TP.HCM: Đề thi môn Văn tuyển sinh 10 nhẹ nhàng, thí sinh dễ dàng lấy 7 điểm

11/06/2022 11:48
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều thí sinh nhận xét rằng, đề thi môn Văn ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Thành phố Hồ Chí Minh sáng ngày 11/6 nhẹ nhàng, các em dễ dàng lấy 7 điểm.

Đúng 10h sáng ngày 11/6, gần 94.000 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất bài thi môn Ngữ văn, với thời gian làm bài là 120 phút.

Tại điểm thi ở trường trung học cơ sở Bàn Cờ, quận 3, em Trần Minh Tuấn cho biết, đề thi không khó lắm, nhưng cũng có phần hơi bất ngờ so với sự dự đoán, chuẩn bị ban đầu của em.

Tuấn thích nhất là câu Nghị luận xã hội. Với đề thi này, Tuấn nghĩ em có thể đạt được 7 điểm.

Đề thi Văn tuyển sinh vào lớp 10 của Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: CTV)

Đề thi Văn tuyển sinh vào lớp 10 của Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: CTV)

Đề thi Văn tuyển sinh vào lớp 10 của Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: CTV)

Đề thi Văn tuyển sinh vào lớp 10 của Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: CTV)

Cũng giống như vậy, tại điểm này, một thí sinh khác là em Nguyễn Thị Lệ Trang cho hay, em thấy đề này tương đối dễ thở. Trang viết được 2 tờ giấy thi, rất thoải mái, không áp lực.

Phần đọc hiểu văn bản, trả lời các câu hỏi liên quan tới “thời gian” không quá khó. Phần làm văn cũng quen thuộc, khi đề cho bài Sang thu.

“Đề này vừa sức, lại ra đúng bài mà em đã học kỹ, nên em nghĩ mình có thể được 8 điểm”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phan Thế Hoài – giáo viên trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cho hay, đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nay của thành phố có cấu trúc quen thuộc, giống như những năm học trước nên hoàn toàn không có gì là gây bất ngờ cho học sinh.

Về nội dung đề thi, theo thầy Hoài, đây là một đề thi hay, vừa tầm đối với học sinh, khi mà năm học này, học sinh phải học trực tuyến cả một học kỳ 1, nhưng mà vẫn có tính phân hóa cao.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài - Giáo viên Ngữ văn, trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (ảnh: NVCC)

Thạc sĩ Phan Thế Hoài - Giáo viên Ngữ văn, trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (ảnh: NVCC)

Cụ thể: Câu đọc hiểu (3 điểm) đề cho 2 văn bản đề cập đến bức thông điệp của thời gian, từ đó học sinh lần lượt trả lời các câu hỏi được thiết lập theo ma trận nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và cao. Học sinh có học lực trung bình hoàn toàn có thể lấy được 2,5 điểm, học sinh khá giỏi có thể lấy được điểm tuyệt đối.

Câu nghị luận xã hội (3 điểm) đặt vấn đề: “Phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành” và yêu cầu, ở góc nhìn tuổi trẻ, học sinh hãy trả lời câu hỏi trên.

Đây là một đề mở, phù hợp với mọi đối tượng học sinh, riêng học sinh khá giỏi thì có nhiều ý tưởng hơn để thể hiện quan điểm của mình. Với câu hỏi này, học sinh được tự do bày tỏ ý kiến, dĩ nhiên phải phù hợp với đạo đức, pháp luật và các chuẩn mực xã hội.

Các em có thể đồng tình, không đồng tình, đồng tình một phần với ý kiến “chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành”. Theo dòng thời gian, con người sẽ trưởng thành về mặt thể xác, tâm hồn, nhưng chúng ta cần phải học tập, lao động và trải nghiệm thì mới trưởng thành đúng nghĩa.

Học sinh cũng có thể mở rộng vấn đề để bàn luận như: Phê phán tuổi trẻ để thời gian, công sức trôi qua một cách lãng phí, vô ích.

Câu nghị luận văn học (4 điểm) ra ở chương trình học kỳ 2. Điều này đã được thầy cô dự báo, ôn kỹ cho học sinh. Ở phần này có 2 câu hỏi cho học sinh lựa chọn, đa phần các em sẽ chọn câu hỏi 1, chỉ học sinh thực sự giỏi Ngữ văn mới chọn câu hỏi số 2.

Thí sinh trước giờ làm bài thi môn Ngữ văn (ảnh: P.L)

Thí sinh trước giờ làm bài thi môn Ngữ văn (ảnh: P.L)

Câu 1: Yêu cầu học sinh cảm nhận về 2 khổ thơ trong bài “Sang thu” (Hữu Thỉnh). Học sinh sẽ không gặp khó khăn trong yêu cầu này, vì các em đã được luyện tập nhiều ở trên lớp, kể cả thi thử. Câu hỏi phụ mang tính chất phân loại, đó là từ đoạn thơ liên hệ với một tác phẩm khác để thấy được những biến chuyển của thiên nhiên, hoặc của con người theo bước đi của thời gian.

Học sinh được phép chọn 1 trong 2 ý để trả lời “Những biến chuyển của thiên nhiên hoặc con người theo bước đi của thời gian”. Những biến chuyển của thiên nhiên có thể liên hệ với tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” (Thanh Hải), những biến chuyển của con người có thể liên hệ với nhân vật ông Hai trong tác phẩm “Làng” (Kim Lân).

Riêng câu hỏi 2 (Nghị luận văn học), yêu cầu học sinh phải có kỹ năng nghị luận từ sự trải nghiệm trong quá trình đọc, kết hợp với nội dung tin nhắn từ thời gian, sau đó xâu chuỗi vấn đề thì mới có thể làm bài được tốt.

Việt Dũng