Về sự cần thiết phải tăng cường mối quan hệ Quân đội và Công an
Một là, xuất phát từ nguồn gốc và bản chất của hai lực lượng. Quân đội và Công an đều từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và có mối quan hệ máu thịt với nhân dân.
Nét đặc sắc trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, được tổ chức với ba thứ quân - bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; kết hợp thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân.
Vì vậy, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1 năm 1956, Người nhấn mạnh: “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân đội, để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là công an, để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại.
Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện. Còn công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc” (1).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Quân đội và Công an (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn). |
Đối với Công an, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai (lúc đó là Giám đốc Sở Công an Khu XII), khi nói về Tư cách người công an cách mệnh, tháng 3 năm 1948, Người khẳng định: “... công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc” (2).
Đối với Quân đội, trong Bài nói trong buổi chiêu đãi mừng Quân đội ta 20 tuổi, Người nhấn mạnh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.
Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau” (3).
Hai là, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của hai lực lượng khác nhau, nhưng có mối quan hệ chặt chẽ và chiến đấu vì một mục tiêu giống nhau.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội nhân dân và công an nhân dân là hai lực lượng, thành phần cơ bản của lực lượng vũ trang nhân dân và là công cụ bạo lực chủ yếu bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Mặc dù Quân đội và Công an có chức năng, nhiệm vụ và quy mô tổ chức lực lượng riêng, mang tính đặc thù của mỗi lực lượng, nhưng đều có chung lợi ích và mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Vì vậy, trong Bài nói tại buổi lễ thành lập công an nhân dân vũ trang, Người khẳng định: “Thành lập được lực lượng công an nhân dân vũ trang là một thành công về đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau giữa bộ đội và công an.
Công an và quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, ra sức phát triển ưu điểm, khắc phục những tư tưởng không đúng” (4).
Vì thế, trong quá trình trưởng thành, phát triển của từng lực lượng, mối quan hệ phối hợp giữa Quân đội và Công an luôn gắn bó khăng khít trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, nhất là trong những thời điểm cam go, khốc liệt nhất của cách mạng Việt Nam.
Mối quan hệ đó là yêu cầu tất yếu khách quan xuất phát từ nhiệm vụ cách mạng; từ sự thống nhất có tính biện chứng giữa nhiệm vụ quốc phòng và an ninh.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước, quân đội nhân dân và công an nhân dân luôn chung sức, đồng lòng, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao theo đúng lời dạy của Bác: “Đảng có lãnh đạo chính trị đúng, thì chuyên môn mới đúng.
Nỗ lực để nhân dân dành trọn niềm tin yêu đối với người chiến sĩ công an |
Công an nhân dân vũ trang, hay là quân đội cũng thế, phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng từ trên xuống dưới” (5).
Ba là, xuất phát nguy cơ dẫn đến chia rẽ mối quan hệ chặt chẽ giữa Quân đội và Công an. Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra và phê bình sự suy bì thiệt hơn khi phục vụ Quân đội hay Công an trong nội bộ cán bộ, chiến sĩ và cả nhân dân: “Cũng có người có ý nghĩ quân đội hơn công an, hoặc công an hơn quân đội.
Nghĩ như thế càng không đúng, bởi vì mỗi ngành có nghiệp vụ chuyên môn của nó. Nhưng cả hai đều phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng cả.
Vì vậy, không nên coi mình là giỏi mà phải luôn luôn học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ nhau để càng ngày càng tiến bộ” (6).
Không những vậy, “Bác dặn thêm mấy điểm: Công an và bộ đội phải cảnh giác, phải biết trấn áp kẻ địch bên trong và kẻ địch bên ngoài. Kẻ địch bên trong là bọn phản động, bọn phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; kẻ địch bên ngoài là bọn đế quốc, bọn xâm lược.
Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của quân đội, của công an nói riêng và toàn dân nói chung; là nhiệm vụ mà quân đội và công an phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được tốt”(7).
Thực tiễn hơn 70 năm qua cho thấy, sự phối hợp giữa Quân đội và Công an theo lời dạy của Bác Hồ đã trở thành truyền thống, kinh nghiệm quý báu và là nhân tố góp phần quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước, mối quan hệ phối hợp giữa công an nhân dân và quân đội nhân dân được nâng lên tầm cao mới.
Điều đó được thể hiện rõ trong phối hợp của hai lực lượng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng - an ninh trên từng khu vực và địa bàn cả nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tăng cường mối quan hệ Quân đội và Công an theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay
Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, tuy hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng sẽ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định rất khó lường.
Đáng chú ý là, các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, chống phá ta trên tất cả các lĩnh vực; sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta, thực hiện “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, hòng hạ thấp uy tín, vai trò và chia rẽ mối đoàn kết, gắn bó giữa Quân đội và Công an, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ chính trị ở nước ta.
Một thủ đoạn gần đây được các thế lực thù địch phản động dựng chuyện thông qua luận điểm kích động: “Ai làm thoái hóa quân đội Việt Nam?” để chỉ trích việc Quân đội tham gia phối hợp với Công an bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Họ còn xuyên tạc một số vấn đề của Nghị định số 77/2010/NĐ-CP về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng.
Luận điệu cũ rích của chúng nay vẫn lặp lại là kêu gọi “phi chính trị” Quân đội và Công an, cho rằng hai lực lượng này phải tách rời sự lãnh đạo của Đảng, không được “trung với Đảng”, “còn Đảng còn mình” mà phải quay về là lực lượng thuần túy phục vụ nhân dân.
Xây dựng đội ngũ công an nhân dân vừa hồng, vừa chuyên, vì nhân dân phục vụ |
Quân đội nhân dân và công an nhân dân sẽ chỉ là của quốc gia, dân tộc, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái, lực lượng chính trị nào”.
Họ yêu cầu phải bỏ nội dung lực lượng vũ trang tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, được ghi trong Điều 65 Hiến pháp năm 2013...
Để tăng cường mối quan hệ Quân đội và Công an theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay, cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
Một là, quán triệt sâu sắc, toàn diện và sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Quân đội và Công an, nhất là sự cần thiết phải tăng cường mối quan hệ Quân đội và Công an và phương thức tăng cường mối quan hệ này.
Hai là, tích cực, chủ động phối hợp tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về an ninh - quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Ba là, tăng cường bản chất giai cấp công nhân trong Quân đội, Công an gắn với tích cực đấu tranh phản bác các luận điệu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bốn là, các cấp ủy, chỉ huy trong Quân đội và Công an cần phối hợp chặt chẽ trong tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Năm là, tăng cường phối hợp xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững mạnh; chủ động phối hợp đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Sáu là, đẩy mạnh phối hợp trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng - an ninh.
Bẩy là, phối hợp xây dựng Lực lượng công an nhân dân và quân đội nhân dân vững mạnh, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi lực lượng theo Nghị định 77 của Thủ tướng Chính phủ.
Tám là, tăng cường phối hợp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ, đảng viên và toàn dân theo Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh.
Tài liệu tham khảo:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập,tập 10, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.258
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập,Sđd, tập 5, tr.498
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập,Sđd, tập 14, tr.435
(4) (5) (6) (7) Hồ Chí Minh, Toàn tập,Sđd, tập 12, tr.153; tr.153; tr.154; tr.154