Vụ 'canh gà Thọ Xương':

TS Trịnh Thu Tuyết nhắn nhủ cô Hà Thủy 'rộng lòng hơn với cuộc đời'

14/10/2012 14:21
Kim Ngân (thực hiện)
(GDVN) - "Tôi nghĩ cô giáo trẻ đang ở thời điểm khó khăn trong cuộc đời, nhưng rồi những phản ứng tiêu cực có lẽ sẽ nhanh chóng qua đi, để lại cho cô thêm một sự trải nghiệm... Em nên nghiêm khắc hơn với bản thân để mạnh mẽ và rộng lòng hơn với cuộc đời, để có lại niềm tin".
LTS: Sự việc cô giáo Hà Thị Thu Thủy - GV Văn Trường THPT Lômônôxôp (Từ Liêm, Hà Nội) dính "tai nạn nghề nghiệp" từ sai sót của học sinh về “canh gà Thọ Xương” từ chỗ bị phê phán, châm biếm đang đổi chiều, nhận được sự cảm thông, chia sẻ của dư luận xã hội. Trong diễn biến mới nhất, Ban Giám hiệu nhà trường cho biết đã nhận được đơn xin nghỉ việc của cô Thủy, nhưng chưa chấp thuận nội dung trong đơn.
Để có cái nhìn sâu sắc, đa chiều hơn về vấn đề, Báo Giáo dục Việt Nam ghi nhận ý kiến của Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết - GV Văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) về “sự cố nghề giáo”này. 
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết cho rằng cô Thủy không nên từ bỏ nếu có tâm với nghề.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết cho rằng cô Thủy không nên từ bỏ nếu có tâm với nghề.
- Thưa TS Trịnh Thu Tuyết, khi đọc thông tin như bài báo phản ánh về sự cố của cô giáo Hà Thị Thu Thủy, bà có suy nghĩ như thế nào?
TS Trịnh Thu Tuyết: Tôi ngạc nhiên vì sự việc, nhưng buồn nhiều hơn vì diễn biến sự việc, bởi qua việc mà thấy đời!
- Theo một tờ báo đăng tải, cô Thủy đã nhận lỗi là do không chữa bài chu đáo, không kiểm tra học sinh có sửa hay không nên nhiều em vẫn hiểu sai. Là một người dạy Văn nhiều năm, theo TS thì lỗi đó thuộc về nghiệp vụ hay kiến thức của người giáo viên? 
TS Trịnh Thu Tuyết: Chưa thể khẳng định cô giáo có dạy như thế hay không, nhưng về nghiệp vụ thì đây quả là một sai sót cần rút kinh nghiệm. Những tiết trả bài luôn là dịp để học sinh nhận thức chính mình và nếu phần nhận xét, sửa chữa của thầy cô xác đáng thì thực chất là một lần các em được cung cấp lại cả về kiến thức và kĩ năng. 
- Vậy ở đây chúng ta nên hiểu câu: “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương” như thế nào là đúng nhất, thưa TS? 

TS Trịnh Thu Tuyết: Cả bốn địa danh: Trấn Vũ, Thọ Xương, Yên Thái, Tây Hồ đều thuộc vùng tây cố đô Thăng Long, tức Hà Nội cũ. Chùa Trấn Vũ là ngôi chùa cổ trên đường Cổ Ngư; Thọ Xương là tên cũ của một huyện sát thành Thăng Long, gần Hồ Tây, trong đó có làng Yên Thái chuyên làm giấy bản. Bài ca dao miêu tả vẻ đẹp thơ mộng của vùng Tây Hồ trong buổi sớm mờ sương, câu "Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương" miêu tả âm thanh của tiếng chuông chùa Trấn Vũ cùng tiếng gà gáy huyện Thọ Xương trong thời khắc sang canh, những âm thanh vừa gợi cõi vô thường của đạo, vừa bình dị cõi đời.

Xét trong tính hệ thống, đương nhiên không thể có cách hiểu như bài làm của em học sinh của Trường THPT Lômônôxôp.

- Sau khi gặp sự cố như vậy, cô Thủy đã viết đơn xin nghỉ dạy, về quê. Có thông tin cho rằng cô đang phải nằm viện do áp lực dư luận. Vậy theo TS, phải chăng “sức mạnh” của dư luận quá lớn đã gây cú sốc lớn cho người giáo viên trẻ đó?
TS Trịnh Thu Tuyết: Quả thực dư luận luôn có sức mạnh của "búa rìu" với bất kì ai, nhất là với một cô gái mới ở tuổi 25, khi nhiệt huyết có thể nhiều hơn bản lĩnh.

