TS.Nguyễn Văn Khải: "Nguy hiểm nhất là giáo viên không thích dạy"

09/10/2012 08:41
Xuân Trung
(GDVN) - Trong hoạt động bồi dưỡng kiến thức thực nghiệm vật lý hiện đại cho các giáo viên ở 100 trường THPT tại Hà Nội, TS Nguyễn Văn Khải (thường được gọi là Ông già Ozon) cho rằng, rất ít giáo viên có trình độ trong thực nghiệm và “lười dạy”.
Có mặt trong một lớp bồi dưỡng kiến thức thực nghiệm cho các giáo viên THPT tại Hà Nội sáng 8/10, TS Nguyễn Văn Khải cho chúng tôi biết, với lớp của ông trong sáng nay sĩ số đi học khoảng 2/3 (20 người). Những buổi học đầu thường rất mất trật tự, nhiều giáo viên vào lớp không có giấy bút, đồ thí nghiệm cũng không mang. “Trong những đồ thí nghiệm không mang cũng vướng mắc là nhiều đồ vừa được phát đã hỏng, có giáo viên mang theo 12 đồng hồ điện thì hỏng tới 11 cái”, TS Khải nói về sự bất cập trong dụng cụ thí nghiệm hiện nay.

Lớp bồi dưỡng kiến thức thực nghiệm cho các giáo viên các trường THPT tại Hà Nội. Ảnh Xuân Trung
Lớp bồi dưỡng kiến thức thực nghiệm cho các giáo viên các trường THPT tại Hà Nội. Ảnh Xuân Trung

Theo TS Nguyễn Văn Khải, chất lượng giáo viên hệ phổ thông bây giờ rất đáng báo động khi buổi đầu tiên ông cho họ làm bài tập và trả lời câu hỏi liên quan tới kiến thức Vật lý, trong 100 câu hỏi thì chỉ có 1 người trả lời được, một người được khoảng 3/4, nhiều người chỉ trả lời được 1/4, trong đó đáng chú ý có rất nhiều giáo viên nếu tính điểm ra chỉ được từ 1-2 điểm.

“Tôi đã đi khoảng 1.000 trường khắp cả nước, chưa có ai trả lời được hết bộ câu hỏi này, mặc dù câu hỏi rất đơn giản. Tôi nghĩ không phải câu hỏi khó mà là tất cả giáo viên, học sinh đều đang quen thói tùy tiện, làm việc chưa nghiêm túc, nhưng có lẽ đau nhất có những thầy cô đã dạy học trong ngành hơn 40 năm thì đây mới là lần đầu tiên được thực hiện một thí nghiệm sâu về pin nhiệt điện như thế này”, TS Khải nói.

Trong thực tế, đã nhiều lần báo chí và các chuyên gia đã lên tiếng về cách giảng dạy trong các trường phổ thông hiện nay, chủ yếu áp dụng các phương pháp lý thuyết trừu tượng, nhất là đối với các môn đòi hỏi số tiết thực hành nhiều như Vật lý, Hóa học, Sinh học… những tiết thực hành như thế để biến kiến thức trừu tượng thành những cái cụ thể thì lại rất ít trường tiến hành.

Nguyên nhân chủ quan thì thấy rằng, hầu hết các trường ở Hà Nội, đặc biệt là các trường các huyện ngoại thành điều kiện, trang thiết bị cho thực hành còn hạn chế. Khách quan mà nói, nhiều giáo viên và học sinh cũng ở tình trạng “lười” tìm tòi và khám phá.

