Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội-Amsterdam tuyển lớp 6, chuyện gì đang xảy ra?

11/05/2021 06:59
Thanh Hà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Được biết C03 Bộ Công An cũng đang tìm hiểu việc tuyển sinh và đào tạo bậc trung học cơ sở tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của bạn đọc rằng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội Amsterdam đang tuyển sinh và tổ chức đào tạo bậc trung học cơ sở không đúng quy định của pháp luật trong nhiều năm qua.

Để có thông tin chính xác, Tòa soạn đã liên hệ, gửi câu hỏi tới các vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng trưởng các phòng ban chức năng liên quan cũng như Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời từ Sở.

Đề án thí điểm đến bao giờ, liệu có hết hạn tuyển sinh như song bằng?

Ngày 13/4/2021 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành hướng dẫn số 1199/SGDĐT-QLT về việc tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2021-2022, trong đó vẫn hướng dẫn các trường trung học cơ sở tuyển sinh vào lớp 6 theo đề án thí điểm song bằng. [1]

Ngày 20/4/2021, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trì cuộc họp với hiệu trưởng các trường thí điểm song bằng, các phòng ban liên quan [2]. Tại cuộc họp này, nhiều hiệu trưởng khá bất ngờ khi lãnh đạo Sở cho biết, theo đề án thí điểm, năm học 2021-2022 sẽ không tuyển sinh mới lớp 6 song bằng, mà chỉ tập trung đào tạo các lớp đã tuyển sinh từ 3 năm trước.

Ngày 23/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo chí để thông tin chính thức về vấn đề này, theo đó năm học 2021-2022, Hà Nội dừng tuyển học sinh lớp 6 chương trình song bằng, chỉ tiếp tục đào tạo các lớp song bằng đã tuyển, do đề án thí điểm quy định như vậy.

Về hướng dẫn tuyển sinh số 1199/SGDĐT-QLT ngày 13/4/2021 vẫn chỉ đạo tuyển sinh lớp 6 song bằng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ông Phạm Xuân Tiến cho biết, hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp là hướng dẫn chung. Còn việc tuyển sinh song bằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phải chờ ý kiến của thành phố đồng ý mới thông báo riêng.

Báo Tuổi trẻ ngày 23/4 nhận định: Giải thích trên của ông Phạm Xuân Tiến không thỏa mãn đối với báo chí vì đề án có lộ trình sẵn nhưng vẫn vênh với hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp vừa ban hành, và bây giờ khi sát thời điểm tuyển sinh mới có thông báo mới gây bức xúc cho nhiều người. [3]

Phải chăng khi đề án thí điểm song bằng bậc trung học cơ sở hết hạn tuyển sinh mới lớp 6 năm học 2020-2021 nhưng cả lãnh đạo các trường, các phòng giáo dục có trường đang thí điểm cũng như lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đều không hay biết, khiến phụ huynh và học sinh bị động bất ngờ, bức xúc?

Kỳ tuyển sinh đầu cấp năm học 2020-2021 sắp bắt đầu, để tránh xảy ra tình trạng tương tự đề án thí điểm song bằng, thiết nghĩ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên sớm ra soát lại một đề án thí điểm khác:

Đề án thí điểm hệ Trung học cơ sở của Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam theo hướng đào tạo trình độ chất lượng cao và đào tạo nguồn học sinh chuyên, với mức thu học phí 550.000 đồng/tháng. [4]

Ngay từ năm 2009 khi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt đề án thí điểm cho phép Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam có "hệ trung học cơ sở chất lượng cao", báo chí đã đặt nhiều câu hỏi.

Báo Dân Trí, Báo Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh ngày 03/10/2009 có bài: "Trường Ams thu học phí "cắt cổ" để ủ mầm tài năng? [4] [5] dẫn lại bài viết của tác giả Hạ Anh trên Vietnamnet, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh cùng ngày cũng dẫn lại bài viết này với tiêu đề "Chặn cửa HS nghèo học giỏi?" [6].

"Thí điểm" không thể kéo dài mãi, rồi cũng sẽ có ngày kết thúc.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên chăng kiểm tra lại xem, đề án này đã hết hạn hay chưa, có được gia hạn hay không, có văn bản nào thay thế quyết định phê duyệt đề án thí điểm để triển khai giai đoạn tiếp theo hay không? Nếu đề án thí điểm đã hết hạn, năm nay Chuyên Ams có được tuyển sinh lớp 6 hay không?

Những vấn đề pháp lý đặt ra với "hệ trung học cơ sở" của Chuyên Ams

Thứ nhất: "hệ trung học cơ sở" không tồn tại trong Luật Giáo dục

Luật Giáo dục 1998, Điều 26 quy định cơ sở giáo dục phổ thông gồm: 1. Trường tiểu học; 2. Trường trung học cơ sở; 3. Trường trung học phổ thông; 4. Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp.

Luật Giáo dục 2005, Điều 30 quy định, cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm: 1. Trường tiểu học; 2. Trường trung học cơ sở; 3. Trường trung học phổ thông; 4. Trường phổ thông có nhiều cấp học; 5. Trung tâm kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp.

Luật Giáo dục 2019, Điều 33 quy định, cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm: 1. Trường tiểu học; 2. Trường trung học cơ sở; 3. Trường trung học phổ thông; 4. Trường phổ thông có nhiều cấp học.

