Trang web trường Tiểu học thị trấn Yên Lạc đăng tải thông tin xuyên tạc lịch sử

26/09/2019 09:33
Vũ Ninh
(GDVN) - Bài đăng: “30 tháng 4 mãi không quên” trên trang web của trường Tiểu học thị trấn Yên Lạc có nhiều thông tin xuyên tạc, bôi xấu chế độ.

Trên trang web của trường Tiểu học thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) có đăng bài: 30 tháng 4 mãi không quên.

Bài đăng vào ngày 23/4/2018, kí tên: Ban quản trị, nguồn tin: Biên tập, có 880 lượt đọc.

Tiếng nói lạc lõng, làm tổn thương đến tình cảm và lợi ích của nhân dân Việt Nam
Tiếng nói lạc lõng, làm tổn thương đến tình cảm và lợi ích của nhân dân Việt Nam

Như vậy, tính đến nay, bài viết này đã tồn tại hơn 1 năm trên trang web chính thức của nhà trường.

Thời điểm hiện tại, trang web này vẫn còn hoạt động với tổng số lượng người truy cập hơn 50.000 người (trong năm học 2019-2020).

Khi đọc kỹ nội dung của bài: “30 tháng 4 mãi không quên”, sẽ thấy nhiều thông tin xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ thành quả cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại của cha ông ta.

Phải nói ngay rằng đây là những thông tin hoàn toàn sai trái và những ai đã cho đăng tải bài viết này cũng như cán bộ quản lý trang thông tin phải bị xử lý thật nghiêm minh.

Để độc giả có thể thấy rõ mức độ sai phạm, chúng tôi lược trích một số nội dung của bài viết xuyên tạc này.

Cụ thể, trong bài có đoạn: Minh chứng sự tốt đẹp của việc “đất lành chim đậu”, thực tế là trong thời gian 30 năm chia cắt, chỉ thấy người miền Bắc vượt vĩ tuyến 17 vào Nam, chứ không thấy ai ở miền Nam ra miền Bắc tìm tự do.

Một đoạn khác được bôi xanh: “Sự tuyên truyền và những thông tin của miền Nam đưa ra chưa thấm vào đâu so với sự thật tàn tệ và thảm cảnh của đồng bào miền Bắc. 

Nội dung xuyên tạc, bịa đặt (Ảnh: chụp từ màn hình bài viết)
Nội dung xuyên tạc, bịa đặt (Ảnh: chụp từ màn hình bài viết)

Sau này, chuyện đấu tố trong đợt cải cách ruộng đất năm 1949 còn kinh hoàng gấp trăm lần những gì miền Nam đã biết qua các tác phẩm của các nhân chứng miền Bắc được viết sau ngày “thống nhất” như “Ngày Long Trời, Đêm Lở Đất” của Trần Thế Nhân, “Une Voix dans La Nuit” (Tiếng vọng trong đêm,) của Hoàng Văn Chí – Mạc Định, “Chuyện Làng Ngày Ấy” của Võ Văn Trực và rải rác hầu hết trong các tác phẩm của Dương Thu Hương, Trần Đĩnh… mà khả năng của người viết không đếm hết.

Sau ngày 30 tháng 4-1975, nhờ thông thương đi lại, nhờ mắt thấy tai nghe, người Việt Nam của cả hai phe, đã thấy rõ sự tuyên truyền, tố cáo của chế độ bên này đối với phía kia là đúng hay sai”.

Hình ảnh được cắt ra từ bài viết (Ảnh:chụp từ màn hình bài viết)
Hình ảnh được cắt ra từ bài viết (Ảnh:chụp từ màn hình bài viết)

Cuối bài viết, tác giả dùng những từ “lếu láo”, “quá cường điệu”, “không có nổi 1% sự thật” dùng để chỉ Đảng ta:

"Ở miền Bắc, chế độ Cộng Sản tuyên truyền nói xấu miền Nam thì quá cường điệu, lếu láo, không có nổi 1% sự thật. 

Khi vào được để “tham quan” miền Nam và thăm bà con, dân miền Bắc còn ngây thơ mang vào Nam cứu trợ mấy ký gạo đỏ và chục chén ăn cơm". 

Bên cạnh đó tác giả còn đưa vào nhiều thông tin sai lệch như: Miền Bắc đã mang về từ vùng đất “được giải phóng” hàng chục tấn vàng, kim cương cho Bộ Chính Trị đảng và cho hàng vạn xe gắn máy, đồng hồ, radio, quạt máy và vàng bạc đủ xây lại nhà cửa khang trang từ những thân nhân mà họ đã “khai tử” trên bản lý lịch trích ngang, vì không muốn liên hệ gì với những người đã di cư vào Nam năm 1954.

Nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử (Ảnh:chụp từ màn hình bài viết)
Nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử (Ảnh:chụp từ màn hình bài viết)

Những thông tin không có kiểm chứng, xuyên tạc, bôi nhọ chế độ được đăng tải trên website của một trường Tiểu học thị trấn Yên Lạc, tồn tại đến nay đã hơn 1 năm mà không bị ai phát hiện, xử lý.

Chưa rõ bài viết này là của cá nhân hoặc một nhóm người nhưng rõ ràng nhà trường đã thể hiện sự lỏng lẻo trong khâu quản lý đối với các nội dung đưa lên mạng.

Trước đây cũng đã từng có một số trường hợp trên các trang web của một số trường đăng tải những bài viết kích động thù hằn, mê tín dị đoan, chống phá chế độ. 

Điều này đặt ra bài toán quản lý nội dung thông tin đăng tải trên các website nhà trường.

Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với ông Phạm Thế Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lạc.

Ông Dũng xác nhận có bài viết: “30 tháng 4 mãi không quên” trên trang web của trường Tiểu học thị trấn Yên Lạc với nhiều thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lạc cũng đã báo cáo với cấp trên và yêu cầu cơ quan công an làm việc, xác minh.

Trong ngày 25/09/2019, cơ quan công an huyện Yên Lạc cũng đã làm việc trường Tiểu học Thị trấn Yên Lạc về nội dung bài viết trên.

Bước đầu nhà trường cam kết: Không đăng tải bài viết trên trang web của nhà trường.

Tuy nhiên điều đáng nói bài viết này đã tồn tại hơn 1 năm nay, có hơn 800 lượt người xem nhưng nhà trường lại không hề biết gì.

Hiện bài viết trên đã bị gỡ bỏ khỏi trang web trường Tiểu học Thị trấn Yên Lạc

Vũ Ninh