Trần Đăng Khoa: 'Khôi hài khi chơi trò ú tim với môn Sử'

09/04/2013 14:00
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - "Chúng ta trách các em một thì phải trách những người làm quản lý giáo dục mười..." - nhà thơ Trần Đăng Khoa.

- Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, chỉ vài ngày sau khi Bộ GD&ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp THPT 2013, nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) đã reo mừng và xé đề cương môn Sử ném khắp sân trường. Ông có bình luận gì về sự việc này?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đó là điều đương nhiên xảy đến, chuyện các em học sinh ở ngôi trường này xé đề cương môn Sử chẳng qua cũng chỉ là một giọt nước rơi vào cái ly mà vốn nó đã tràn từ trước rồi. Tôi tin rằng chẳng riêng gì học sinh trường này, mà nhiều trường khác nữa cũng đang rất thích thú khi “thoát” thi môn Lịch sử.

Nhìn ở góc độ của những người làm khoa học, thì chuyện xé đề cương môn Sử còn khủng khiếp hơn là sự kiện hàng nghìn điểm 0 ở kỳ thi đại học năm 2011. Lịch sử của dân tộc, những chiến tích oanh liệt trải dài suốt cả quá trình dựng nước và giữ nước của biết bao thế hệ. Nó thiêng liêng lắm, chỉ tiếc là các em không ý thức được điều ấy.

Tôi từng học đại học ở Nga, và cũng đi công tác, giao lưu với bạn bè ở nhiều đất nước, ở đâu họ cũng coi trọng môn Lịch sử, thậm chí hiểu đúng nghĩa và phát triển đúng tầm của nó thì phải gọi là “khoa học lịch sử”, là nền tảng cho nhiều môn học khác. Còn ở ta, rất tiếc là cứ hay làm ngược.

Chúng ta trách các em một thì phải trách những người làm quản lý giáo dục mười. Giá như những lãnh đạo của ngành giáo dục đánh giá đúng về vị thế của môn Sử thì sẽ chẳng có những chuyện buồn như bây giờ. Ít nhất các em cũng tự nuôi dưỡng trong mình tinh thần tự tôn dân tộc. Còn với cách dạy của chương trình hiện nay, các em khó mà cảm thụ được.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cần phải đưa môn Sử vào nhóm các môn thi bắt buộc ở tất cả các cấp.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cần phải đưa môn Sử vào nhóm các môn thi bắt buộc ở tất cả các cấp.

- Điều ông vừa nói đã từng được nhiều nhà sử học cảnh báo, cũng đã có nhiều kiến nghị với Bộ Giáo dục để tìm cách thay đổi phương pháp dạy và học môn Sử, giúp các em dễ tiếp thu hơn. Nhưng có một thực tế ở nước ta hiện nay là chương trình học ở bậc phổ thông còn rất nặng, và nếu không thi thì sẽ không học. Vì lẽ ấy, mong muốn đưa môn Sử trở thành nền tảng của nhiều môn khác là rất khó đấy, thưa ông?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Phát triển nền giáo dục không thể cứ dựa mãi vào cái cũ, nhưng cũng không thể làm theo ý chí chủ quan của một số người. Nói thì nói nhiều rồi, bàn cũng bàn nhiều rồi, nhưng rốt cuộc chúng ta định phát triển nền giáo dục theo trường phái nào thì vẫn chưa có câu trả lời. Đấy là vấn đề vĩ mô, xin được bàn ở một dịp khác.

Còn với trường hợp cụ thể này, theo tôi môn Sử nên đưa thành môn thi bắt buộc ở tất cả các cấp. Người Việt phải biết sử Việt. Biết ở đây có nghĩa là phải hiểu tường tận, phải thuộc như chính câu chuyện của mình. Bác Hồ đã viết: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Nhưng đúng là ở nước ta, học chủ yếu để đối phó với thi cử, chương trình học lại khô khan, đưa quá nhiều các mốc sự kiện chi tiết vào khiến môn Lịch sử trở thành “gánh nặng tư tưởng”. Với một chương trình dài dằng dặc như thế mà lại tổ chức thi để kiểm tra kiến thức “học vẹt” nên phần nhiều bị điểm thấp. Thế nên học sinh không chỉ xé đề cương mà còn reo mừng vì lẽ ấy.

Quan điểm của tôi là phải thay đổi triệt để cách dạy và học môn Sử hiện nay, đừng bắt học sinh học vẹt, vì dù các em có vượt qua những “đề thi vẹt” ấy thì rốt cuộc cũng không giải quyết được gì, bởi đó không phải là sản phẩm của cá nhân các em, mà được nhồi nhét một đáp án giống nhau. Học và thi như vậy, cứ hết kỳ là quên sạch. Học rồi để quên đi thì học làm gì?

Hãy để cho các em học một cách chủ động, đồng thời ra đề mở, đó mới là xu hướng giáo dục của thời bây giờ, các em không phải phụ thuộc vào đáp án tủ. Thí dụ như ở Mỹ chẳng hạn, người ta ra những đề rất mở: Em hãy đánh giá xem ai có tội trong chiến tranh thế giới? Hay: Nếu em trở thành thượng nghị sĩ của một bang trên đất Mỹ, em sẽ làm gì?

- Hy vọng rồi đây những lời tâm huyết của ông sẽ trở thành sự thật, nhưng có lẽ cũng còn lâu lắm, vì rằng đã có vô khối các cuộc hội thảo, hàng trăm nhân sĩ trí thức, những giáo sư đầu ngành góp ý cho giáo dục mà đã ăn thua gì đâu? Mới đây, Bộ giải thích rằng: “không thi môn Sử vì bốc thăm không trúng”...

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Bộ Giáo dục đưa môn Sử vào nhóm các môn phải bốc thăm là không nên. Tôi phải nói thật là một loạt các động thái của Bộ gần đây rất ít cải tiến có sức nặng. Gần đây nhất là chuyện bỏ thi Văn vào 10 trường ĐH CĐ thuộc khối Văn hóa nghệ thuật. Bây giờ, lại là bốc thăm để thi môn Sử. Thật hài hước khi người ta chơi trò ú tim với môn Sử.

Có người hỏi: Phải chăng vì Bộ Giáo dục sợ kết quả thi môn Sử thấp nên loại khỏi kỳ thi quan trọng này? Tôi nghĩ không phải đến mức ấy, nhưng qua đây cũng cho thấy nhận thức của những người có trách nhiệm ở Bộ Giáo dục về vai trò môn lịch sử là chưa ổn. Không phải tự nhiên mà biết bao nhà khoa học lên tiếng suốt một thời gian dài, kêu gọi nâng cao vị thế của môn Sử.

Tôi tin rằng nếu chúng ta thay đổi cách dạy - học và ra đề thi, các em sẽ rất hứng khởi với môn Sử. Người Việt mà không nắm chắc được sử Việt thì rất đáng xấu hổ.

Hãy nghĩ rộng hơn là chúng ta cần phải làm thức dậy tinh thần yêu nước của các thế hệ trẻ, hãy để các em luôn giữ trong mình tinh thần tự tôn, để các em tự hào Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam không phải chỉ là vấn đề địa lý, mà còn là câu chuyện của lịch sử.

- Trân trọng cảm ơn nhà thơ!

Ngọc Quang (Thực hiện)