"Hệ trung học cơ sở" không phải cơ sở giáo dục phổ thông theo Luật Giáo dục, liệu có tư cách pháp nhân để tuyển sinh, đào tạo và đề nghị cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở?

Ảnh chụp màn hình video phóng sự của Chuyển động 24h/VTV.vn phản ánh tình trạng học bạ tiểu học toàn điểm 10 mới đủ điều kiện cần để thi vào lớp 6 Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam năm học 2019-2020.

Ảnh chụp màn hình video phóng sự của Chuyển động 24h/VTV.vn phản ánh tình trạng học bạ tiểu học toàn điểm 10 mới đủ điều kiện cần để thi vào lớp 6 Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam năm học 2019-2020.

Thứ hai: Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000 quy định: không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và trung học cơ sở. [7]

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu quan điểm chỉ đạo: Trước mắt, ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay.

Cho đến nay chưa thấy Trung ương có văn bản nào thay đổi chủ trương này, không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và trung học cơ sở.

Thứ ba: "hệ trung học cơ sở" trong Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam không có trong Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi tắt là Điều lệ) cũng như Quy chế trường trung học phổ thông chuyên.

Điều lệ cũ, ban hành theo thông tư 12/2011/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 15/5/2011 đến 01/11/2020 cũng như Điều lệ hiện hành ban hành kèm theo thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 01/11/2020 đến nay, đều quy định rõ về trường trung học có một cấp học và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó:

Trường trung học là cơ sở giáo dục phổ thông của hệ thống giáo dục quốc dân. Trường có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng (điều 2, Điều lệ cũ cũng như Điều lệ hiện hành).

Điều này thể hiện rõ trong con dấu, tên gọi của cơ sở giáo dục phổ thông, quy định tại điều 5 Điều lệ cũ cũng như Điều lệ hiện hành. Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam không có chữ "trung học cơ sở" trong tên gọi cũng như con dấu.

Thứ tư: vì không có "tư cách pháp nhân" để tuyển sinh và đào tạo bậc trung học cơ sở, nên Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam không có biên chế giáo viên trung học cơ sở.

Điều này đã được báo chí phản ánh từ năm 2009: Giáo viên trung học phổ thông của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam phải đảm nhiệm thêm việc dạy ở khối trung học cơ sở bên cạnh dạy chính khóa [4].

Thứ năm: Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam có được cấp phép hoạt động giáo dục bậc trung học cơ sở hay không?

Quy định và thủ tục cho phép hoạt động giáo dục bậc trung học cơ sở được ghi rõ tại Điều 27, Điều 28 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, cũng như khoản 15, khoản 16 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 46/2017/NĐ-CP.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt câu hỏi này với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng như Phòng Giáo dục và Đào tạo Cầu Giấy. Đến nay Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chưa phản hồi, còn Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho biết, Trường Amsterdam trực thuộc Sở Giáo dục nên hãy liên hệ với Sở Giáo dục để được trả lời.

Theo lịch làm việc của Ban giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tuần từ 10/5 đến 14/5/2021, 9h00 sáng thứ Tư 12/5 Phó giám đốc Phạm Văn Đại sẽ "kiểm tra điều kiện cấp phép hoạt động trường THCS-THPT" [8]. Vậy Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã được cấp phép hoạt động bậc trung học cơ sở chưa?

Nếu Sở đã cấp phép, thì dựa theo quy định nào trong khi Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam không có tư cách pháp nhân, con dấu, biên chế, tài khoản riêng cho cấp trung học cơ sở?

Nếu Sở chưa cấp phép hoạt động giáo dục cấp trung học cơ sở cho Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, vậy việc tuyển sinh và đào tạo bậc trung học cơ sở tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam những năm qua có phải là hoạt động bất hợp pháp?

Được biết Cơ quan C03 Bộ Công An cũng đang tìm hiểu việc tuyển sinh và đào tạo bậc trung học cơ sở tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam và các vấn đề liên quan.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.hanoi.edu.vn/tuyen-sinh-dau-cap/huong-dan-tuyen-sinh-vao-cac-truong-mam-non-lop-1-lop-6-nam-hoc-2021-2022-c987-12090.aspx

[2]https://hanoi.edu.vn/lich-cong-tac/lich-lam-viec-cua-ban-giam-doc-so-giao-duc-va-dao-tao-tuan-tu-194-2442021-c573-12106.aspx

[3]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cac-truong-song-bang-biet-ro-viec-dung-tuyen-tu-dau-vi-sao-van-giau-phu-huynh-post217271.gd

[4]https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/truong-ams-thu-hoc-phi-cat-co-de-u-mam-tai-nang-1254783955.htm

[5]https://www.giaoduc.edu.vn/truong-ams-thu-hoc-phi-cat-co-de-u-mam-tai-nang.htm

[6]https://plo.vn/giao-duc/chan-cua-hs-ngheo-hoc-gioi-231741.html

[7]https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-viii/nghi-quyet-hoi-nghi-lan-thu-hai-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-viii-ve-dinh-huong-chien-luoc-phat-trien-giao-duc-666

[8]https://hanoi.edu.vn/lich-cong-tac/lich-lam-viec-cua-ban-giam-doc-so-giao-duc-va-dao-tao-tuan-tu-105-1452021-c573-12155.aspx

Thanh Hà