TS Nguyễn Tùng Lâm: Không thể dạy đạo đức bằng cách áp đặt!

13/08/2013 08:06
Theo Tuổi Trẻ
(GDVN) - TS Nguyễn Tùng Lâm là chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. Với quan điểm giáo dục đạo đức là trang bị cho học sinh năng lực để tự điều chỉnh bản thân trong xã hội hiện đại với nhiều vấn đề phức tạp, ông đã trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo quốc gia bàn về việc dạy môn đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường phổ thông. Ông nói:

- Trong nhà trường chúng ta hiện nay đều đã làm tốt việc cung cấp kiến thức cho người học, nặng về rao giảng đạo lý như học sinh cần phải làm gì và vì sao cần phải làm điều đó. Tuy nhiên, người thầy lại ít nghĩ tới cảm nhận của học sinh về yêu cầu giáo dục đó ra sao.

Ít giáo viên quan tâm tới việc ngoài con đường rao giảng kiến thức còn có con đường nào khác có thể giúp học sinh nhận thức sâu sắc, hiểu và tự nguyện làm theo. Nhân cách không chỉ được hình thành bởi những điều nghe và nói mà phải hình thành từ nỗ lực hành động của mỗi người.

Bởi vậy, nếu quan niệm môn đạo đức, giáo dục công dân là môn giúp học sinh hình thành nhân cách thì phải xem đây là môn học mở chứ không thể vạch ra một chương trình cứng như hiện nay.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Ảnh: Nguyễn Khánh
TS Nguyễn Tùng Lâm - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Một môn học mở sẽ như thế nào, thưa ông?

- Chương trình cần phải thay đổi để đơn giản hơn, thực tế hơn, gần gũi với nhận thức của học sinh. Xã hội hiện đại cần những kỹ năng gì, năng lực gì để lớp trẻ có thể hòa nhập và hoàn thiện mình thì trong nhà trường hãy tập trung trang bị cho học sinh cái đó, cần bỏ những kiến thức quá trừu tượng, xa rời thực tế đời sống. Ví dụ như thế hệ trẻ bây giờ cần học cách chào hỏi, ăn mặc, ứng xử trong những tình huống khác nhau, cách vượt qua khó khăn, hòa nhập, chia sẻ với cộng đồng, cần biết các quy định pháp luật, những vấn đề đang diễn ra trong xã hội...

Tuy nhiên, tất cả những điều đó không nên thiết kế như một bài truyền dạy, mà hiệu quả của giáo dục chỉ có thể đạt được bằng trải nghiệm của chính người học. Tôi không quan niệm đây là việc “cần học” mà là việc “cần sống”. Thực hành, trải nghiệm, thậm chí tạo nên nhiều tình huống khác nhau để học sinh phải va đập, suy nghĩ, tự tìm cho mình cách sống, hành vi phù hợp, điều đó mới có thể giúp các em thật sự có được năng lực để tự điều chỉnh bản thân và tham gia đời sống xã hội một cách tốt nhất.

* Có nhiều ý kiến cho rằng một bộ phận giới trẻ bây giờ đang hoang mang, lệch lạc trong suy nghĩ về các giá trị sống. Liệu trong “môn học mở” mà ông vừa đề cập có thể giúp học sinh xác định lại những giá trị sống thật  sự?

- Ở hội thảo quốc gia bàn về dạy học môn đạo đức, giáo dục công dân, tôi cũng đã bày tỏ ý kiến về việc này. Giá trị sống theo quan niệm của mỗi người là cái gốc để tạo nên hành vi cụ thể. Những năm gần đây đang có trào lưu “giáo dục kỹ năng sống”. Tôi không phủ nhận tác dụng tích cực của việc đó, nhưng theo suy nghĩ của cá nhân tôi, cái cần giúp thế hệ trẻ có được trước tiên là xác định giá trị sống. Dĩ nhiên, cả việc này cũng không thể làm theo cách rao giảng, thuyết trình, nhồi nhét vào đầu học sinh rồi bảo các em “giá trị sống phải là như thế”.

Giá trị sống phải do mỗi người tự trải nghiệm, đúc kết. Nhưng nếu ở phần “giáo dục pháp luật” chỉ cần trang bị cho học sinh những quy định cụ thể về pháp luật thì ở giáo dục giá trị sống, người giáo viên phải nâng mình hơn một bậc, thật sự tác động được tới tâm hồn, tình cảm của các em. Làm được điều đó thì mới có thể thành công.

