Olympic, như vậy làm sao có thể đảm bảo về chất lượng? Hai tháng tập huấn ở Viện Toán làm sao đủ để có sự thay đổi về chất?

Khâu tuyển chọn trong nước có vấn đề?

Trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ, GS.TSKH Hà Huy Khoái (nguyên viện trưởng Viện Toán học VN, trưởng đoàn học sinh VN dự Olympic toán quốc tế 2011) cho rằng:

Về mặt khách quan thì một phần nguyên nhân do cấu trúc đề thi năm nay có sự thay đổi. Những năm trước, hai bài khó thường rơi vào hình học, là thế mạnh của VN nên đội tuyển VN dễ ăn điểm, năm nay hai bài khó là về tổ hợp, lại là điểm yếu của VN nên các em không lấy được điểm ở phần này.

Tuy nhiên, việc chỉ giành giải đồng không thể đổ lỗi hoàn toàn do đề thi thay đổi.

Tiếp ý kiến này, thầy Nguyễn Vũ Lương, hiệu trưởng Trường THPT chuyên - ĐHQG Hà Nội, cho rằng quy trình tuyển chọn học sinh hiện nay chưa tốt.

Cho dù đề thi có những phần không phải thế mạnh của VN, nếu học sinh thật sự giỏi cũng sẽ không để kết quả sụt giảm như thế.

Tụt xuống đến hạng 31 và sáu thành viên đều chỉnh đoạt huy chương đồng, trong khi 50% số huy chương của giải là huy chương đồng thì không có gì để biện minh.

Cũng với đề thi đó, nhiều đội tuyển nước khác giữ được vị trí của mình hoặc vượt lên, nhưng chúng ta thì rớt thảm hại so với chính kết quả của mình các năm trước đây.

“Có một điều khiến tôi cũng như nhiều thầy cô giáo của các trường chuyên thấy kỳ lạ, khó lý giải là những em học sinh thật sự giỏi, có em từng đoạt giải thưởng cao trong kỳ thi IMO năm trước, lại bị loại ở vòng 2 khi tuyển chọn đội tuyển đi thi”.

Đội tuyển Toán quốc tế năm 2011
Đội tuyển Toán quốc tế năm 2011
"Nói thề thì đau xót cho chúng tôi quá"

Phản biện lại những ý kiến này, nhiêu chuyên gia đã thể hiện ý kiến của mình trên báo Vietnamnet.

TS Nguyễn Duy Thái Sơn, người phụ trách đội tuyển Toán T.P Đà Nẵng cho rằng:"Nếu nói vậy thì đau xót cho tôi quá! Thành tích mà học trò đạt được là bằng chính sự nỗ lực của các em. Cả thầy và trò có được những thành tích như hôm nay đều bỏ ra không phải ít công.”

"Chưa có cơ sở nào để nhận xét như vậy" - thầy Đào Mạnh Thắng, giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương ( Phú Thọ) bổ sung.

Thầy Nguyễn Khắc Minh, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục lưu ý: Chúng ta phải phân biệt cho rõ là ta chưa chọn đúng hay là chưa thu hút được những em giỏi toán, mê toán nhưng không đi theo toán. Tôi cho rằng, chúng ta chưa thu hút được nhiều học sinh giỏi.

Trước những ý kiến về nguyên nhân của kết quả đội tuyển toán năm nay, GS Hà Huy Khoái cho rằng: Cũng không ai dám khẳng định những em vào đội tuyển giỏi hơn những em không vào được đội tuyển. Các em chỉ làm tốt hay không tốt ở một kỳ thi. Ngay cả về nội dung số và tổ hợp, điểm yếu của đội tuyển Việt Nam, các em ở Hà Nội cũng biết không nhiều và được tiếp cận muộn”.

Thầy Khoái cho biết, một điều rất đáng tiếc là trong khoảng 4, 5 năm trở lại đây, chuyện những học sinh năm trước đạt giải quốc tế nhưng năm sau không vào được đội tuyển là chuyện thường xuyên xảy ra.

Năm 2010, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, được coi là vòng ngoài của kỳ thi chọn học sinh đi thi quốc tế, Phạm Hy Hiếu, HCB toán quốc tế 2009 đã trượt ngay từ vòng ngoài vì một bài toán rất dễ trong đề, nhưng em đã làm sai. Năm nay là  trường hợp Vũ Đình Long, HCB năm 2010.

Theo GS Hà Huy Khoái, đây thực sư là một thiệt thòi đối với đội tuyển vì ít nhất, các em đã có kinh nghiệm thi đấu, vốn kiến thức và đã được khẳng định.

"Với những học sinh như vậy, ở nước ngoài, năm sau các em đương nhiên vào đội tuyển quốc tế. Chúng ta nên học tập điều này, dành sự ưu tiên cho các em đã có thành tích tốt ở năm trước" - GS nói.

6 thành viên thi Toán Quốc tế thì 5 người chọn Ngoại thương

Theo GS Đỗ Đức Thái (phó trưởng khoa Toán - tin ĐH Sư phạm Hà Nội, ủy viên ban chấp hành Hội Toán học VN): “Từ nhiều năm nay, một nguy cơ trông thấy là các bạn trẻ không lựa chọn khoa học cơ bản, trong đó có toán học, làm nghề nghiệp tương lai cho mình. Ngay cả những học sinh giỏi toán, mê toán và có giải quốc tế về toán cũng không lựa chọn việc theo đuổi tiếp con đường toán học.

Có năm có sáu thành viên đội tuyển toán quốc tế thì năm người chọn học trường ĐH ngoại thương. Nhìn vào điểm chuẩn khoa toán các trường ĐH danh tiếng thì thấy ngày càng thấp đi và thấp hơn so với những ngành học được coi là thời thượng. Sự hẫng hụt của thế hệ kế cận cho toán học VN có thể nhìn thấy rõ” .

Tờ Tuổi Trẻ tiếp tục phân tích, trong bối cảnh này, những chính sách khuyến khích lại không đủ mạnh hoặc đi ngược với chủ trương chung. Ví dụ như việc bãi bỏ chính sách tuyển thẳng đối với học sinh đoạt giải quốc gia.

Học sinh giỏi quốc gia vẫn phải dự thi đại học. Trong khi mục tiêu của nhiều học sinh là thi đỗ đại học. Việc này khiến nhiều học sinh giỏi không muốn vào trường chuyên, không muốn vào đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng tuyển chọn học sinh dự thi quốc tế.
Hải Hà (tổng hợp)