Chúng ta nên có trách nhiệm và sự chân thành khi nhìn nhận, xét đoán một con người. Con người luôn thể hiện đồng thời cả trí tuệ và nhân cách qua cách họ đối diện với một sự việc, một con người, một số phận. 
Tôi cho rằng phản ứng của dư luận có nhiều nguyên do, nhưng bên cạnh sự bức xúc với bản thân sự việc và thực trạng giáo dục, không thể không thấy nguyên nhân còn xuất phát từ một thực trạng nữa của cộng đồng xã hội mạng - hội chứng đám đông, sự thiếu trách nhiệm và thiếu nhân văn trong ứng xử. Trong những nút nhấn "like", những "comment" nhiều khi khá vô cảm, tùy hứng và tùy tiện!
- Có người cho rằng, việc cô giáo đó viết đơn xin nghỉ, xin lỗi phụ huynh thể hiện sự xấu hổ của bản thân, có tâm với nghề. TS nghĩ sao?
TS Trịnh Thu Tuyết: Nếu có tâm với nghề thì không thể từ bỏ dễ dàng như thế. Tôi nghĩ cô giáo trẻ đang ở thời điểm khó khăn trong cuộc đời, nhưng rồi, những phản ứng tiêu cực có lẽ sẽ nhanh chóng qua đi, để lại cho cô thêm một sự trải nghiệm. 
- Theo TS, lỗi của người giáo viên này có nên được xã hội chấp nhận và có cái nhìn khoan dung, thông cảm hơn với người thầy không? Cụ thể, chúng ta nên làm gì thưa TS?
TS Trịnh Thu Tuyết: Nếu đã là lỗi thì không thể chấp nhận, nhưng cần có cái nhìn xác đáng và sự cảm thông. Tổ chuyên môn và nhà trường nên có sự xác minh chính xác sự việc, có thông tin phản hồi cho dư luận, bản thân cô giáo cũng cần dũng cảm nhìn nhận lại chính mình, còn công luận thì đặc biệt cần công bằng, trách nhiệm và nhân văn.
- Là một người đứng trên bục giảng hơn 30 năm, cô có muốn gửi lời nhắn nhủ đến cô giáo trẻ Hà Thị Thu Thủy không?
TS Trịnh Thu Tuyết: Em nên nghiêm khắc hơn với bản thân để mạnh mẽ và rộng lòng hơn với cuộc đời, để có lại niềm tin! Trân trọng cảm ơn TS!
Không thể do lỗi kiến thức, trình độ!
Với tư cách của người dạy học, tôi cho rằng nếu nói đó do lỗi kiến thức của cô Thủy là không có. Bởi câu ca dao này rất đơn giản, chỉ là hiện tượng đồng âm nên bất kỳ người nào được đào tạo sư phạm đều không thể hiểu sai được. Người bình thường tối thiểu còn hiểu đúng, hơn nữa còn có sách tham khảo, giáo trình… Vấn đề là cô giáo không hiểu sai mà là học trò hiều sai, viết sai. 
Lỗi ở đây là giáo viên ấy chấm bài không cẩn thận. Học sinh diễn đạt sai, hiểu nhầm ý nghĩa nhưng không gạch đi. Còn việc vẫn cho 8 điểm là điểm của cả chuyên đề có 8 bài tập chứ không phải điểm của bài văn. Vì vậy, số điểm ấy là không đáng chê trách. Trong nghề giáo, nếu nói không gặp sự cố giảng dạy thì không đúng. Người thầy có thể chưa hiểu thấu đáo, chính xác một hình tượng nghệ thuật văn học là chuyện bình thường hoặc mình nói đúng, học sinh hiểu sai là điều khó tránh khỏi.
Giá phải trả là sức ép dư luận quá lớn, số đông chưa phải là đúng. Tôi nghĩ, dù có bị tổn thương quá lớn, cô giáo ấy không nhất thiết phải bỏ dạy như thế, cách cư xử đó hơi nóng vội. Bởi cô vẫn được học sinh quý mến, tôn trọng. Còn về phía dư luận, chúng ta nên mở rộng vòng tay đối với người mắc sai lầm bởi đó là sơ suất nhỏ trong nghề và cô giáo ấy có tuổi đời còn quá trẻ. Đó là người thầy có nhiệt huyết, đam mê và trình độ. Cộng đồng mạng chỉ là một phần, không ai có quyền cho cô bỏ nghề hay không!

(Một giáo viên hơn 10 năm dạy chuyên Văn - Hải Dương)
Kim Ngân (thực hiện)