Trường Nghệ thuật và Công nghệ NCAT: mô hình trường có một không hai ở Australia

16/03/2019 06:32
Giáo sư Nguyễn Xuân Thu
(GDVN) - Trường Nghệ thuật và Công nghệ NCAT cung cấp các chương trình và có mạng lưới liên thông cho mọi học sinh kể cả người lớn tuổi muốn phát triển niềm đam mê.

Từ ngày đến thăm trường Nghệ thuật và Công nghệ NCAT một câu hỏi luôn ám ảnh tâm trí tôi là tại sao ngôi trường bên ngoài không son phấn này lại là một mô hình trường học độc nhất vô nhị tại đất nước Australia? [1]

Lần đọc hết các tiết mục trên trang mạng của trường (ncat.vic.edu.au), từng trang tài liệu do trường phổ biến, đến gặp, nói chuyện với một số học viên, xem thông tin về những người tốt nghiệp và đã thành đạt, tôi mới có câu trả lời và mong muốn được chia sẻ với bằng hữu, đồng nghiệp và bạn đọc quan tâm.

Một ngôi trường trong đó có ba trường

Trường Nghệ thuật và Công nghệ NCAT là một cơ sở giáo dục trong đó có 3 trường, dạy 3 loại chương trình khác nhau:

Trường dạy Chương trình Trung học Phổ thông (10, 11 và 12): Lúc tốt nghiệp học sinh được cấp Chứng chỉ Trung học Phổ thông VCE; [2]

Trường dạy Chương trình Trung học Phổ thông thực hành (10, 11 và 12): Tốt nghiệp, học sinh nhận được Chứng chỉ Trung học Phổ thông Thực hành VCAL; [3]

Trường dạy Chương trình Cao đẳng nghề cho các học viên đã học xong bậc trung học phổ thông và cấp các Chứng chỉ VI và bằng Diplome. Các loại văn bằng này theo chuẩn quốc gia và được công nhận trên toàn lãnh thổ nước Úc.

Chi tiết các chương trình học tại NCAT

Chương trình trung học Phổ thông VCE

Khung Chương trình trung học Phổ thông VCE thống nhất như nhau trong các trường Trung học phổ thông do Vụ Chương trình và Khảo thí tiểu bang Victoria (VCAA) quản lý. [4]

Chương trình chỉ có một môn bắt buộc là tiếng Anh (English) hoặc tiếng Anh cho người có nguồn gốc không nói tiếng Anh (EAL).

Học sinh có thể chọn 1 hoặc 2 môn học truyền thống có sẵn trong trường như âm nhạc, hội họa, thể dục thể thao… như là những môn học trong chương trình giáo dục nghề nghiệp (trades) ở trong các phần 2.1.1 hoặc 2.1.2 ở dưới đây. [5]

Các chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp trong các trường phổ thông được các trường đại học công nhận.

Chương trình trung học phổ thông thực hành VCAL có 2 khối:

- Khối Nghệ thuật: gồm có 7 chứng chỉ:

Chứng chỉ II về Khiêu vũ (Dance, Mã số: CUA2011) [6]

Chứng chỉ III về Màn hình và truyền thông Đa phương tiện (Screen & Media, CUA3105)

Chứng chỉ III về Màn hình và truyền thông (Video/màn screen, CUA31015))

Chứng chỉ II về Công nghiệp Âm nhạc (Music Industry, CUA20615)

Chứng chỉ III về Âm nhạc trình diễn (Music Performance, mã số: CUA30915)

Chứng chỉ III về Âm nhạc - sản xuất âm thanh (Sound Production, CUA30915)

Chứng chỉ II về Nghệ thuật Tạo hình (Visual Arts, mã số: CUA20715)

- Khối giáo dục Nghề nghiệp cơ bản (trades) và Công nghệ (technology): gồm có 9 chứng chỉ:

Chứng chỉ II về nghề ôtô (Automotive Technology, mã số: 22015VIC)

Chứng chỉ II về Xây dựng (Building & Construction, mã số: 22216VIC)

Chứng chỉ II về Công nghệ điện tử (Electrotechnology, mã số: 21887VIC)

Chứng chỉ II về Kỹ thuật (Engineering studies, mã số: 22209VIC)

Chứng chỉ II về Liên thông làm đồ nội thất (Furniture Making, mã số: LMF20309)

Chứng chỉ II về Công nghệ tích hợp (Integrated Technology, mã số: 22289VIC)

Chứng chỉ III về Làm và sửa dụng cụ âm nhạc (Music Instrument Making & Repair, 22306VIC)

Chứng chỉ II về Hệ thống ống nước (Plumbing, mã số: 22138VIC)

Chứng chỉ III về Thể thao và Giải trí (Sport & Recreation, mã số: SIS 30513)

Lớp học khiêu vũ (Ảnh: tác giả cung cấp).
Lớp học khiêu vũ (Ảnh: tác giả cung cấp).