TS Nguyễn Văn Khải cho biết, ông đã đi nhiều tỉnh thành trong cả nước, mỗi tỉnh đều có những thời gian ông ở lại bồi dưỡng kiến thức thực hành cho giáo viên (đã làm ở 320 trường Ninh Bình, hơn 100 trường ở Phú Thọ…) thì thấy rằng, cái nguy hiểm nhất hiện nay là giáo viên không thích dạy. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã từng nói, lương của giáo viên phải cao nhất trong các nghề, điều này TS Khải cho rằng rất đúng, nhưng còn một cái đúng nhất lại không ai làm: Đó là việc làm sao để học sinh thích học, muốn học sinh học thì thầy cô cũng phải thích dạy, muốn thầy thích dạy thì phải được tôn trọng, phải có kiến thức...
Theo TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, kỹ năng thực hành của giáo viên còn yếu. Ảnh Xuân Trung
Theo TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, kỹ năng thực hành của giáo viên còn yếu. Ảnh Xuân Trung
“Quan niệm của những lớp bổ trợ kiến thức thực nghiệm như thế này của chúng tôi là: Bị thầy, đồng nghiệp chê là vụng, làm sai quy trình còn được, nhưng không được để học sinh chê mình dốt”, TS Nguyễn Văn Khải nhấn mạnh.
Không thể phủ nhận hiện nay trong các trường phổ thông tình trạng đang thiếu những bài thực hành thí nghiệm, về vấn đề này TS Khải cho biết, ông có thể cung cấp hàng nghìn bài thí nghiệm chuyên sâu. Có những bài thí nghiệm từ những năm 1969 đến nay vẫn sử dụng được vì từ những năm 1970 đến nay chương trình không thay đổi là mấy.

“Tôi muốn lên án nạn tham nhũng tại các trường học khiến học sinh không có dụng cụ thí nghiệm để học, giờ thực hành chấm hệ số 2 mà đồng hồ điện hỏng, trong khi đó học sinh phải có điểm thì giải quyết ra sao? Từ đó thầy giáo, học sinh phải nói dối, như thế mới có thầy giáo dốt, học sinh dốt”, TS Khải thẳng thắn nói.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Dương Bá Thành – giáo viên dạy môn Vật lý tại Trường THPT Phan Đình Phùng, một trong những trường được đánh giá có dụng cụ thí nghiệm bậc nhất Hà Nội cũng phải thừa nhận, từ thời đi học đến bây giờ đây là lần đầu tiên ông được làm thí nghiệm sâu như thế này.

Theo thầy Thành, giáo viên muốn dạy tốt thực hành cần có ba thứ: Thứ nhất, kiến thức thực nghiệm của giáo viên phải được nâng cao, hiện có những giáo viên trẻ cầm đến bóng đèn không biết bóng đèn có những chân nào. “Học trên lý thuyết là thế nhưng khi học thực tế lại không biết. Thứ hai, giáo viên phải được trang bị những cái tối thiểu nhất để giáo viên có thể dạy được thực hành như đồng hồ điện, những thiết bị ứng dụng khác. Khó khăn lớn nhất là sách dạy một kiểu nhưng thiết bị cung cấp cho giáo viên lại là một kiểu khác”, thầy Thành cho biết.

Một trong những yếu tố căn bản để thôi thúc giáo viên yêu nghề hơn, theo thầy Thành đó là mức sống của giáo viên, bản thân giáo viên có say mê nhưng vấn đề cơm no, áo lành mới nghĩ tới chuyện say mê, vấn đề nay liên quan tới chính sách.

Qua những lớp bồi dưỡng kiến thức thực nghiệm như thế này thầy Thành thấy có động lực dạy học hơn, thích dạy thực hành hơn cho sinh viên. Đồng ý với quan điểm này, thầy Lương Văn Cảnh – một giáo viên trẻ của Trường THPT Đại Cường – huyện Ứng Hòa cho rằng, đây là điều kiện để các thầy được tận mắt làm những thí nghiệm sâu, quan sát vấn đề thực tế để chuyển tải tới học sinh của mình. Qua những lớp như thế này, các giáo viên cho rằng cần mở rộng và quan trọng hơn là cơ chế chính sách cho giáo viên được nâng lên để họ yêu nghề hơn, say mê với sự nghiệp trồng người. 
Xuân Trung