* Câu chuyện dạy học đạo đức, giáo dục công dân quá khô cứng, thiếu hấp dẫn, không hiệu quả đã được mang ra bàn từ nhiều năm nay nhưng vẫn không thay đổi được gì, theo ông, nguyên do vì sao? Liệu thiết kế lại một chương trình - sách giáo khoa cho môn học này có giúp giải quyết được vấn đề?

- Không thay đổi được vì thực tế quan niệm về môn học chưa bao giờ được thay đổi. Trong nhà trường hiện nay, giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách học sinh vẫn mang tính phong trào, hình thức, môn đạo đức, giáo dục công dân bị coi nhẹ, xếp vào diện môn phụ. Mặc dù trên thực tế môn đạo đức, giáo dục công dân đang được “quàng lên cổ” rất nhiều chương trình khác như giáo dục môi trường, phòng chống ma túy, mại dâm, HIV-AIDS, giáo dục sinh sản vị thành niên, bạo lực học đường... Nhưng đó chỉ là sự ôm đồm.

* Câu chuyện “bị xem là môn phụ” cũng xảy ra với môn sử, địa và nhiều môn học khác. Theo quan điểm của ông, môn giáo dục công dân vẫn cần phải học tới hết lớp 12 và phải đưa vào môn thi tốt nghiệp THPT?

- Tôi không bao giờ quan niệm coi trọng môn học nào hơn thì phải đưa nó vào kỳ thi quốc gia. Thậm chí môn đạo đức, giáo dục công dân nếu làm tốt thì cũng không cần ngặt nghèo chuyện thi cử, điểm số. Nếu để bắt học sinh phải học, phải coi trọng, phải quan tâm nhiều hơn bằng việc đưa nó thành môn thi thì sự quan tâm đó cũng chỉ là biểu hiện đối phó. Mà đã đối phó thì không có hiệu quả.

Ở những môn học khác, khi học sinh đối phó, chăm chỉ học hơn, ít nhiều có thể còn có tác dụng tốt, nhưng ở lĩnh vực giáo dục nhân cách, lối sống, giáo dục giá trị sống, việc phải đối phó có thể làm mục tiêu môn học bị lệch lạc, vô tác dụng. Thay vào việc bắt nó thành “môn chính” như quan niệm về môn chính, môn phụ hiện nay, tôi nghĩ nên tìm cách thu hút học sinh.

Hãy làm sao để học sinh không nghĩ mình đang học, mà nghĩ mình đang làm, đang hành động, đang trải nghiệm, đang tìm kiếm điều gì đó có ích cho mình. Đó là cách để môn học trở nên thu hút. Nhưng để có thể làm như thế, cần tạo cơ chế phù hợp cho nó.

* Theo ông, cơ chế thế nào là phù hợp?

- Như tôi nói ở trên, phải có một chương trình “mềm”, các nhà trường phải được phép linh hoạt, sáng tạo thực hiện. Việc học tập không được khuôn cứng trong môi trường lớp học mà có nhiều hình thức hoạt động khác nhau. Cách kiểm tra đánh giá học sinh cũng phải thay đổi. Mục đích của môn học là giúp học sinh biết cách điều chỉnh và có năng lực điều chỉnh thì không thể kiểm tra học sinh bằng những bài kiểm tra cho điểm thuần túy.

Bên cạnh đó cần có sự đầu tư cho đội ngũ giáo viên. Hiện nay, chỉ những người không thi được vào ngành khác mới học làm giáo viên giáo dục công dân, trong nhiều nhà trường giáo dục đạo đức, công dân được giao cho giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm hoặc giao cho giáo viên nhàn rỗi ở trường dạy chéo môn. Giáo viên chuyên trách dạy giáo dục công dân thì lương thấp, đời sống khó khăn do môn học không được coi trọng.

Một cơ chế phù hợp cũng phải tính tới là cơ chế đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ đối với giáo viên. Nếu ở các môn khoa học khác, giáo viên có phương pháp không tốt có thể học sinh vẫn ít nhiều tiếp thu được kiến thức, do mỗi môn khoa học có chân lý riêng của nó. Nhưng việc dạy cho học sinh phải sống, phải hành động tốt đẹp mà người thầy không khiến trò tin tưởng, thuyết phục thì khó đạt được mục tiêu giáo dục.

Theo Tuổi Trẻ