Chương trình Cao đẳng Nghề

Tập trung dạy và cấp 5 chứng chỉ và bằng Diplome dưới đây:

Chứng chỉ IV về Công nghiệp âm nhạc – Trình diễn (Music Industry – Performance, mã số: CUA40915). Học một năm nếu đã có các chứng chỉ hay năng khiếu về âm nhạc, trang bị cho học viên các lĩnh vực của âm nhạc.

Chứng chỉ IV về Công nghiệp âm nhạc – Sản xuất âm thanh (Music Industry - Sound Production, mã số: CUA40915). Học một năm nếu đã có các chứng chỉ hay năng khiếu về âm nhạc, bao gồm cả sản xuất và quảng cáo.

Chứng chỉ IV về Chế tạo và sửa chữa nhạc cụ (Musical Instrument Making & Repair, mã số: 22306VIC). Dạy cả các công nghệ truyền thống và công nghệ số hiện đại.

Chứng chỉ IV về Hình ảnh và chụp hình (Photography & Photoimaging, mã số: CUA41115). Dạy về lý thuyết nghệ thuật chụp hình, quy trình sang hình số, máy ảnh…

Bằng Diplome về Hình ảnh và chụp hình (Photography & Photoimaging, mã số: CUA50915). Cung cấp các kỹ năng kỹ thuật mới để có thể vận hành các mảng lớn trong các studio chuyên nghiệp (công nghệ của thế kỷ 21).

Studio làm nhạc cụ (Ảnh: tác giả cung cấp).
Studio làm nhạc cụ (Ảnh: tác giả cung cấp).

Các ngành nghề sau khi tốt nghiệp

Các ngành nghề sau khi tốt nghiệp Chứng chỉ VCE

Các học sinh trong chương trình VCE thường học các môn học để có thể tiếp tục học lên bậc đại học.

Tuy nhiên, học sinh cũng được khuyến khích chọn học một số môn thuộc nhóm nghề cơ bản (trades).

Học xong mỗi môn, học sinh được cấp một chứng chỉ nghề và chứng chỉ này được các trường đại học công nhận.

Các ngành nghề trong lĩnh vực Nghệ thuật

Thiết kế: có 41 nghề trực tiếp ngành học và 35 nghề có liên quan đến ngành học.

Nghệ thuật tạo hình: có 18 nghề trực tiếp ngành học và 35 nghề có liên quan.

Âm nhạc: có 23 nghề trực tiếp ngành học và 15 nghề có liên quan đến ngành học.

Nghệ thuật trình diễn: có 10 nghề trực tiếp ngành học. 

Truyền thông: có 9 nghề trực tiếp và 6 nghề có liên quan đến ngành học.

Khiêu vũ: có 3 nghề trực tiếp và 14 nghề có liên quan đến ngành học.

Kịch nói: có 7 nghề trực tiếp và 6 nghề có liên quan đến ngành học.

Các ngành nghề trong các nghề cơ bản và Công nghệ

Công nghệ: có 11 nghề trực tiếp và 6 nghề có liên quan.

Nghề cơ bản: có 24 nghề trực tiếp (hầu hết mọi loại thợ: thợ xây dựng, thợ hàn, thợ điện, thợ sửa chữa ô tô, thợ mộc, thợ lát gạch, thợ điện lạnh…) và 13 nghề có liên quan: quản lý công trường, trang trí nội thất, gắn và sửa thang máy, kiểm tra xây dựng...

Khu sản xuất dụng cụ (Ảnh: tác giả cung cấp).
Khu sản xuất dụng cụ (Ảnh: tác giả cung cấp).

Những đặc điểm làm cho trường NCAT trở thành đặc biệt

Ngôi trường độc nhất vô nhị tại Úc

Chương trình Trung học Phổ thông VCE là một chương trình phần lớn học sinh có năng lực học tập trung bình trở lên thường lựa chọn.

Những học sinh ít có kỹ năng về hàn lâm (academic) đều được các giáo viên hướng dẫn khuyên đăng ký học trong các trường trung cấp và cao đẳng nghề (ở Úc gọi là trường TAFE) sau khi kết thúc lớp 10 (tức là hết giai đoạn giáo dục phổ cập – compulsory education).

Chương trình Trung học Phổ thông Thực hành VCAL tại trường Nghệ thuật và Công nghệ NCAT là một chương trình dành cho bất cứ học sinh nào muốn đi học dù có kỹ năng học tập chênh lệch khác nhau.

Trường Nghệ thuật và Công nghệ NCAT có cả hai loại chương trình trên, đặc biệt nó cung cấp nhiều nhất các chương trình học nghề vừa thiết thực (các nghề công nghệ) lại vừa sáng tạo (các nghề nghệ thuật), đáp ứng sở thích đa dạng của mỗi cá nhân. Đặc biệt, trường còn có thêm một ngành học mới mà chỉ duy nhất trường này có, khóa ‘Làm và Sửa chữa Nhạc cụ’ (Instrument Making and Repair).

Trường Nghệ thuật và Công nghệ NCAT là trường duy nhất tại Úc cấp Chứng chỉ Tốt nghiệp Trung học Phổ thông thực hành VCAL và có mạng lưới trong tiểu bang Victoria và quốc tế nhằm đào tạo (train) học viên đam mê các nghệ thuật và công nghệ sáng tạo và/hoặc sử dụng (employ) họ khi tốt nghiệp. [8]

Một ngôi trường có chương trình học đầy sáng tạo

Trường Nghệ thuật và Công nghệ NCAT cung cấp các chương trình và có mạng lưới liên thông cho mọi học sinh tài năng kể cả người lớn tuổi muốn phát triển niềm đam mê của mình vào trong các lãnh vực từ nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật tạo hình, thiết kế, truyền thông đến hàng loạt các ngành nghề cơ bản hay các công nghệ hiện đại, mới nhất.

Các môn học và phương pháp học tập trong trường Nghệ thuật và Công nghệ NCAT có cấu trúc tương tự như cấu trúc của các Chương trình Trực tuyến Đại trà (MOOCs) trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự khác biệt là trường NCAT dạy qua trường lớp còn MOOCs thì dạy bằng trực tuyến. [9]

Trường Nghệ thuật và Công nghệ NCAT: mô hình trường có một không hai ở Australia ảnh 5“Tuổi trẻ có chí thì đi”, cẩm nang du học Úc của chàng trai 8X

Trường truyền đạt cho mỗi học viên có thêm tầm nhìn, có thêm ý tưởng về những gì có thể làm được, tìm hiểu sâu hơn về mọi lĩnh vực học tập.

Trường NCAT cũng cống hiến cho học viên một nền giáo dục thích hợp với mỗi một học viên.

Phương pháp học là thực hành, thực hành đến cùng để yêu nghề hơn và đến một lúc nào đó có sự sáng tạo trong nghề.

Cơ sở vật chất không lộng lẫy nhưng các trang thiết bị sử dụng cho việc học tập của hai khối nghệ thuật và công nghệ như phòng hòa nhạc, studio thu âm, trung tâm STEM, máy cắt laser, máy CNC, máy đúc… thì đầy đủ và thuộc loại hiện đại bậc nhất so với các trường của chính phủ.

Một ngôi trường có cả hai lĩnh vực đào tạo thực sự gắn liền cuộc sống

Đó là ngành nghệ thuật và ngành công nghệ, có tổng cộng:

145 ngành nghề nghệ thuật và công nghệ (nghệ thuật có 110 loại nghề) trực tiếp giảng dạy trong trường.

105 ngành nghề nghệ thuật và công nghệ (nghệ thuật có 86 loại nghề) có liên quan đến chương trình học trong trường.  

Giữa nghệ thuật và công nghệ, trường NCAT dạy nhiều loại ngành nghề về nghệ thuật hơn (78,4%) các ngành nghề thuộc khu vực công nghệ (21,6%). Điều này nói lên con người mỗi ngày một hướng đến một văn hóa đa dạng hơn.

Số ngành nghề lớn ấy nói lên sự nổi trội của ngôi trường Nghệ thuật và Công nghệ NCAT tại tiểu bang Victoria.

Vai trò của Bà hiệu trưởng và cộng đồng trường NCAT

Người cầm chùm chìa khóa đi mở cửa các phòng học, phòng ghi âm, thư viện, studio, lab và giải thích cặn kẽ công dụng của mỗi lớp, mỗi khu thực tập, là bà Hiệu trưởng Raffaela Galati-Brown.

Bà Hiệu trưởng Raffaela Galati-Brown (Ảnh: tác giả cung cấp).
Bà Hiệu trưởng Raffaela Galati-Brown (Ảnh: tác giả cung cấp).

Bà là người giữ chức vụ hiệu trưởng lâu đời thứ hai tại tiểu bang Victoria. Bà cũng là vị hiệu trưởng hiếm hoi nhận được huy chương cao quý OAM của nước Úc trao tặng cho bà do sự đóng góp xuất sắc của bà trong lĩnh vực giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp.

Tập thể cộng đồng trường NCAT trong đó có ban giám hiệu, giáo viên, tập thể học sinh, học viên ai nấy đều tận tụy góp sức làm nên ngôi trường quý báu này. Mọi người đều nỗ lực làm việc miệt mài để tạo nên sự khác biệt thật sự đáng kính trọng.

Tập thể cựu học viên đông đảo đang làm việc khắp nhiều nơi trong nước Úc cũng như tại các công ty nổi tiếng ở Anh, ở Mỹ và ở nhiều nước khác cũng là gương mẫu tạo nên sự hưng phấn cho các thế hệ học sinh, sinh viên hiện đang theo đuổi tấm gương của những người đi trước.

Trường NCAT có một học sinh quốc tế duy nhất là người Việt đến từ Hà Nội. Hiện em đang học lớp 11. Hình như em chưa quyết định nên chọn chương trình VCE hay VCAL vì giữa hai chương trình VCE (nghiêng về học thuật) và chương trình VCAL (tập trung thực hành), chương trình nào em cũng có thế mạnh. Trường NCAT rất tự hào về em vì sự chăm chỉ và tiến bộ trong học tập.

Cũng cần nói thêm, cô là con của một nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Có lẽ điều này cũng là một lý do khiến em trân trọng cái nghề đã đưa cha mình đến tột đỉnh của nghệ thuật.

Tài liệu tham khảo:

[1] NCAT = Northern College of the Arts & Technology (Trường Nghệ thuật và Công nghệ phía Bắc)

[2] VCE = Victorian Certificate of Education (Chứng chỉ Trung học phổ thông tiểu bang Victoria)

[3] VCAL = Chứng chỉ Trung học phổ thông Thực hành tiểu bang Victoria (Victorian Certificate of Applied Learning)

[4] VCAA = Victorian Curriculum & Assessment Authority (Cơ quan phụ trách Chương trình và Đánh giá), tương đương với Vụ Khảo thí ở Việt Nam.

[5] Phần lớn các trường phổ thông ở Úc đều có các môn âm nhạc, hội họa, thể dục thể thao, khiêu vũ… nhưng từ trước đến nay các môn học này chưa được xem như là các môn học được chính thức công nhận.

[6] Mỗi ngành nghề có một mã số do tổ chức RTO cấp (RTO = Registered Trade Organisation)

[7] Trade = nghề cơ bản, phần lớn dùng sức lao động, đa số là Chứng chỉ 2, như thợ mộc, thợ nề, thợ ống nước…  Tại Úc, phần lớn các nghề cơ bản có thu nhập rất cao, nhiều ngành có thu nhập cao hơn người tốt nghiệp đại học.

[8] Tại tiểu bang Victoria có 7 trường phổ thông có cấp Chứng chỉ VCAL mà các học sinh theo học các môn học thuộc VCAL qua trực tuyến hoặc do hệ thống LLEN cung cấp chứ không phải do các trường này thực sự giảng dạy. Hệ thống LLEN là Mạng lưới cung cấp Việc làm và Học tập (Gateway Local Learning & Employment Network). Xem đường link: http://www.gatewayllen.com.au/ns/resources/community-directory/vcal-pathway-providers/

[9] MOOCs = Massive Open Online Courses (các chương trình trực tuyến đại trà), hiên nay đã có khoảng gần 50 triệu học viên trên thế giới tham gia (Việt Nam hiện nay chưa có chương trình nào trong MOOCs). MOOCs đang là một thách thức lớn cho mô hình các trường đại học truyền thống.

Giáo sư Nguyễn Xuân Thu